Bắc Giang: Nâng 'chất' lao động xuất khẩu
Không chỉ vì mục tiêu giảm nghèo, việc nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, pháp luật, ưu tiên những thị trường lao động có thu nhập cao... là những yêu cầu mới trong xuất khẩu lao động (XKLĐ).
90% lao động đi làm việc ở nước ngoài có trình độ phổ thông
Những năm qua, công tác đưa người lao động (NLĐ) và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê của Cục Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đến nay đã vượt qua con số 100 nghìn người/năm. Tuy nhiên, theo đánh giá, chất lượng nguồn nhân lực xuất khẩu vẫn còn hạn chế.
Năm 2022, tỉnh Bắc Giang giải quyết việc làm mới cho 33,6 nghìn người (đạt 105% kế hoạch năm). Trong đó XKLĐ 1.880 người (đạt 125,3% kế hoạch năm). Với kinh nghiệm nhiều năm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, bà Khương Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn An Dương (Hà Nội) - một trong 20 doanh nghiệp (DN) được cấp phép tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tại Bắc Giang cho biết, trung bình mỗi năm, DN phấn đấu đưa 1 nghìn lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Sau khoảng 3 tháng học tiếng cơ bản, đào tạo kỹ năng, học định hướng và hoàn thiện các thủ tục, lao động có thể xuất cảnh và đáp ứng yêu cầu của thị trường tiếp nhận. Tuy nhiên, khoảng 90% lao động xuất khẩu hiện nay thuộc nhóm tay nghề thấp, dừng lại ở trình độ phổ thông, làm việc ở các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ lao động kỹ thuật bậc cao, chuyên gia không quá 10%.
Theo thống kê của Sở LĐTBXH, toàn tỉnh hiện có khoảng 14,2 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; tập trung chủ yếu ở một số thị trường như: Đài Loan (7 nghìn người); Nhật Bản (3 nghìn người); Hàn Quốc (1,5 nghìn người); còn lại ở Malaysia, các nước Trung Đông.
Là địa phương có tỷ lệ người đi XKLĐ thuộc nhóm cao, trung bình mỗi năm, huyện Lục Ngạn có khoảng 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nguồn ngoại tệ gửi về góp phần không nhỏ trong thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo ở địa phương. Theo ông Vũ Trí Bằng, Phó trưởng Phòng LĐTBXH huyện, qua khảo sát, lao động xuất cảnh chủ yếu sang làm giúp việc tại Đài Loan, sản xuất nông nghiệp tại Hàn Quốc, công nhân ngành in ở Nhật Bản. Chủ yếu là lao động phổ thông nên dù thu nhập có cao hơn trong nước thì hầu hết sau khi hết hạn hợp đồng, lao động dễ rơi vào vòng luẩn quẩn khó tìm việc làm. Bên cạnh đó, còn tình trạng lao động tự phá bỏ hợp đồng, ra ngoài làm việc bất hợp pháp hoặc bỏ trốn để ở lại cư trú sau khi chấm dứt hợp đồng. Điều này ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lao động Việt Nam ở các nước.
Đẩy mạnh liên kết, tư vấn XKLĐ trong các trường nghề
Năm 2023, tỉnh đề ra kế hoạch giải quyết việc làm cho 32,5 nghìn người, trong đó đi XKLĐ là 1.650 người. Ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐTBXH) cho biết, sau nhiều năm xác định XKLĐ gắn với mục tiêu giảm nghèo, tập trung giải quyết việc làm cho lao động ở các địa bàn khó khăn, hiện nay, Ban Chỉ đạo công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm tỉnh quan tâm tới nhóm có khả năng học tập, tiếp nhận tay nghề, công nghệ, tư duy quản lý của nước ngoài như sinh viên, học viên trường nghề.
Để nâng cao chất lượng lao động đi làm việc tại nước ngoài, bên cạnh việc khai thác, mở rộng thị trường và ngành nghề, ban lãnh đạo Công ty cổ phần Nhân lực Quốc tế ICO (TP Bắc Giang) cũng đưa ra ưu tiên hàng đầu là làm tốt công tác kết nối với các trường nghề. Việc trang bị đầy đủ những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết trước khi xuất cảnh sẽ giúp NLĐ dễ dàng thích nghi, gắn bó với công việc lâu dài, đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ doanh nghiệp ở nước tiếp nhận.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cho biết, từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã liên kết với Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang để tổ chức các lớp đào tạo nghề cho thực tập sinh. Mô hình này giúp học viên được thi tay nghề theo đơn hàng một cách thường xuyên, liên tục với tỷ lệ đỗ cao, rút ngắn thời gian đào tạo.
Còn tại Công ty cổ phần Quốc tế - TIC chi nhánh Bắc Giang, với chiến lược khai thác thị trường Đài Loan, Nhật Bản, hiện doanh nghiệp đang đào tạo tiếng, kỹ năng cho khoảng 200 lao động có nhu cầu XKLĐ, chủ yếu ở các ngành nghề như: Lắp ráp cơ khí, xây dựng, hàn bán tự động, chế biến thực phẩm. Bà Tống Thị Ngần, Giám đốc chi nhánh cho hay, dựa trên việc khai thác các đơn hàng chất lượng cao, đòi hỏi lao động có tay nghề, đơn vị phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối với một số trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh để tổ chức tư vấn, giới thiệu, tạo cơ hội việc làm hấp dẫn ở nước ngoài cho sinh viên sau tốt nghiệp.
Như trường hợp anh Dương Quốc Cường, xã Bảo Sơn (Lục Nam), sau 3 năm học nghề hàn tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang, anh quyết định sang Nhật làm việc từ tháng 12/2022. Trò chuyện qua điện thoại, anh chia sẻ: “Có tấm bằng cao đẳng nghề, tôi được vận hành máy hàn bán tự động trong dây chuyền sản xuất của một doanh nghiệp lắp ráp ô tô, mức lương 35 triệu đồng/tháng. Quan trọng hơn cả là ở trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, tôi có cơ hội được nâng cao trình độ tay nghề, học hỏi thêm được những kỹ năng, tác phong làm việc và ngoại ngữ, hy vọng có tương lai tốt hơn khi về nước”.
Một trong nhiều nội dung quan trọng trong Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới là nghiên cứu mở rộng thị trường lao động ngoài nước gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho NLĐ; ưu tiên đưa lao động đi làm việc ở những thị trường lao động có thu nhập cao…
Theo ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, giải pháp chiến lược để hoàn thành mục tiêu này là đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NLĐ về những lợi ích của việc có trình độ khi đi làm việc ở nước ngoài. Từ đó, họ tích cực, chủ động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ. Sở tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tập trung phát triển các nghề trọng điểm, đáp ứng yêu cầu của DN ở nước ngoài; khảo sát nhu cầu việc làm của lao động để phối hợp với doanh nghiệp XKLĐ tổ chức tư vấn, giúp lao động lựa chọn công việc phù hợp theo lứa tuổi, trình độ. Cùng đó, thường xuyên kiểm tra, đề xuất cơ quan có thẩm quyền áp dụng chế tài nghiêm khắc với những doanh nghiệp vi phạm chính sách pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ.
Bài, ảnh: Tường Vi