Bắc Giang đẩy mạnh phát triển du lịch 'Lục Ngạn mùa vải chín'
Huyện Lục Ngạn không chỉ được biết đến như là 'vương quốc vải thiều' của Việt Nam, những năm gần đây vùng đất này còn được du khách trong và ngoài nước biết đến là một địa chỉ du lịch mới hấp dẫn.
Ngày 13/6, UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đã tổ chức khai mạc Chương trình du lịch “Lục Ngạn mùa vải chín” năm 2023, tại Điểm du lịch sinh thái Bầu Tiên, thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn.
Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Lục Ngạn Trương Văn Năm cho biết, Lục Ngạn là địa phương có điều kiện về đất đai, khí hậu thuận lợi để hình thành và phát triển thành vùng cây ăn quả trọng điểm với nhiều sản vật nổi tiếng. Trong cả 4 mùa Lục Ngạn đều có hoa thơm, trái ngọt, đặc biệt là trái vải thiều, từ lâu đã vang danh cả trong và ngoài nước.
Trái vải thiều của Lục Ngạn, Bắc Giang có chất lượng vượt trội, vị thế thương hiệu sản phẩm đã được khẳng định không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở các thị trường lớn như Trung Quốc và những thị trường có tiêu chuẩn khắt khe như Australia, EU, Mỹ, Nhật Bản…
Tháng 4/2023, tổ chức Kỷ lục châu Á (Lần 5/2023) xác lập đề cử của VietKings, vải thiều Lục Ngạn lọt danh sách đặc sản Việt Nam đạt kỷ lục châu Á theo bộ tiêu chí giá trị ẩm thực châu Á.
Bên cạnh đó, Lục Ngạn là địa phương giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Các làn điệu dân ca, cùng các bộ trang phục, phong tục tập quán tốt đẹp và những ngôi nhà trình tường lợp ngói máng âm dương của đồng bào các dân tộc vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn.
Nơi này còn có những thắng đẹp như hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, chùa Am Vãi, suối và núi rừng vùng cao và các làng nghề truyền thống…
Đến với Lục Ngạn vào mùa vải chín, du khách có thể đến tham quan, chụp ảnh, tự tay hái những trái vải chín căng mọng tươi ngon thưởng thức tại vườn, mua về tặng người thân; cùng nhà vườn thu hoạch vải; trải nghiệm đi chợ vải đêm; chụp ảnh những “dòng sông” vải đỏ rực các ngả đường; đi thuyền ghé thăm các đảo trồng vải trên các hồ; cắm trại, câu cá, đạp xe… Bên cạnh đó, thưởng thức ẩm thực, các đặc sản nổi tiếng của địa phương như thịt gà đồi, nem ngựa, mỳ Chũ, tôm cá hồ Cấm Sơn, mật ong vải thiều và các các món ăn, thức uống chế biến từ trái vải…
Theo ông Trần Văn Hành, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và thương mại, du lịch sinh thái Giáp Sơn, đến nay cây vải thiều được trồng, phát triển tại đây cũng đã hơn 30 năm và là loại cây trồng làm giàu cho nhiều hộ gia đình ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.
“Trước kia cây vải được người dân nơi đây sản xuất theo tự nhiên thông thường, chưa khai thác triệt để được giá trị cây trồng này. Đến nay nhờ có khoa học, kỹ thuật, công nghệ và sự quan tâm sát sao của các cấp, ngành, địa phương đã giúp cho việc sản xuất vải thiều đạt hiệu quả cao, thu hoạch với sản lượng lớn, chất lượng được nâng lên. Chúng tôi cũng đang bàn bạc, thống nhất với các đơn vị, doanh nghiệp phát triển du lịch cho các hộ gia đình trong hợp tác xã”, ông Trần Văn Hành chia sẻ.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Du lịch xanh Việt Nam biết: "Chúng tôi rất ấn tượng với vùng đất Lục Ngạn bởi cảnh quan thiên nhiên đẹp, những nét văn hóa đặc sắc và sự phát triển giao thương mạnh mẽ trong mùa vụ vải thiều".
Cũng theo ông Phùng Quang Thắng, đối với các doanh nghiệp lữ hành là thành viên của chi hội và liên chi hội, hiện đã có sự phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã du lịch của địa phương cùng xây dựng, phát triển đa dạng, phong phú những sản phẩm du lịch của Lục Ngạn. Đặc biệt trong đó có sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đến với du khách trong nước và quốc tế.
“Chúng tôi hy vọng sự hợp tác giữa các doanh nghiệp với huyện Lục Ngạn nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung sẽ thúc đẩy hơn nữa lượng khách du lịch đến đây trong thời gian tới”, ông Phùng Quang Thắng bày tỏ.
Cũng trong sáng nay, UBND huyện Lục Ngạn đã tổ chức Game show có chủ đề “Mùa vui thu hái vải thiều” với các phần thi hái, bó và đóng vải; các đội thi đến từ một số hợp tác xã trên địa bàn. Đồng thời, trưng bày các sản phẩm đặc trưng của địa phương, sản phẩm từ vải phục vụ du khách. Các hoạt động, trải nghiệm có sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong vùng và du khách thập phương.