Bắc Giang: Đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình năm 2024

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã tập trung chỉ đạo, quan tâm sát sao, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Khung cảnh bản Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang là nơi có 100% dân số là đồng bào Nùng sinh sống. (Ảnh: baodantoc.vn)

Khung cảnh bản Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang là nơi có 100% dân số là đồng bào Nùng sinh sống. (Ảnh: baodantoc.vn)

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện đang triển khai thực hiện 10/10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Trong năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch về thực hiện Chương trình; đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp; điều chỉnh, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội… Qua đó, giúp các địa phương chủ động trong công tác điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hàng năm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.

Tổng nguồn vốn ngân sách trung ương giao cho tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 là 1.616.863 triệu đồng; trong đó, vốn đầu tư phát triển 791.063 triệu đồng, vốn sự nghiệp 825.800 triệu đồng. Vốn ngân sách tỉnh đối ứng thực hiện Chương trình giai đoạn này là 241.050 triệu đồng, trong đó đầu tư 231.050 triệu đồng, sự nghiệp 10.000 triệu đồng. Đến nay tỉnh đã phân bổ 100% nguồn vốn được trung ương giao và vốn đối ứng ngân sách tỉnh theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 10/12/2023 về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Quyết định số 1602/QĐ-TTg ngày 10/12/2023 về giao dự toán chi tiết ngân sách nhà nước năm 2024.

Riêng năm 2024, tổng nguồn vốn được giao là 734.078 triệu đồng, bao gồm: nguồn vốn năm 2022 là 1.408 triệu đồng, nguồn vốn năm 2023 chuyển sang năm 2024 là 146.486 triệu đồng, nguồn vốn năm 2024 là 586.184 triệu đồng. Giải ngân đến 30/6/2024 đạt trên 155.260 triệu đồng, bằng 21,15% kế hoạch năm.

Từ nguồn vốn này, nhiều dự án, nội dung có khối lượng thực hiện và giải ngân khá lớn. Đối với Dự án 1, nửa đầu năm 2024, toàn tỉnh đã hỗ trợ 46 hộ về nhà ở, chuyển đổi nghề cho 322 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 7 hộ; số vốn được giải ngân là 7.735/55.684 triệu đồng, đạt 13,89% kế hoạch. Tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn tỉnh trong năm 2024, phấn đấu đến hết năm 2024 hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình chính sách.

Tiếp tục hỗ trợ sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; khởi công 62 công trình hạ tầng ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, cải tạo nâng cấp 7 trạm y tế xã, thực hiện 6 dự án chuyển tiếp cứng hóa đường giao thông; đầu tư 6 dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, mua sắm trang thiết bị cho 19 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú… Nội dung các dự án, tiểu dự án của Chương trình bao phủ trên mọi lĩnh vực, tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương thực hiện Chương trình, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo từng năm (từ 9,98% năm 2021 xuống còn 5,66% năm 2023).

Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai dưới nhiều hình thức, giúp người dân nhận thức rõ hơn về mục đích, ý nghĩa và tham gia hưởng ứng tích cực vào các hoạt động của Chương trình; công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc của địa phương. Thông qua đó, tạo được sự đồng thuận cao trong việc triển khai thực hiện Chương trình, chính sách ở các cấp, từng bước giáo dục ý thức tự lực, tự cường, động viên hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Công tác tập huấn nâng cao năng lực trong tổ chức thực hiện Chương trình cũng được triển khai rộng rãi với nhiều nội dung thiết thực, giúp nâng cao nhận thức pháp luật, nâng cao kỹ năng kiến thức đầu tư và kỹ năng quản lý, điều hành…

Mặt khác, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số sở, ngành tỉnh và cấp huyện chưa thực sự quyết liệt; vai trò của cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì dự án, cán bộ được giao nhiệm vụ trong công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành, thông tin tổng hợp báo cáo chưa đáp ứng yêu cầu. Tiến độ giải ngân vẫn còn thấp so với kế hoạch đề ra do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, một số dự án sử dụng vốn sự nghiệp công đang trong quá trình thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án/kế hoạch thực hiện.

Trong thời gian tới, các cấp, các ngành tỉnh Bắc Giang tập trung, chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện Chương trình theo kế hoạch, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Tiếp tục bám sát sự chỉ đạo, điều hành của ngành dọc cấp trên; thường xuyên tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, nắm chắc tình hình thực tiễn, kịp thời tham mưu giải quyết những vướng mắc từ cơ sở.

Tăng cường phân cấp, trao quyền cho UBND xã, thôn, bản, quyền tự chủ cho cộng đồng trong việc thực hiện các dự án, mô hình phát triển sản xuất; thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng tham gia vào quá trình lập kế hoạch, lựa chọn đối tượng hưởng lơi, tổ chức thực hiện và giám sát, đanh giá hiệu quả Chương trình.

Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án tại cơ sở; tăng cường sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về Chương trình; huy động, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chủ động lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí…

Hải Yến

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/bac-giang-day-nhanh-tien-do-trien-khai-chuong-trinh-nam-2024-58683.html