Bắc Giang: Lấy ý kiến đóng góp vào một số dự thảo luật
Ngày 9/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Bắc Giang tổ chức lấy ý kiến vào một số dự thảo luật trình kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV sắp diễn ra.
Các đồng chí: Vũ Mạnh Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đồng chủ trì.
Tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh; Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; các vị ĐBQH tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh.
Tại đây, các đại biểu cho ý kiến vào dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Dự án Luật CSCĐ được xây dựng với bố cục gồm 5 chương, 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với CSCĐ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đồng chí Trần Công Thắng nêu ý kiến: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh nhất trí với việc xây dựng Luật CSCĐ, đây là bước quan trọng để thể chế hóa chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp về quốc phòng, an ninh.
Đồng thời pháp luật hóa về tổ chức, hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân nhằm xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.
Tại Điều 13 của dự thảo luật có quy định CSCĐ vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi ở của cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống khủng bố lại không quy định cụ thể về việc này. Trong khi đó, trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi ở của cá nhân là quyền bất khả xâm phạm đã được hiến định. Do vậy, đề nghị quy định trong luật rõ ràng hơn để thống nhất thực hiện.
Đồng chí Lâm Thị Hương Thành cho rằng: Dự thảo luật cần bổ sung nội dung về việc HĐND và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an thực hiện các chính sách ưu tiên khác đối với lực lượng cảnh sát cơ động theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, bổ sung quyền hạn của cảnh sát cơ động và nghiêm cấm việc lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để vi phạm pháp luật.
Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh đóng góp ý kiến: Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng lực lượng CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Việc xây dựng dự án luật này xuất phát từ cơ sở chính trị và thực tiễn để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng CSCĐ trong tình hình mới, có thể xuất hiện những loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật khác. Do đó, rất cần sự ủng hộ của các cấp, ngành và nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của CSCĐ.
Ngoài ra, các đại biểu cho ý kiến vào phần giải thích từ ngữ của dự thảo; nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ; các biện pháp công tác; huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự; trang bị của CSCĐ…
Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gồm 8 chương và 98 điều. Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật này, đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho rằng: Về danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” đề nghị bỏ nội dung “hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận” để tránh gây khó khăn cho việc xét, công nhận.
Đối với danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu; thôn, tổ dân phố văn hóa; gia đình văn hóa, đề nghị nghiên cứu lại việc giao cho UBND cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn, hạn chế tình trạng áp dụng không bảo đảm thống nhất giữa các địa phương.
Đồng chí Lương Xuân Lộc, Chánh án TAND tỉnh có ý kiến: Việc sửa đổi luật nhằm thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng. Khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích”, chú trọng khen thưởng đột xuất, hướng mạnh về cơ sở.
Đề nghị bỏ quy định đăng ký thi đua là căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua, khắc phục tình trạng người xứng đáng xét tặng danh hiệu thi đua nhưng chỉ vì không đăng ký mà không được xét tặng hoặc người không đăng ký nên không phấn đấu…
Các ý kiến đóng góp được Đoàn ĐBQH tỉnh và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tổng hợp đầy đủ để chuyển đến Quốc hội và các cơ quan chức năng xem xét.
Tin, ảnh: Quốc Phương