Bắc Giang: Kinh nghiệm chuyển đổi số của hai xã điểm
Chuyển biến tích cực trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là những điều cán bộ, người dân các xã Hồng Giang (Lục Ngạn) và Phúc Hòa (Tân Yên) đã làm được trong hơn một năm triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số (CĐS) cấp xã.
Kết quả nổi bật
Ấn tượng đầu tiên khi đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã Hồng Giang (Lục Ngạn) là không gian sạch sẽ, thoáng mát, cán bộ, công chức nhiệt tình hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho công dân. Ngay cửa ra vào, UBND xã treo bảng 25 TTHC thiết yếu có mã QR giúp người dân thao tác, đăng ký thủ tục thuận tiện, nhanh chóng.
Được hướng dẫn, chị Hoàng Thị Dung, thôn Kép 1, xã Hồng Giang sử dụng điện thoại di động có kết nối Internet để quét mã giải quyết thủ tục cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân. Chỉ vài thao tác đơn giản, hồ sơ của chị đã được tiếp nhận, xử lý theo đúng quy định. Trước khi ra về, chị Dung bình chọn mức độ “Rất hài lòng” trên bảng điện tử đối với thái độ phục vụ của cán bộ, công chức. Từ giữa năm 2022 đến nay, bộ phận một cửa tiếp nhận gần 350 hồ sơ trực tuyến. Tất cả đều được giải quyết đúng và trước hạn. 100% công chức xã sử dụng thành thạo thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp.
CĐS còn thể hiện rõ trong lĩnh vực kinh tế. Được biết, Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân là đơn vị trên địa bàn xã Hồng Giang được các cấp, ngành hướng dẫn dán tem truy xuất nguồn gốc cho 5 sản phẩm OCOP là vải thiều, cam lòng vàng, cam ngọt, bưởi ngọt, bưởi da xanh. Đây là đòn bẩy giúp khẳng định thương hiệu sản phẩm chủ lực của địa phương, tạo đà vươn ra nhiều thị trường lớn.
Bên cạnh đó, hàng trăm hộ kinh doanh, bán lẻ trên địa bàn cũng triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 817 hộ cài đặt ứng dụng Viettel Money (đạt gần 32%); 1.065 hộ sử dụng tài khoản ngân hàng thanh toán tiền điện hằng tháng (đạt hơn 41% so với tổng số hộ). Chị Vũ Thị Hoan, hộ kinh doanh tại chợ Kép, xã Hồng Giang nói: “Tôi thấy sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt rất tiện lợi, hạn chế tình trạng nhầm lẫn hoặc làm rơi, mất tiền khi thanh toán, giao dịch với khách hàng”.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa cho biết thêm, địa phương được hỗ trợ xây dựng sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương như vải sớm, ổi, nhãn... Phương án trong thời gian tới là nâng cấp sàn cấp xã thành sàn cấp huyện. Hiện nhiều người dân đã cập nhật các sản phẩm của cửa hàng, gia đình lên sàn (ước tính có gần 200 gian hàng), mức độ tiêu thụ dù chưa cao nhưng đây là bước tiến mới trong việc thay đổi hình thức kinh doanh, giao dịch, góp phần CĐS thành công. Hai địa phương còn đẩy mạnh thực hiện xã hội số ở lĩnh vực y tế, giáo dục, an ninh trật tự.
“Mưa dầm thấm lâu”
CĐS là vấn đề mới, hai địa phương làm điểm đều thực hiện lần đầu. Để đạt được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm, hướng dẫn của lãnh đạo tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - đơn vị chủ trì, giao nhiệm vụ thực hiện mô hình điểm; sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, người dân sở tại. Ở xã Phúc Hòa, Đảng ủy, UBND xã xác định nhiệm vụ CĐS là của cả hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN).
Chị Hoàng Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN xã chia sẻ, người dân nơi đây phần lớn thuần nông, bao năm quen với các hình thức thanh toán, giao dịch truyền thống, để thay đổi nhận thức, thói quen là cả vấn đề. Với quyết tâm cao, chị tham mưu Đảng ủy, UBND xã phối hợp với đơn vị triển khai sàn thương mại điện tử tổ chức lớp tập huấn tới từng thôn. Những ai chưa tham gia, các chị lại chia nhau thành nhiều tổ đến từng nhà vận động, tuyên truyền. Cùng đó, nội dung tuyên truyền được lồng ghép tại các cuộc họp, phát trên hệ thống truyền thanh, tờ rơi, tờ gấp. Nhờ vậy, người dân dần hiểu về CĐS, biết cách thiết lập gian hàng của gia đình mình trên sàn thương mại điện tử.
CĐS là đòn bẩy giúp cán bộ, công chức làm việc nhanh chóng, hiệu quả, tính chính xác cao. Người dân tiết kiệm nhiều thời gian, công sức khi thực hiện các TTHC. Các sản phẩm chủ lực của địa phương được nâng tầm giá trị.
Đảng ủy, UBND xã Hồng Giang đồng thời thực hiện nhiều giải pháp, trong đó lựa chọn thôn Ngọt làm điểm CĐS gắn với xây dựng nông thôn mới thông minh. Theo sự chỉ đạo của xã, thôn thành lập tổ công nghệ cộng đồng có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động 150 hộ gia đình tham gia CĐS.
Những cán bộ ở thôn cũng tiên phong thanh toán không dùng tiền mặt, giải quyết TTHC bằng hình thức trực tuyến. Chi bộ thôn ứng dụng mã QR để truy xuất thông tin tài liệu phục vụ sinh hoạt chi bộ, giảm tài liệu giấy, giúp cán bộ, đảng viên tiếp cận lấy thông tin thuận lợi hơn. Kết quả đến nay, 85% người dân trong thôn đều có tài khoản ngân hàng, tham gia thanh toán không dùng tiền mặt; lắp 9 camera an ninh; đài truyền thanh được trang bị hệ thống tự động mở phát.
Ông Triệu Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở KH&CN đánh giá, sau hơn một năm thực hiện CĐS, hai địa phương đã có những kết quả bước đầu. Qua đó giúp cán bộ, công chức làm việc nhanh chóng, hiệu quả, tính chính xác cao. Người dân tiết kiệm nhiều thời gian, công sức khi thực hiện các TTHC. Các sản phẩm chủ lực của địa phương được nâng tầm giá trị. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rõ các hạn chế, vướng mắc về trang thiết bị, nhân lực, cách thức duy trì sàn giao dịch… để khắc phục kịp thời.
Thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ hai xã Phúc Hòa và Hồng Giang hoàn thiện thiết bị, hạ tầng mạng Internet và hệ thống thiết bị tại bộ phận một cửa nhằm phấn đấu 100% TTHC được số hóa; nhân rộng “Sổ tay phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật” trong lĩnh vực an ninh. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các địa phương xác định cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân, hộ kinh doanh cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, sổ sức khỏe điện tử, tạo lập tài khoản dịch vụ công. Riêng xã Phúc Hòa, Sở tiếp tục đồng hành, hướng dẫn để xây dựng điểm mô hình xã thương mại điện tử do T.Ư chỉ đạo.
Bài, ảnh: Mạc Yến