Bắc Giang: Đánh giá mô hình chuyển đổi số tại hai xã điểm
Ngày 30/5, tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị đánh giá mô hình chuyển đổi số cấp xã đối với hai xã thí điểm là Hồng Giang và Phúc Hòa (Tân Yên).
Năm 2022, tỉnh Bắc Giang lựa chọn xã Hồng Giang và Phúc Hòa thực hiện thí điểm chuyển đổi số cấp xã trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Sở KH&CN là đơn vị chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các ngành, chính quyền địa phương triển khai thực hiện.
Sau hơn một năm thực hiện, xã Hồng Giang và Phúc Hòa đều đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp toàn bộ hệ thống mạng nội bộ của UBND xã; nâng cấp, bổ sung trang thiết bị tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại; 100% cán bộ, công chức được cấp chữ ký số và sử dụng hiệu quả; thủ tục hành chính được rà soát thường xuyên, lập mã QR-code giúp công dân thực hiện thuận lợi.
Về kinh tế số, hiện xã Hồng Giang có 150 hộ kinh doanh triển khai hình thức thương mại điện tử (thanh toán không dùng tiền mặt); gần 820 hộ cài ứng dụng Viettel money; hơn 1 nghìn hộ sử dụng tài khoản ngân hàng và Mobile money để chi trả tiền điện hằng tháng; Hợp tác xã (HTX) Hồng Xuân triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc cho 5 sản phẩm OCOP là vải thiều, cam lòng vàng, cam ngọt, bưởi ngọt và bưởi da xanh.
Ở xã Phúc Hòa, chính quyền địa phương hỗ trợ ba hộ dân sản xuất vải sớm; một hộ kinh doanh bưởi đào đường, hai HTX phát triển kinh tế số, lập mã QR-code quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ lập hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm “Mật ong Phồn Nhi” cho HTX nuôi ong Phồn Nhi; tạo và in 40 nghìn mã tem QR sản phẩm và tem truy xuất nguồn gốc.
Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng tài khoản ngân hàng và Mobile money để chi trả tiền điện hằng tháng đạt 30% tổng số hộ trên địa bàn xã. Hai địa phương cũng quan tâm chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, y tế, an ninh trật tự...
Qua thực hiện chuyển đổi số giúp cán bộ, công chức làm việc nhanh chóng, hiệu quả, tính chính xác cao. Người dân tiết kiệm nhiều thời gian, công sức khi thực hiện các thủ tục hành chính; các sản phẩm chủ lực của địa phương được nâng giá trị.
Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai chuyển đổi số ở hai xã Hồng Giang và Phúc Hòa vẫn gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên là trình độ tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin của một bộ phận cán bộ, công chức, người dân không đồng đều; người dân ngại chuyển đổi, vẫn quen cách truyền thống khi giải quyết thủ tục hành chính, thanh toán bằng tiền mặt.
Mặt khác, một số thủ tục hành chính trên dịch vụ công chưa được tích hợp nên cán bộ mất nhiều thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ. Kênh tương tác giữa chính quyền và người dân có thời điểm chưa thường xuyên, tích cực, hiệu quả.
Phát biểu tại đây, đại diện lãnh đạo Sở KH&CN đề nghị thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã Hồng Giang và Phúc Hòa tiếp tục bám sát chỉ đạo của các cấp, ngành, đơn vị liên quan về thực hiện chuyển đổi số. Phát huy vai trò của ban chỉ đạo chuyển đổi số, tổ công nghệ cộng đồng, ban lãnh đạo thôn, các đoàn thể trong vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.
Cùng đó ưu tiên kinh phí đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng tốt yêu cầu chuyển đổi số. Riêng xã Phúc Hòa cần tập trung xây dựng điểm mô hình xã thương mại điện tử theo chỉ đạo của T.Ư.
Tin, ảnh: Mạc Yến