Bắc Giang: Đưa công tác quản lý đất công ích vào nền nếp
Khoảng 5 năm về trước, việc quản lý đất công ích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang gặp nhiều khó khăn. Đến nay, tình trạng này cơ bản được khắc phục. Phần lớn đất công ích đã được thống kê, quản lý theo quy định, góp phần tăng nguồn thu cho các địa phương.
Gần 88% diện tích đất công ích có hồ sơ quản lý
Theo quy định của pháp luật, trách nhiệm quản lý quỹ đất công ích thuộc UBND cấp xã. Tuy nhiên, từ năm 2018 trở về trước, một số xã buông lỏng quản lý, lưu hồ sơ, sổ sách không chặt chẽ, trong khi việc kiểm tra, hướng dẫn của cấp huyện không thường xuyên nên tình hình quản lý đất công ích còn hạn chế. Đa số địa phương để quỹ đất công ích phân tán, nhỏ lẻ, lẫn với diện tích đất giao ổn định lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức (giao cùng một thửa). Tình trạng thôn, bản, tổ dân phố tự ý ký hợp đồng giao thầu, khoán, cho thuê đất không đúng thẩm quyền, đối tượng, thời hạn quy định pháp luật diễn ra phổ biến. Nguồn thu từ đất công ích bị hạn chế, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, gây khó khăn cho công tác quản lý; làm phát sinh đơn thư khiếu nại trong quá trình thu hồi đất.
Để từng bước đưa quỹ đất này vào quản lý, sử dụng hiệu quả, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho chủ tịch UBND các huyện, TP trong lập hệ thống hồ sơ quản lý đất công ích. UBND các huyện, TP đã thành lập ban chỉ đạo rà soát, kiểm tra việc lập hồ sơ, quản lý đất công ích; xây dựng đề cương, kế hoạch, lộ trình, lập dự toán, kinh phí thiết lập hồ sơ quản lý; giao chỉ tiêu hoàn thành việc thống kê, rà soát đất công ích đến từng xã, phường, thị trấn.
Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin: “Quá trình thực hiện, Sở chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra sát sao việc rà soát tại cấp xã và phối hợp với văn phòng đăng ký đất đai chỉnh lý các biến động về đất; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm; công khai rộng rãi thông tin về diện tích, đối tượng sử dụng đất công ích để người dân biết, cùng tham gia quản lý, giám sát”.
Nhờ tích cực thực hiện nhiều giải pháp, tình hình quản lý, sử dụng đất công ích trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực. Kết quả rà soát mới nhất, tính đến tháng 10/2022, toàn tỉnh đã xác định được 102.413 thửa đất công ích, với diện tích hơn 5,8 nghìn ha (không tính diện tích đã thu hồi làm dự án); trong đó, diện tích đất đã quản lý được đạt 87,6%. Hơn 3.422 ha đã có hợp đồng thuê đất theo quy định.
Quản lý chặt, tăng nguồn thu
Các địa phương được đánh giá làm tốt công tác quản lý đất công ích, có tỷ lệ diện tích được quản lý từ hơn 90-100 % là Tân Yên, Lạng Giang, Việt Yên, Yên Dũng, Sơn Động. Theo UBND huyện Tân Yên, trên địa bàn huyện hiện có hơn 711 ha đất công ích. Hiện các xã, thị trấn đã lập hợp đồng thuê theo quy định được 453,18 ha. Đáng chú ý, phần diện tích còn lại, chủ yếu là xen kẹp nhỏ lẻ song đã được thống kê đưa vào quản lý, qua đó góp phần tăng nguồn thu cho các địa phương. Điển hình như xã Ngọc Lý, toàn xã có gần 31 ha đất công ích. Sau dồn điền đổi thửa, phần lớn đất công ích được thu về một số khu vực riêng. Hiện 97% diện tích đã được xã ký hợp đồng giao thầu theo quy định. Ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lý cho hay: “Từ khi thiết lập được hồ sơ quản lý quỹ đất công ích, mỗi năm, xã có thêm nguồn thu không nhỏ từ việc cho tổ chức, cá nhân thuê sử dụng. UBND xã đang cho một doanh nghiệp thuê khoảng 12 ha đất công ích để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.”
Tính đến tháng 10/2022, toàn tỉnh đã xác định được 102. 413 thửa đất công ích, với diện tích hơn 5,8 nghìn ha (không tính diện tích đã thu hồi làm dự án); trong đó, diện tích đất đã quản lý được đạt 87,6%. Hơn 3.422 ha đã có hợp đồng thuê đất theo quy định.
Huyện Lạng Giang có quỹ đất công ích lớn nhất tỉnh, với hơn 27,7 nghìn thửa, tổng diện tích gần 1.200 ha. Theo ông Nghiêm Phú Sơn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, đến tháng 1/2023, các xã, thị trấn trên địa bàn đã ký hợp đồng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê hơn 1.032 ha đất công ích (điển hình như xã Tiên Lục có khoảng 150 ha đất công ích đều đã ký hợp đồng cho thuê). Số còn lại, đơn vị đang yêu cầu các xã, thị trấn đến hết tháng 6/2023 phải hoàn thiện hợp đồng cho thuê theo quy định. Việc quản lý quỹ đất công ích giúp các xã, thị trấn có thêm nguồn thu để xây dựng các công trình phúc lợi tại cơ sở. Kinh nghiệm rà soát, đưa đất công ích vào quản lý tại huyện Lạng Giang chủ yếu là các phòng, ban chuyên môn và các xã, thị trấn phối hợp thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp như: Bố trí kinh phí, huy động trưởng thôn các thời kỳ tham gia tổ rà soát; tăng cường tổ chức trao đổi kinh nghiệm giữa các xã, thị trấn trong quá trình thực hiện; thông tin công khai, rộng rãi diện tích đất công ích, vận động người dân cùng tham gia rà soát…
Việc quản lý quỹ đất công ích trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nền nếp đã góp phần nâng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu ngân sách địa phương. Từ thực tế công tác rà soát, thanh, kiểm tra tại các địa phương cho thấy vẫn còn tình trạng diện tích đất công ích giữa hồ sơ địa chính và diện tích trên thực địa không chính xác. Tổ chức cho thuê đất công ích theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định chưa được nhiều xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm. Vẫn còn tình trạng đất công ích để trống, bị lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí… Do đó, để quản lý, sử dụng hiệu quả hơn nữa quỹ đất công ích thời gian tới, các huyện, TP tiếp tục rà soát, thống kê diện tích còn lại, kịp thời cập nhật, chỉnh lý biến động quỹ đất. Đối với các thửa đất đã thiết lập được hồ sơ, tiến hành đo đạc để đưa vào cơ sở dữ liệu về đất đai phục vụ công tác quản lý về lâu dài.
Thùy Ninh