Nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho các trạm y tế ở Hà Tĩnh
Với sự ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, linh hoạt các giải pháp hỗ trợ về chuyên môn nên đến nay, 100% trạm y tế ở Hà Tĩnh đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
Thời gian qua, cùng với việc nỗ lực rút ngắn khoảng cách giữa y tế tuyến huyện với tuyến tỉnh thì Hà Tĩnh đã có sự quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho hệ thống các trạm y tế để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân.
Là địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Hương Khê nên công tác chăm sóc, điều trị ban đầu cho người dân ở xã Hương Lâm (Hương Khê) đóng vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy, trong thời gian qua, huyện Hương Khê cũng như chính quyền xã Hương Lâm đã ưu tiên nguồn lực khá lớn cho việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động thăm khám và điều trị của trạm y tế.
Bác sỹ Đoàn Đình Lục – Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hương Lâm cho biết: “Địa bàn trải rộng với 12 thôn, lại nằm cách xa trung tâm huyện nên vai trò, trách nhiệm của các y bác sỹ tại trạm vô cùng nặng nề. Trung bình mỗi năm, trạm tiếp nhận, khám chữa bệnh cho hơn 7.500 lượt người và thực hiện hàng trăm ca cấp cứu ban đầu. Để đáp ứng được khối lượng công việc lớn như vậy, năm 2022 - 2023, trạm đã được đầu tư khu nhà 2 tầng khang trang, khuôn viên, phòng ốc rộng rãi. Cùng với đó là hệ thống máy siêu âm và một số trang thiết bị cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn”.
Xác định trạm y tế là thành lũy đầu tiên trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân nên thời gian qua, Hương Khê đã dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cơ sở vật chất cho các trạm. Đến nay, 12 trạm đã được đầu tư hoàn thiện và 9 trạm y tế còn lại đang được huyện tập trung hoàn thành các bước để triển khai xây dựng, nâng cấp.
Tại Cẩm Xuyên, bác sỹ Trần Huy Nghĩa - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện cho biết: “Đầu tư cho trạm y tế là góp phần giảm tải cho tuyến trên, giúp người dân không phải đi xa chữa bệnh nên thời gian qua, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho các trạm. Đến nay, 18/23 trạm y tế có cơ sở hạ tầng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. 21/23 trạm y tế có bác sỹ để thực hiện việc thăm khám, điều trị”.
Được biết, với sự quan tâm của tỉnh và các địa phương thông qua các cơ chế, chính sách; lồng ghép các chương trình, dự án và huy động nguồn xã hội hóa... đến nay, toàn tỉnh đã có 85% số trạm y tế (trong tổng số 216 trạm y tế xã, phường, thị trấn) đã được đầu tư, nâng cấp hoàn thiện đáp ứng tiêu chí về hạ tầng.
Theo thông tin từ Sở Y tế, hiện nay, Dự án Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn sử dụng vốn vay ADB, đang chuẩn bị đầu tư xây mới, cải tạo thêm 30 trạm y tế xuống cấp. Khi dự án hoàn thành thì tất cả các trạm y tế trên địa bàn tỉnh sẽ được đầu tư hoàn thiện về cơ sở hạ tầng.
Về trang thiết bị, hiện nay, các trạm y tế trên địa bàn toàn tỉnh đều cơ bản đảm bảo được các trang thiết bị tối thiểu theo danh mục quy định của Bộ Y tế. 100% trạm y tế xã đều được cài đặt và sử dụng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm quản lý khám, chữa bệnh BHYT. Bước đầu phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử đã được đồng bộ dữ liệu với phần mềm quản lý khám, chữa bệnh tại các bệnh viện và đảm bảo liên thông giữa các tuyến từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ người dân được khám, tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 99%. Người dân được quản lý sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình, nên giảm tải cho tuyến trên, tiết kiệm kinh phí cho người dân. 100% trạm y tế xã thực hiện hiệu quả mô hình quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm; 100% trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 37 trạm y tế xã, phường, thị trấn chưa có bác sỹ. Điển hình như: huyện Nghi Xuân có 5/17 trạm y tế chưa có bác sỹ và 3 trạm y tế có bác sỹ gần đến tuổi nghỉ hưu; TP Hà Tĩnh có 7/15 trạm y tế chưa có bác sỹ; Cẩm Xuyên có 2/23 trạm chưa có bác sỹ… Tỷ lệ thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến còn thấp, thuốc BHYT chưa đủ và chưa đa dạng...
Bác sỹ Lê Quân Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Để giải quyết tạm thời bài toán thiếu bác sỹ ở các trạm, từ đầu tháng 7/2024, đơn vị đã luân phiên đưa các bác sỹ ở các khoa, phòng về tại các trạm y tế để thăm khám cho người dân và hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho tuyến dưới. Việc cử bác sỹ về trạm không chỉ giúp người dân đi khám thuận lợi hơn, tiết kiệm được thời gian và công sức mà còn góp phần hỗ trợ về chuyên môn, nâng cao các kỹ năng, kinh nghiệm cho các cán bộ trạm y tế trong tiếp đón, chăm sóc và điều trị cho người dân...”.
Được biết, đối với các địa phương chưa thực hiện được việc luân phiên bác sỹ về trạm, hiện nay, các trung tâm y tế đang tập trung cho việc tập huấn hoặc cử đi tham gia các lớp đào tạo để nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế tại trạm, qua đó đáp ứng nhu cầu tối thiểu việc thăm khám, điều trị ban đầu cho Nhân dân và phòng, chống dịch bệnh.
Thực tiễn qua các đợt phòng, chống dịch bệnh đã cho thấy việc nâng cao năng lực cho phòng tuyến trạm y tế là điều hết sức cấp thiết. Thời gian qua, trên cơ sở tham mưu của ngành, tỉnh và các địa phương, đã có nhiều cơ chế, chính sách để đầu tư, hỗ trợ cho các trạm y tế cũng như đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác tại các trạm.
Để tiếp tục đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, thời gian tới, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn sử dụng vốn vay ADB; tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn từ chính sách Nghị quyết số 71 của HĐND tỉnh để tiếp tục đầu tư cho trạm y tế; tiếp tục tăng cường huy động, kêu gọi các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ các trang thiết bị cần thiết. Chú trọng công tác hỗ trợ chuyên môn từ tuyến tỉnh xuống tuyến huyện và từ tuyến huyện xuống tuyến xã, trong đó đặc biệt đẩy mạnh việc luân phiên, điều tiết các bác sỹ từ các trung tâm y tế về công tác tại các trạm y tế còn thiếu bác sỹ, để nâng cao năng lực cho các trạm y tế.
Ông Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh