Bắc Giang: Công bố di tích Quốc gia đặc biệt, thêm huyện nông thôn mới
Tỉnh Bắc Giang vừa họp báo về tổ chức Lễ đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ATK II và quyết định Hiệp Hòa đạt chuẩn nông thôn mới.
Chủ tịch huyện Hiệp Hòa Hoàng Công Bộ chủ trì họp báo
Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Hoàng Công Bộ cho biết, Hiệp Hòa là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, xã Xuân Cẩm đã được Đảng và Chính phủ chọn làm nơi mở Trường Tập huấn của Đoàn ủy Đoàn cải cách ruộng đất. Hơn 2.000 cán bộ cải cách đoàn Thái Nguyên, Bắc Giang đã về học tập tại đây từ tháng 10/1954 đến tháng 2/1955 và đã được các đồng chí lãnh đạo của Đảng như: Hoàng Quốc Việt, Hồ Việt Thắng… cùng các đồng chí lãnh đạo khác về thăm.
Đặc biệt, ngày 8/2/1955 (tức ngày 16, tháng Giêng, năm Ất Mùi), huyện Hiệp Hòa vinh dự được Bác Hồ về thăm và làm việc với Ban Cán sự Đoàn ủy Đoàn cải cách tại đình Cẩm Xuyên; thư khu hậu cần tại nghè Cẩm Xuyên; trò chuyện thân mật tại Hội nghị Tổng kết cải cách ruộng đất đợt II, ở khu hội trường Soi Vải xứ Đồng Nương, thôn Xuân Cẩm; sau đó Người đi thăm một số hộ nông dân ở thôn Cẩm Xuyên…Để lưu giữ di tích lịch sử quan trọng này nhằm giáo dục truyền thống cánh mạng cho các thế hệ, huyện Hiệp Hòa đã đầu tư tôn tạo khu di tích Quốc gia nơi đón Bác Hồ về thăm tại xã Cẩm Xuyên và sẽ khánh thành dịp này.
Đặc biệt, Hiệp Hòa cũng có 16/25 xã được công nhận là xã An toàn khu II. Di tích cấp quốc gia đặc biệt An toàn khu II Hiệp Hòa (viết tắt là: ATK II Hiệp Hòa) thuộc địa bàn huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Di tích gồm 8 địa điểm: Nhà ông Ngô Văn Thấu (cụ Đồ Ba), nhà ông Nguyễn Văn Chế, nhà ông Ngô Văn Đông (Lý Đông), Soi Đền, đình Vân Xuyên, đình Chợ Vân, đình Xuân Biều và chùa Y Sơn.
Từ những năm đầu cách mạng, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã tiến hành xây dựng ATKII của Trung ương Đảng trên vùng đất Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang), giáp ranh với các huyện: Phú Bình, Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên), là khu đệm mang tính chiến lược nối liền khu giải phóng với vùng trung du và đồng bằng, cửa ngõ quan trọng của căn cứ địa Việt Bắc với các cơ sở và phong trào cách mạng ở miền xuôi.
1.Nhà cụ Ngô Văn Thấu (cụ Đồ Ba), xã Hoàng Vân - cơ sở cách mạng đầu tiên của ATKII Hiệp Hòa.
Nhà cụ Ngô Văn Thấu (cụ Đồ Ba), thôn Vân Xuyên xã Hoàng Vân là gia đình nhà nho giàu lòng yêu quê hương, đất nước, được các đồng chí lãnh đạo Đảng giác ngộ trở thành một đầu mối quan trọng, là cơ sở cách mạng đầu tiên tại ATKII Hiệp Hòa. Tháng 8/1938, đồng chí Hoàng Quốc Việt - Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ về gây dựng cơ sở cách mạng tại tổng Hoàng Vân và được bố trí ở tại gia đình cụ Đồ Ba. Từ đó gia đình cụ Đồ Ba trở thành nơi nuôi giấu tin cậy, và bảo vệ an toàn cho các đồng chí cán bộ cấp cao của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Các con của Cụ: Đồng chí Ngô Văn Đán, Ngô Tuấn Tùng, Ngô Duy Phương đều sớm giác ngộ cách mạng và sau này đều là những cán bộ cấp cao của Đảng.
2. Chùa Y Sơn (Chùa IA), xã Hòa Sơn - nơi diễn ra cuộc diễn thuyết tuyên truyền cách mạng ngày 22/2/1940
Chùa Y Sơn tọa lạc tại chân núi Y Sơn, thuộc thôn Thù Sơn xã Hòa Sơn. Trong thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chùa Y Sơn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, trong đó tiêu biểu là sự kiện ngày 22/02/1940 (tức ngày 15 tháng Giêng năm Canh Thìn). Nhân ngày hội lệ thường niên ở Chùa, đồng chí Lê Hoàng - Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư chi bộ Đảng Hoàng Vân, chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hiệp Hòa đã lãnh đạo chi bộ tổ chức một buổi diễn thuyết lớn, đồng chí đã phân tích tình hình thế giới, trong nước, chỉ rõ mục tiêu chiến lược của cách mạng thời kỳ này là đấu tranh giành độc lập cho đất nước, kêu gọi toàn thể nhân dân đi theo Đảng, đoàn kết chuẩn bị lực lượng để khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.
3.Đền Soi, xã Hoàng Vân - địa điểm huấn luyện quân sự thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ cùng Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang đã chọn nơi đây làm địa điểm mở các lớp quân chính đầu tiên của Đảng, tổ chức nhiều cuộc huấn luyện chính trị và quân sự cho cán bộ quân sự các tỉnh, chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Địa điểm Đền Soi, xóm Đá được chọn mở lớp từ cuối năm 1940 và kéo dài tới đầu năm 1945. Tại đây đã mở liên tiếp 20 lớp huấn luyện quân sự, mỗi lớp có từ 20 - 40 học viên, học trong vòng 20 ngày với nội dung huấn luyện khá hoàn chỉnh như: Nhiệm vụ, phương pháp công tác của quân đội cách mạng, phương pháp tác chiến, cách sử dụng vũ khí, khí tài, võ thuật... đồng chí Hoàng Văn Thái, Lương Văn Tri …trực tiếp giảng dạy.
Bên cạnh là địa điểm mở các lớp tập huấn về quân sự, Đền Soi còn là nơi hội họp của các đồng chí cán bộ hoạt động cách mạng, là trạm trung chuyển, liên lạc với các cơ sở khác an toàn.
4.Nhà cụ Nguyễn Văn Chế (cụ Hựu), xã Hoàng Vân - nơi mở lớp huấn luyện chính trị của Đảng thời kỳ tiền khởi nghĩa (khai mạc ngày 19/11/1942)
Xóm Đá, làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân là nơi có cơ sở cách mạng rất vững vàng trong thời kỳ vận động giải phóng dân tộc. Những năm 1941 - 1942, phong trào cách mạng bị địch khủng bố ác liệt, nhưng các cơ quan và cán bộ của Trung ương, Xứ ủy và của tỉnh Bắc Giang đóng ở đây vẫn được nhân dân nuôi dưỡng chu đáo và bảo vệ an toàn. Ngày 19/11/1942, tại nhà cụ Nguyễn Văn Chế (cụ Hựu), thuộc xóm Đá, làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, Trung ương Đảng đã khai mạc lớp tập huấn chính trị cho cán bộ các tỉnh thuộc Bắc Kỳ. Lớp huấn luyện gồm 8 học viên là đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh, các đồng chí Đặng, Tân, Lộc, Chung…do đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng trực tiếp giảng bài. Do bị mật thám báo, lớp huấn luyện bị lộ, đồng chí Trường Chinh đã được ông Hương Lịnh đưa qua Sông Cầu sang cơ sở xã Tiên Thù, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên an toàn. Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Chế và một số đồng chí cán bộ bị bắt nhốt vào ngục. Dù bị địch dùng mọi cực hình tra tấn nhưng các đồng chí vẫn giữ trọn khí tiết của người cách mạng, kiên quyết không khai báo.
5. Đình Xuân Biều, xã Xuân Cẩm - nơi diễn ra khởi nghĩa giành chính quyền cấp xã đầu tiên trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Bắc Giang và cũng là một trong những cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp xã sớm trên toàn quốc.
Đình nằm ở vị trí tiếp giáp với 3 huyện (Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh, huyện Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên) nên thuận lợi cho việc hoạt động cách mạng. Từ năm 1943 - 1944, ở Xuân Biều đã có các cơ sở cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt – Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Lê Thanh Nghị - Ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ và đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh - Trưởng Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang.
Ngày 12/3/1945, hai đồng chí Lê Thanh Nghị và đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh đã phát động quần chúng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền tại Xuân Biều mở đầu cho phong trào khởi nghĩa giành chính quyền của tỉnh Bắc Giang. Các cán bộ Việt Minh ở Xuân Biều họp bàn kế hoạch khởi nghĩa, dự kiến thành lập Ủy ban dân tộc Giải phóng. Ngay tối hôm đó, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại đình Xuân Biều, có hơn 70 tự vệ và trên 300 quần chúng tham gia. Đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh tuyên bố thủ tiêu chính quyền của địch, thành lập chính quyền cách mạng và kêu gọi nhân dân đứng lên thực hiện khẩu hiệu “Phá kho thóc để cứu đói”.
Đây là một trong những cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp xã thắng lợi sớm nhất cả nước kể từ khi có Chỉ thị “Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta.
6.Đình Chợ Vân, xã Hoàng An - nơi diễn ra cuộc diễn thuyết của cán bộ cách mạng phát động cao trào kháng Nhật, đánh Pháp, cứu nước, giành chính quyền về tay nhân dân.
Trên đà thắng lợi ở Xuân Biều xã Xuân Cẩm ngày 12/3/1945, nhân dân vô cùng phấn khởi, khí thế cách mạng sục sôi, uy thế của Mặt trận Việt Minh ngày càng nâng cao. Tại đình Chợ Vân, ngày 15/3/1945, đồng chí Lê Thanh Nghị, khi ấy là Ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ và đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh, Bí thư Ban cán sự Đảng Bắc Giang chỉ đạo Chi bộ Đảng Hoàng Vân và Mặt trận Việt Minh địa phương tổ chức cuộc tuyên truyền vào ngày chợ phiên nhằm phát động cao trào kháng Nhật cứu nước.
Nội dung cuộc diễn thuyết nêu rõ tinh thần cơ bản của Nghị quyết Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương (9/3/1945). Các đồng chí đã phân tích tình hình thế giới, trong nước, chỉ rõ kẻ thù chính của nhân dân ta trước mắt lúc này là phát xít Nhật và phát động quần chúng phá kho thóc của Nhật, Pháp giải quyết nạn đói.
Để biểu dương lực lượng, ngày 16/3/1945, Ban cán sự Đảng tỉnh tổ chức cuộc mít tinh lớn tại đình Chợ Vân. Sau cuộc mít tinh, tự vệ chiến đấu, nhân dân kéo đi phá kho thóc đồn điền. Sự kiện này tác động mạnh mẽ tới phong trào cách mạng ở các vùng xung quanh, góp phần vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước.
7.Nhà cụ Ngô Văn Đông (Lý Đông) - nơi diễn ra Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ lần thứ Nhất của Ban Thường vụ Trung ương Đảng.
Từ ngày 15 đến 20 tháng 4 năm 1945, tại nhà cụ Ngô Văn Đông, thuộc thôn Liễu Ngạn, xã Hoàng Vân diễn ra Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ lần thứ Nhất do Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập. Tham dự có đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Văn Tiến Dũng, các cán bộ lãnh đạo các chiến khu, cán bộ xây dựng kinh tế, hậu cần cho quân đội và các đại biểu du kích, tự vệ ở nhiều địa phương khác về dự, dưới sự chủ trì của đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng. Đây là Hội nghị đặc biệt quan trọng đã đề ra chủ trương thúc đẩy hoạt động vũ trang, tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ lần thứ Nhất đã diễn ra thành công tốt đẹp, được tổ chức chu đáo, bảo vệ nghiêm ngặt của nhiều cán bộ, đảng viên, gia đình cơ sở và nhân dân nơi đây.
