Bắc Giang: nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều

Ngày 28/5, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2025.

Thông tin tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phạm Văn Thịnh cho biết, năm 2025, toàn tỉnh Bắc Giang có 29,7 nghìn ha vải thiều, chiếm trên 60% diện tích cây ăn quả của tỉnh Bắc Giang. Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 16 nghìn ha, Global GAP là 204 ha, hữu cơ là 10 ha. Sản lượng vải ước đạt 165 nghìn tấn, trong đó có 60 nghìn tấn vải sớm, 105 nghìn tấn chính vụ.

Vải thiều Bắc Giang được canh tác theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ; được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại các thị trường lớn như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Singapore… Không chỉ là loại quả đặc sản chất lượng cao, vải thiều còn chứa đựng giá trị văn hóa, lịch sử và là biểu tượng của nông nghiệp Bắc Giang.

Đến nay, sản phẩm đã có mặt tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt qua những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về kỹ thuật và an toàn thực phẩm. Tỉnh Bắc Giang đã cấp mã số vùng trồng cho gần 300 vùng với tổng diện tích trên 21 nghìn ha; hệ thống sơ chế, đóng gói và logistics được đầu tư hiện đại, đồng bộ.

Ngoài ra, Bắc Giang hiện có 419 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; 56 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng có tiềm năng thương mại lớn. Bắc Giang cũng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản...

Năm 2025, vải thiều sớm tỉnh Bắc Giang có 16 nghìn ha. Ảnh: H.S

Năm 2025, vải thiều sớm tỉnh Bắc Giang có 16 nghìn ha. Ảnh: H.S

Trong 5 giải pháp trọng tâm tỉnh Bắc Giang triển khai để nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, ông Phạm Văn Thịnh cho biết, tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc phát triển các kênh bán hàng trực tuyến, hợp tác với các sàn thương mại điện tử như tiki, shopee, alibaba, tiktok shop..., kết nối với các đơn vị logistics như Viettel Post, VNPost, Grab...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng mở rộng xuất khẩu, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực; đồng thời đẩy mạnh vào các thị trường tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc...

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Việt Oanh nhấn mạnh, hội nghị hôm nay là sự kiện quan trọng, không chỉ nhằm quảng bá sản phẩm mà còn truyền tải mạnh mẽ thông điệp về sự hợp tác bền vững, coi trọng sự tin cậy cùng phát triển của tỉnh Bắc Giang với các bạn bè, đối tác, với các DN xuất nhập khẩu nông sản, người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Theo ông Oanh, tỉnh Bắc Giang cam kết cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch về quá trình sản xuất, kiểm soát dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo quả vải và nông sản địa phương có chất lượng tốt nhất, đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn, yêu cầu quản lý chất lượng của các thị trường.

Tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, hướng dẫn triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số, thương mại điện tử; phát triển hệ thống logistics phục vụ tiêu thụ nông sản…

Đồng thời, đề nghị chính quyền và DN Trung Quốc tiếp tục phối hợp thuận lợi trong khâu thông quan, đặc biệt là hình thành “luồng xanh” cho nông sản tươi, nhất là vải thiều, qua các cửa khẩu như: Bằng Tường, Hà Khẩu…

Tại thị trường trong nước, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đề nghị các tỉnh, TP trong cả nước kết nối tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực tại các chợ đầu mối, hệ thống phân phối, trung tâm thương mại lớn; tạo điều kiện giới thiệu, quảng bá nông sản Bắc Giang trong các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ và tuần lễ nông sản tại địa phương.

Bắc Giang là tỉnh có tiềm năng rất lớn về nông nghiệp với gần 300 nghìn ha đất nông nghiệp, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, hệ sinh thái cây trồng phong phú. Trong đó, vải thiều là sản phẩm nông sản đặc sản, nổi bật nhất, được trồng trên 29,7 ha, chiếm trên 60% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh Bắc Giang.

Mai Linh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bac-giang-nang-cao-chat-luong-va-mo-rong-thi-truong-tieu-thu-vai-thieu.718140.html