Bắc Giang: Còn nhiều điểm 'đen', điểm nghẽn giao thông
Cùng với tốc độ phát triển nhanh về KT-XH, số lượng phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh những năm gần đây tăng cao, nhất là các loại phương tiện cá nhân, gia đình như ô tô, xe máy. Hạ tầng và cách tổ chức giao thông ở TP Bắc Giang cũng như một số thị trấn, khu dân cư tập trung đông chưa đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến tình trạng ùn tắc, thiếu chỗ đỗ, để xe...
Phương tiện tăng nhanh, nảy sinh bất cập
Vài năm gần đây, người dân TP Bắc Giang dễ dàng nhận thấy số lượng ô tô, xe máy… tăng nhanh. Chị T sống ở khu chung cư Quang Minh vừa dành dụm mua được một chiếc xe ô tô để phục vụ đi lại, nhất là đưa đón con những ngày mưa gió. Tuy nhiên, điều chị băn khoăn nhất là chỗ để xe vì cư dân ở khu vực này có mức sống khá cao, nhiều gia đình có ô tô, trong khi chỗ để xe và hệ thống giao thông xung quanh không đáp ứng được, thường xuyên tắc đường vào giờ cao điểm.
“Đầu giờ sáng hoặc cuối giờ chiều hằng ngày, hàng trăm ô tô cùng lúc đổ ra, các tuyến đường lại nhỏ hẹp dẫn đến ùn tắc. Có hôm không di chuyển được, sợ con muộn học, tôi muộn giờ làm nên có lúc nghĩ bán ô tô để đi xe máy”, chị T phản ánh.
Thực trạng này còn diễn ra ở các huyện có mật độ dân số cao, lượng người tăng cơ học nhiều bởi các khu, cụm công nghiệp như: Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng… Từ khoảng 6 giờ 30 phút và 17 giờ các ngày làm việc, nhiều tuyến thường quá tải trong 1 đến 2 giờ, ảnh hưởng đến khả năng lưu chuyển và an toàn.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), từ đầu năm đến nay, có gần 4.700 xe ô tô, hơn 7.000 xe máy, mô tô và hơn 400 xe máy điện đăng ký mới. Ngoài ra, gần 1.700 xe ô tô chuyển hồ sơ quản lý từ địa phương khác về Bắc Giang. Những phương tiện đăng ký mới hoặc mua bán, chuyển về hầu hết đều tập trung ở khu vực TP Bắc Giang và trung tâm các huyện lỵ, thị trấn.
Điều này phản ánh tốc độ đô thị hóa nhanh, KT-XH phát triển, đời sống của người dân nâng lên, nhiều cá nhân, gia đình có điều kiện mua, sử dụng ô tô nhưng cũng nảy sinh không ít bất cập cho tổ chức giao thông. Đại diện Phòng Kinh tế TP Bắc Giang cho biết, qua phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông khảo sát, ghi nhận một số điểm ùn tắc vào những giờ cao điểm, giờ tan tầm do lượng phương tiện tham gia đông như: Ngã tư Hùng Vương – Lê Lợi, ngã ba Xương Giang – Trần Nguyên Hãn…
Các khu vực ngã tư: Quách Nhẫn – Hoàng Quốc Việt, Quách Nhẫn – Lê Hồng Phong, Vi Đức Thăng – Hoàng Quốc Việt, Vi Đức Thăng – Lê Hồng Phong… kiểu ô bàn cờ nhưng góc khuất, phương tiện thường di chuyển nhanh, nguy cơ xảy ra va chạm. Nhiều vòng xuyến (nhất là khu vực giao cắt đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang và Tây Yên Tử) chưa hợp lý, đèn chiếu sáng không bảo đảm cho quan sát.
Một số đoạn đường như: Lê Lý, Huyền Quang, Trần Quốc Toản, Lê Lợi… vỉa hè hẹp, thậm chí không có vỉa hè, khó khăn bố trí nơi dừng, đỗ xe. Hệ thống đèn tín hiệu giao thông được trang bị từ lâu, một số đã cũ và ảnh hưởng của thời tiết thường trục trặc, hỏng.
TP Bắc Giang hiện có hơn 10 bãi gửi xe được cấp phép nhưng hầu hết quy mô nhỏ, thiếu đầu tư, đáp ứng chưa được 10% nhu cầu. Phần lớn xe ô tô phải đỗ ngoài đường hoặc tại các điểm trông giữ tự phát, không có trong quy hoạch và không được phép. Nhiều gia đình, cá nhân và cơ quan, trường học tận dụng diện tích sẵn có tự mở dịch vụ trông giữ xe, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, mất an toàn, vi phạm phòng, chống cháy nổ.
Tập trung rà soát, điều chỉnh
Những năm qua, hạ tầng hệ thống giao thông được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, xây dựng tương đối hiện đại, đồng bộ. Tuy vậy khi đưa vào vận hành ở một số nơi bộc lộ điểm nghẽn. Điển hình là trục đường Trần Quang Khải nối với đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP Bắc Giang). Dù mới đầu tư nhưng tuyến đường có nhiều điểm “đen”, cầu vượt đường sắt trên đường Trần Quang Khải độ dốc khá lớn, hai đầu cầu có đường giao cắt đồng mức, vuông góc khiến các phương tiện gặp nhiều khó khăn, ngay chân cầu nối vào đường Nguyễn Thị Minh Khai là cụm đèn giao thông.
Nút giao Trần Quang Khải – Trần Nguyên Hãn có mật độ phương tiện giao thông lớn nhưng chỉ có đèn cảnh báo, vạch kẻ đường mờ khiến nhiều vụ va chạm, tai nạn xảy ra. Hầm chui đường Nguyễn Thị Minh Khai khuất tầm nhìn, giao với đường gom hai bên quốc lộ 1 tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn…
Trục đường Hùng Vương có nhiều điểm giao cắt nhưng hệ thống đèn tín hiệu chưa thể hiện được sự liên hoàn, thông minh; nút giao Hùng Vương nối với đường Tây Yên Tử và cầu vượt đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang nhỏ hẹp, rối rắm. Nhiều công trình giao thông ở một số địa phương khác bố trí chưa khoa học, gây khó khăn cho người điều khiển phương tiện như cầu vượt đường sắt thị trấn Nếnh (Việt Yên) dốc cao, đường dẫn cua gấp. Khu vực đầu cầu Xương Giang và Như Nguyệt thường xuyên tắc đường…
Nhìn nhận về vấn đề này, một kiến trúc sư không tiện nêu tên cho rằng, ngay từ khâu thiết kế hạ tầng giao thông đã có nhiều điểm chưa hợp lý, tổ chức giao thông hiện còn bất cập, khó cho việc kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông. Để hạn chế, cần rà soát lại các tuyến đường, khắc phục những mặt cắt, điểm thắt. Một số đoạn đường còn có độ cua gấp, tầm nhìn hạn chế cũng cần nghiên cứu có biện pháp xử lý.
Nên đổi mới cách phân luồng, làn, thêm nhiều tuyến đường một chiều trong nội thị, khu đông dân cư để tránh tình trạng phương tiện đổi hướng theo chiều ngược hoặc các ngõ, ngách, đường nhánh cắt ngang…
Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải) cho biết, thời gian tới, cơ sở hạ tầng giao thông sẽ được rà soát, điều chỉnh, trong đó có xây mới, sửa chữa, nâng cấp để đáp ứng tốc độ tăng trưởng. Sở cùng với các huyện, TP tiếp thu, khắc phục bất cập nhằm bảo đảm giao thông thông suốt.
Khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào công tác tổ chức, điều tiết giao thông. Về lâu dài, cần có sự đầu tư kinh phí, quy hoạch phát triển giao thông, từng bước hoàn thiện hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng.
Bài, ảnh: Quốc Phương