8.Đình Vân Xuyên, xã Hoàng Vân - nơi đơn vị vũ trang của Tỉnh cùng với tự vệ tập trung lực lượng tiến vào huyện lỵ đập tan chế độ phong kiến và phát xít, thành lập chính quyền cách mạng.
Ngày 01/6/1945, tự vệ tổng Hoàng Vân cùng lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Giang đã tập trung ở đình Vân Xuyên tiến vào huyện lỵ giành chính quyền, thành lập chính quyền cách mạng. Tối ngày 01/6/1945, một đơn vị vũ trang của Tỉnh cùng với tự vệ Hoàng Vân do đồng chí Lương Văn Đài và Nguyễn Trọng Tỉnh chỉ huy, bố trí lực lượng, triển khai kế hoạch chiến đấu, tiến thẳng vào cổng huyện. Toàn bộ lính trong huyện nộp vũ khí đầu hàng, chấm dứt vĩnh viễn chính quyền của chế độ phong kiến thực dân và phát xít ở huyện Hiệp Hòa. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong chặng đường đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta, đưa huyện Hiệp Hòa trở thành huyện được giải phóng sớm nhất trong hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh tiến tới tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Di tích Quốc gia ATKII Hiệp Hòa được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt một lần nữa ghi nhận và tri ân những cống hiến hy sinh to lớn của nhân dân Hiệp Hòa vào thành công chung của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và mãi mãi là niềm tự hào, là tài sản tinh thần vô giá đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Hiệp Hòa. Đồng thời cũng là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Toàn cảnh buổi họp báo
Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Hoàng Công Bộ cũng cho biết, trong 10 năm qua, huyện Hiệp Hòa đã huy động 4.572,612 tỷ đồng để đầu tư cho xây dựng NTM; vốn ngân sách 2.828 tỷ đồng, chiếm 61,8%; vốn huy động các doanh nghiệp; 168,6 tỷ đồng chiếm 3,7%; vốn huy động từ nhân dân hơn 1.575 tỷ đồng chiếm 34,5%. Việc bố trí bảo đảm trọng tâm, trọng điểm và có sự chung sức rất lớn của nhân dân nên huyện Hiệp Hòa không có nợ xây dựng cơ bản. UBND huyện Hiệp Hòa cũng đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách mới, sáng tạo để thúc đẩy việc xây dựng NTM như: hỗ trợ và thưởng xã về đích NTM 2-3 tỷ đồng; xã nâng cao 2-3 tỷ đồng; thôn kiểu mẫu 300 - 400 triệu đồng; thôn NTM 20-50 triệu đồng; Hỗ trợ kiên cố hóa trường lớp học: 200 - 300 triệu đồng/phòng học. Đến nay, bộ mặt nông thôn và đô thị Hiệp Hòa có nhiều khởi sắc.
Đặc biệt, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với 100% đường, thôn, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện... Toàn huyện đã có 1.173km đường giao thông được cứng hóa, cao hơn 3% so với bình quân toàn tỉnh; Huyện Hiệp Hòa đã có 100% xã đạt chuẩn NTM; 100% các tiêu chí của huyện đạt chuẩn NTM.
Thời gian tới huyện Hiệp Hòa đặt mục tiêu, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và sức cạnh tranh, khai thác tối đa tiềm năng riêng có, lợi thế khác biệt, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tạo ra đột phá về phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng kế hoạch, từng bước hoàn thành Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao. Đến năm 2025, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt từ 60 - 65 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1-1,5%/năm, đến năm 2025 còn 1,95% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025)...
Lễ đón nhận xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt ATK II Hiệp Hòa; Di tích Quốc gia điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên (xã Xuân Cẩm); Quyết định Công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được tổ chức vào tối ngày 27/5, tại Quảng trường trung tâm tượng đài truyền thống, thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa với sự tham dự của hơn 400 đại biểu khách mời từ Trung ương và tỉnh Bắc Giang. Đây là sự kiện chính trị - xã hội lớn nhất của huyện từ trước đến nay được tổ chức trên địa bàn.