Bắc Giang: Nhà thầu thi công Đường tỉnh 295 'bớt xén' hạng mục ATGT?

Dự án đầu tư Đường tỉnh 295 qua huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang vừa thi công vừa khai thác nhưng không thực hiện công tác đảm bảo ATGT, có dấu hiệu mua bán trái phép đất của dự án.

Nhà thầu thi công hầu như không thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT theo quy định đối với công trình vừa thi công vừa khai thác

Nhà thầu thi công hầu như không thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT theo quy định đối với công trình vừa thi công vừa khai thác

Ngày 1/8/2023, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích ký ban hành Quyết định số 1116 phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng ĐT295 đoạn cầu Bến Tuần đi thị trấn Cao Thượng và đoạn thị trấn Cao Thượng đi cầu Bỉ Nội, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 175 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Bắc Giang. Trong đó, gồm các chi phí: xây dựng hơn 142,5 tỷ đồng, quản lý dự án hơn 2,25 tỷ đồng, tư vấn đầu tư xây dựng hơn 8,17 tỷ đồng, chi phí khác hơn 2,54 tỷ đồng, chi phí dự phòng hơn 19,7 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang.

Dọc tuyến đang thi công có nhiều vị trí nguy hiểm nhưng không được nhà thầu thực hiện biện pháp đảm bảo ATGT

Dọc tuyến đang thi công có nhiều vị trí nguy hiểm nhưng không được nhà thầu thực hiện biện pháp đảm bảo ATGT

Dự án có chiều dài đoạn tuyến khoảng hơn 11km, điểm đầu dự án tại Km31+330,6 (đầu cầu Bến Tuần phía huyện Tân Yên) điểm cuối kết thúc tại Km42+555,63 (cầu Bỉ Nội). Chiều rộng nền đường 12 m, chiều rộng mặt đường 11 m. Dự án được đầu tư nâng cấp, cải tạo đường, gồm các hạng mục: nền, mặt đường; hệ thống thoát nước dọc, thoát nước ngang; công trình cầu và hệ thống ATGT trên tuyến.

Sau khi dự án được đưa vào khai thác sẽ góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh nói chung và tuyến ĐT 295 nói riêng. Đồng thời tăng cường kết nối không gian vùng thông qua mạng lưới kết cấu đường bộ của tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia trong khu vực, giúp nâng cao năng lực lưu thông cho tuyến ĐT 295, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội địa phương; góp phần giảm thiểu TNGT, bảo vệ môi trường, tăng cường thu hút đầu tư vào địa bàn và củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh khu vực.

Theo quyết định của UBND tỉnh Bắc Giang về phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, dự án có khối lượng đất đào phát sinh từ dự án khoảng 59.535,4 m3, trong đó: đất đào tận dụng đắp nền đường, đắp gia cố, tăng cường bờ taluy đường của dự án khoảng 41.732 m3; đất đào dư thừa khoảng 17.803,4 m3 vận chuyển đến vị trí bãi đổ thải của dự án. Chủ dự án phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan đối với trữ lượng đất đào tận dụng làm vật liệu đắp nền tại dự án và các công trình, dự án khác (nếu có) trước khi tiến hành thi công tại thực địa.

Về đất đào từ dự án, trong quá trình thực hiện, dự án bố trí 3 bãi đổ thải tại 3 địa điểm: khu hồ nhà văn hóa thôn Lục Liễu Dưới, xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, với diện tích đổ thải 2.000 m2, chiều cao cho phép đổ thải 2m, khối lượng đổ thải 4.000 m3, khoảng cách từ dự án đến bãi đổ thải 500 m. Khu nhà văn hóa thôn Khánh Ninh, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, với diện tích đổ thải 5.000 m2, chiều cao cho phép đổ thải 1,5 m, khối lượng đổ thải 7.500 m3, khoảng cách từ dự án đến bãi đổ thải 500 m. Thôn Trại Rừng - Chè, xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, với diện tích đổ thải 5.000 m2 , chiều cao cho phép đổ thải 1,5 m, khối lượng đổ thải 7.500 m3 , khoảng cách từ dự án đến bãi đổ thải 4,5 km).

Gần giữa tháng 8/2024, từ phản ánh của bạn đọc, phóng viên Tạp chí GTVT thực địa tình hình triển khai thi công dự án trên, nhận thấy dù dọc theo các công trường thi công của dự án là tuyến đường vừa thi công vừa khai thác nhưng chủ đầu tư, nhà thầu thi công triển khai sơ sài công tác đảm bảo ATGT, có dấu hiệu mua bán trái phép đất đào từ dự án. Bên cạnh đó, không tuân thủ các quy định về công bố thông tin để phục vụ giám sát cộng đồng.

Đất từ dự án được vận chuyển vào nhà bà H. (xóm Quất 2, xã Hợp Đức). Theo lời bà H., gia đình bà bỏ tiền mua đất này để san lấp vườn

Đất từ dự án được vận chuyển vào nhà bà H. (xóm Quất 2, xã Hợp Đức). Theo lời bà H., gia đình bà bỏ tiền mua đất này để san lấp vườn

Cụ thể, dọc theo tuyến đường đang thi công không hề có biển thông tin về dự án, chủ đầu tư, tư vấn giám sát, đơn vị thi công, thời gian hoàn thành; không có biển báo tại các điểm đang thi công; không có người tổ chức điều tiết giao thông, nhiều vị trí đào hố sâu nhưng không chăng dây, đặt biển cảnh báo nguy hiểm; không bố trí đèn tín hiệu ban đêm.

Theo phản ánh của một số người dân xã Hợp Đức, Cao Xá, một số vị trí lề đường được đào sâu nhưng đã vài tuần không hoàn trả, khiến gây khó khăn cho kinh doanh, gây ô nhiễm môi trường.... nhưng cũng không biết kêu ai.

Một số vị trí đất đổ thải vào vườn nhà dân

Một số vị trí đất đổ thải vào vườn nhà dân

Theo tìm hiểu của phóng viên từ UBND xã Hợp Đức, đơn vị thi công dự án là Liên danh nhà thầu gồm: Công ty CP xây dựng Đắc Đạo, Công ty CP xây dựng Thăng Long và Công ty TNHH Ngọc Thơ.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Viết Trung, Phó giám đốc Công ty CP xây dựng Thăng Long cho biết, mỗi đơn vị chia nhau thi công một đoạn khác nhau, trong đó gói do nhà thầu Thăng Long thi công có tiến độ nhiều nhất. Cũng theo ông Trung, do từ đầu năm 2024 đến nay, công ty không được chủ đầu tư chi trả tiền thi công nên đang gặp khó khăn. Còn về phương án đảm bảo ATGT, ông này cho biết, nhà thầu có phương án nhưng.... không để ở công trường.

Mời xem thêm video:

Minh Tùng - Huy Lộc

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/bac-giang-nha-thau-thi-cong-duong-tinh-295-bot-xen-hang-muc-atgt-183240813113957588.htm