Bắc Giang: Nâng cao chất lượng cho vay vốn đối với phụ nữ người dân tộc thiểu số

Phụ nữ dân tộc thiểu số là một trong những nhóm đối tượng ưu tiên của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH).

 Ngân hàng Chính sách Xã hội luôn nỗ lực để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Ngân hàng Chính sách Xã hội luôn nỗ lực để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Thông qua chương trình phối hợp với (NHCSXH), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh các huyện, thành phố, đến nay các cấp Hội LHPN tỉnh Bắc Giang đã nhận ủy thác, tín chấp trên 4.000 tỷ đồng, giúp hơn 54 nghìn phụ nữ vay vốn để phát triển kinh tế gia đình.

Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, vốn cho vay đều được chị em sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, phát huy vai trò làm chủ kinh tế gia đình của người phụ nữ. Khi người phụ nữ dân tộc thiểu số khẳng định được khả năng tham gia đóng góp vào kinh tế gia đình và cộng đồng người dân địa phương thì vị thế của họ cũng sẽ dần được nâng cao trong gia đình và ngoài xã hội.

Ông Dương Công Thành - Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Lục Nam

Ông Dương Công Thành - Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Lục Nam

Theo ông Dương Công Thành - Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, để nâng cao chất lượng cho vay vốn đối với nhóm đối tượng này, NHCSXH đã và đang triển khai một số giải pháp cụ thể như sau:

Tăng cường tiếp cận thông tin và hỗ trợ thủ tục:

- Tổ chức các buổi tư vấn, tập huấn: Thường xuyên kết hợp cùng các tổ chức chính trị xã hội tổ chức các buổi tư vấn, tập huấn về chính sách tín dụng, kỹ năng quản lý tài chính, lập kế hoạch kinh doanh... tại các thôn, bản có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Các buổi tập huấn này được tổ chức bằng tiếng dân tộc hoặc có phiên dịch để đảm bảo chị em dễ dàng tiếp cận thông tin.

- Đơn giản hóa thủ tục vay vốn: Giảm thiểu các giấy tờ không cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho chị em tiếp cận nguồn vốn.

- Hỗ trợ trực tiếp tại nhà: Đối với những trường hợp chị em gặp khó khăn trong việc đi lại, ngân hàng có đội ngũ cán bộ trong ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn ở từng thôn sẽ đến tận nhà để hỗ trợ làm thủ tục vay vốn - ông Thành cho biết.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Giang có 45 thành phần dân tộc đang sinh sống, trong đó có 6 thành phần DTTS chủ yếu chiếm số đông. Đó là dân tộc Nùng, Dao, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chí và Cao Lan, với tổng số 257.258 người dân tộc thiểu số, nữ giới chiếm 49%.

Đa dạng hóa sản phẩm tín dụng:

- Cung cấp khoản vay với thời hạn phù hợp với mục đích vay vốn: "Chúng tôi nghiên cứu và cung cấp các khoản vay có thời hạn linh hoạt, phù hợp với mục đích sử dụng vốn đặc thù tại khu vực miền núi và khả năng của phụ nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt là các khoản vay trung và dài hạn, lãi suất ưu đãi"- Phó Giám đốc NHCSXH Lục Nam thông tin.

Nâng cao chất lượng dịch vụ:

- Đào tạo cán bộ tín dụng: Thường xuyên đào tạo cán bộ tín dụng về kiến thức chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử với đồng bào dân tộc thiểu số.

5 bước giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận vốn vay dễ dàng

Đối với phụ nữ dân tộc thiểu số, việc tiếp cận nguồn vốn vay có thể gặp một số khó khăn do những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, và trình độ học vấn. Tuy nhiên, NHCSXH luôn nỗ lực để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ.

Bước 1: Tìm hiểu thông tin: Phụ nữ dân tộc thiểu số cần chủ động tìm hiểu thông tin về các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho mình thông qua các kênh thông tin như đài phát thanh tại thôn/bản, từ ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn tại thôn cư trú, các hội đoàn thể nhận ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội tại xã hoặc trực tiếp đến các phòng giao dịch của ngân hàng.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ: Hồ sơ vay vốn cần được chuẩn bị đầy đủ và chính xác, bao gồm các giấy tờ tùy thân, giấy đề nghị vay vốn, giấy ủy quyền (nếu có) và các giấy tờ khác theo yêu cầu của từng chương trình tín dụng. Khi vay vốn tại NHCSXH, Phụ nữ dân tộc thiểu số không phải mất bất cứ chi phí nào liên quan đến làm hồ sơ, giấy tờ, sổ sách và không có phụ phí, bảo hiểm của khoản vay. Nếu gặp khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ, phụ nữ luôn có sự hỗ trợ từ ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn, hội Phụ nữ hoặc chính quyền địa phương.

Bước 3: Lập kế hoạch kinh doanh: Đây là bước quan trọng nhất, quyết định đến việc có được phê duyệt cho vay hay không. Kế hoạch kinh doanh cần thể hiện rõ mục tiêu, quy mô, và tính khả thi của dự án. Phụ nữ dân tộc thiểu số có thể tham gia các lớp tập huấn về lập kế hoạch kinh doanh do các tổ chức chính trị xã hội như Hội LHPN xã tổ chức.

Bước 4: Nộp hồ sơ, chờ phê duyệt và nhận tiền vay: Sau khi hoàn thiện hồ sơ, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác của ngân hàng sẽ hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số nộp hồ sơ tại ngân hàng và chờ phê duyệt. Sau khi được duyệt cho vay, phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ được phục vụ và nhận tiền vay tại điểm giao dịch xã, không cần phải tốn chi phí đi lại lên huyện, tỉnh.

Bước 5: Sử dụng vốn vay hiệu quả: Sau khi được giải ngân, phụ nữ cần sử dụng vốn vay đúng mục đích, tuân thủ các điều khoản của hợp đồng tín dụng, và thanh toán nợ đúng hạn. Việc sử dụng vốn vay hiệu quả sẽ giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, và góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình.

Bài và ảnh: An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bac-giang-nang-cao-chat-luong-cho-vay-von-doi-voi-phu-nu-nguoi-dan-toc-thieu-so-20240629110528156.htm