Bắc Giang đặt mục tiêu xuất khẩu 1.500 tấn vải thiều sang Hoa Kỳ

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết, vải dự kiến xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ với 17 mã số vùng trồng, diện tích là 205 ha, sản lượng đạt 1.500 tấn.

Các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xuất khẩu vải thiều sang Hoa Kỳ tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Đồng Thúy - TTXVN

Các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xuất khẩu vải thiều sang Hoa Kỳ tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Đồng Thúy - TTXVN

Nhằm đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ, ngày 26/4, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội nghị trực tuyến "Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế tỉnh Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ năm 2023".

Hội nghị được kết nối trực tuyến với 5 điểm cầu tại cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York, Hoa Kỳ; Hội Doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ (VENUSA) và nhiều điểm cầu tại các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết, năm nay, thời tiết thuận lợi, các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng, phát triển tốt, dự báo sản lượng vải toàn tỉnh năm 2023 trên 180.000 tấn (sản lượng vải sớm khoảng 60.000 tấn; vải chính vụ 120.000 tấn).

Trong đó, vải dự kiến xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ với 17 mã số vùng trồng (được Hoa Kỳ cấp mã số IRADS), diện tích là 205 ha, sản lượng đạt 1.500 tấn.

Thời gian thu hoạch vải thiều sớm dự kiến từ ngày 20/5, vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 đến ngày 30/7/2023.

Về sản xuất và tiêu thụ vải thiều, Bắc Giang nhất quán và xuyên suốt từ chính quyền đến người trồng vải thiều lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có; bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc làm chỗ đứng bền vững ở thị trường trong và ngoài nước.

Tỉnh Bắc Giang xác định Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn, đây lại là thị trường đòi hỏi chất lượng cao, với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Do đó, vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh khi xuất khẩu vào thị trường này còn một số khó khăn như: Chi phí vận chuyển vải thiều bằng đường hàng không cao; chưa có công nghệ bảo quản vải thiều để vận chuyển bằng đường biển; việc chiếu xạ còn hạn chế.

Để việc xuất khẩu vải thiều vào thị trường Hoa Kỳ được thuận lợi, tỉnh Bắc Giang đề nghị các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm và có những định hướng giúp tỉnh Bắc Giang trong các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều và mặt hàng có thế mạnh của tỉnh Bắc Giang ở thị trường Hoa Kỳ; hỗ trợ thông tin về thị trường, chính sách xuất nhập khẩu, quy trình thủ tục, chứng nhận chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… và các hàng rào kỹ thuật của thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Cùng đó, quan tâm giới thiệu, mời gọi và kết nối các doanh nhân Hoa Kỳ và các doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ có hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản. Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội giúp Bắc Giang và phối hợp với các doanh nghiệp đề nghị các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan chức năng để việc chiếu xạ đến thị trường Hoa Kỳ được thực hiện tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội…

Trong ảnh: Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Đồng Thúy - TTXVN

Trong ảnh: Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Đồng Thúy - TTXVN

Xác định Hoa Kỳ là thị trường lớn, tiềm năng, hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này, đồng nghĩa với việc có thể xuất khẩu vào nhiều thị trường tiềm năng khác trên thế giới, tỉnh Bắc Giang đã tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất để phục vụ thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt là quả vải thiều.

Theo ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu, để trái vải có thể vượt qua được hành trình hơn 13 nghìn km tới Hoa Kỳ cần phải có một tổ hợp giải pháp triển khai đồng bộ trên toàn bộ chuỗi giá trị của quả vải thiều. Trong đó, người nông dân cần nghiêm chỉnh thực hiện chế độ chăm sóc đảm bảo đúng tiêu chuẩn xuất khẩu. Cơ sở đóng gói cần thao tác cẩn thận, nhẹ nhàng, tránh tình trạng quả vải bị va đập từ khâu chuyển từ vườn về tới xưởng và trong từng công đoạn sơ chế, đóng gói. Việc chiếu xạ cần có phương án linh hoạt để đảm bảo được chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Về mong muốn của tỉnh Bắc Giang để quả vải được chiếu xạ tại Hà Nội, ông Trần Minh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội cho biết, hiện đơn vị đã làm việc với doanh nghiệp phía Hoa Kỳ để hiệu chuẩn các thông số theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Đơn vị phấn đấu đầu tháng 6 sẽ có đầy đủ trang thiết bị, chiếu xạ vải thiều tại Hà Nội.

Đối với việc vận chuyển vải thiều bằng đường hàng không, ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Giám đốc Chi nhánh Khu vực Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, hiện Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất khai thác đường bay thẳng trực tiếp từ Việt Nam đi Hoa Kỳ với tần suất 4 chuyến/tuần.

Vietnam Airlines cam kết sẽ chủ động trong việc tham gia có trách nhiệm các Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều; tìm hiểu thị trường; khảo sát nhu cầu vận chuyển; kết nối với các nhà xuất khẩu, công ty logistics,... để xây dựng các sản phẩm, dịch vụ vận tải hàng không từ Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh xuất khẩu, vận chuyển quả vải đáp ứng các nhu cầu xuất khẩu, nhập khẩu, vận tải theo tiêu chuẩn cao nhất.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng khẳng định, đơn vị luôn nỗ lực quảng bá sản phẩm Bắc Giang tại các sự kiện do Thương vụ phối hợp tổ chức. Để xuất khẩu vải thiều thành công, Bắc Giang cần tiếp tục phối hợp để hưởng ưu đãi giá bay thẳng đối với vải thiều của Việt Nam sang Hoa Kỳ, gỡ khó về giá cước. Đồng thời lựa chọn công nghệ bảo quản phù hợp, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất, thông thoáng nhất để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Bắc Giang đầu tư sản xuất, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu vải thiều. Mọi kiến nghị của doanh nghiệp đều được giải quyết kịp thời để quả vải thiều sớm được đến với thị trường Hoa Kỳ.

Ngay sau hội nghị này, tỉnh Bắc Giang sẽ chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương cụ thể hóa từng nhóm vấn đề như: Tập trung vào khâu sản xuất, nâng cao chất lượng quả vải thiều; các điều kiện để xuất khẩu vải thiều vào thị trường Hoa Kỳ; kết nối trong hoạt động xuất khẩu; giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp…

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn mong muốn các cơ quan ngoại giao, cơ quan Thương vụ của Việt Nam tại Hoa Kỳ hỗ trợ tỉnh Bắc Giang thông tin thị trường, giới thiệu, kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang./.

Đồng Thúy/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bac-giang-dat-muc-tieu-xuat-khau-1-500-tan-vai-thieu-sang-hoa-ky/289270.html