Bắc Giang: Cán bộ đường sắt dũng cảm cứu người rơi xuống sông
'Không chỉ tôi, những cán bộ, nhân viên khác của Cung cầu Cẩm Lý, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Lạng thấy người đuối nước cũng sẽ tìm cách cứu thôi'- ông Chu Văn Đại (SN 1971), cán bộ Cung cầu Cẩm Lý chia sẻ.
Chiều 25/9, bà Đặng Thị Hậu (SN 1968) ở thôn Giáp Sơn, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam (Bắc Giang) cùng con rể và cháu ruột đến Cung cầu Cẩm Lý để cảm ơn ân nhân của mình.
Tay nắm chặt tay, mắt rơm rớm, bà nói: “Xin chân thành cảm ơn anh Đại, các cán bộ, nhân viên đơn vị đã cứu sống tôi”. Anh Đặng Quốc Hoàn, cháu ruột của bà Hậu và anh Giáp Văn Đạt, con rể của bà Hậu cũng rưng rưng.
Anh Hoàn nhớ lại: “Sáng hôm qua, nghe mọi người kể lại bà bị rơi xuống sông chúng tôi cũng dựng tóc gáy. May mắn được cán bộ đường sắt kịp thời giúp đỡ. Chúng tôi chẳng biết nói gì ngoài lời cảm ơn và xin lỗi vì bà đã đi vào làn đường của tàu hỏa và ô tô”.
Trước đó, khoảng 6 giờ sáng 24/9, ông Đại nhận giao ca gác cầu như bao ngày khác. Tay cầm cờ lệnh, cổ đeo còi, ông và các đồng nghiệp tích cực hướng dẫn người dân, phương tiện giao thông qua cầu.
Hơn 7 giờ, ông Đại nhận thấy cầu có dấu hiệu ùn tắc. Nhanh chóng quan sát, nắm bắt tình hình khu vực tập trung đông người, ông phát hiện có người đang chới với dưới sông.
Khi thấy nạn nhân vùng vẫy dưới nước kêu cứu, những người lưu thông trên cầu chứng kiến đã nhanh chóng tháo áo phao để sẵn ở thành cầu ném xuống nước. Bà Hậu chới với đến lần thứ hai thì túm được áo phao. Một thanh niên đã nhanh chóng bơi ra phía bà Hậu. Tuy nhiên, do nước chảy xiết, người này đuối sức nên quay vào bờ. Lúc này, ông Đại mặc áo phao cầm theo cuộn ống nước do đồng nghiệp chuẩn bị rồi lao xuống sông.
Bơi ra gần khu vực bà Hậu đang vùng vẫy, ông nói to: “Chị cứ bình tĩnh, tôi sẽ kéo chị vào bờ” để trấn an. Khi bà Hậu giữ được một đoạn ống nước thì ông Đại nắm chắc đoạn còn lại, bơi và kéo người gặp nạn vào bờ. Được biết, mực nước sông Lục Nam đo được khoảng 4 mét.
Chia sẻ thêm, ông Đại nói: “Lúc ấy, tôi nghĩ muốn cứu người cũng phải bình tĩnh. Khi mới rơi xuống nước người gặp nạn rất hoảng loạn, vùng vẫy mạnh, nếu như tiếp cận ở cự ly gần thì họ sẽ ôm và siết chặt mình dẫn đến cả hai cùng bị đuối nước. Vì thế, tôi và mấy anh em đơn vị nhanh chóng lấy sào dài và đoạn ống nhựa rồi mới bơi ra để cứu nạn nhân”.
Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Tân An (Yên Dũng), ông Đại có 20 năm công tác trong ngành đường sắt, làm nhân viên tuần cầu, gác cầu.
Ở mỗi vị trí công tác, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng nghiệp, lãnh đạo tin tưởng. Nhận nhiệm vụ gác cầu ở Cung cầu Cẩm Lý từ năm 2015, ông sử dụng còi, cờ hiệu để điều hành giao thông cho tàu hỏa, ô tô, phương tiện qua cầu bảo đảm an toàn khi lưu thông.
Được biết, cầu Cẩm Lý được xây dựng từ năm 1979, hiện là cây cầu duy nhất trên cả nước cho cả tàu hỏa, ô tô đi chung. Đây được đánh giá là cây cầu nguy hiểm luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Trao đổi thêm với ông Tạ Thanh Long, Cung trưởng được biết, Cung hiện có 20 cán bộ, nhân viên phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng, điều hành giao thông ở khu vực huyện Lục Nam. 100% cán bộ, nhân viên đều biết bơi, hằng năm đều được tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động và các kỹ năng cứu hộ, cứu nạn.
Ông Long nói: “Cứu người khi thấy họ gặp nạn là trách nhiệm của mỗi nhân viên đơn vị và cũng là tình người. Hành động dũng cảm của ông Đại là tấm gương để anh em đơn vị noi theo. Qua sự việc lần này, chúng tôi cũng mong bà con nhân dân tuân thủ pháp luật về giao thông; đề xuất các đơn vị hỗ trợ trang bị thêm phao tròn, dây cứu sinh... ”.
Sáng 25/9, đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã về tận nơi động viên, trao Bằng khen của Ban Chấp hành Công đoàn Đường sắt Việt Nam; Công ty cổ phần Đường sắt Hà Lạng cũng đã khích lệ, động viên kịp thời ông Đại.
Bài, ảnh: Tuyết Mai