Bắc Giang: Nước sông Cầu tràn bờ đê, 2 thôn bị cô lập hoàn toàn

Do ảnh hưởng của bão số 3, mực nước sông Cầu dâng cao, tràn qua bờ đê, đã làm ảnh hưởng đến một số xã ven sông thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt, 2 thôn Đa Hội và Đồng Đạo, xã Hợp Thịnh bị cô lập hoàn toàn vì nước lũ.

Các lực lượng chức năng chuẩn bị tiếp tế cho người dân ở thôn Đa Hội.

Các lực lượng chức năng chuẩn bị tiếp tế cho người dân ở thôn Đa Hội.

Tính đến 20h ngày 12/9, nước trên sông Cầu đoạn qua huyện Hiệp Hòa vẫn rất cao, khiến thôn Đa Hội, xã Hợp Thịnh bị ngập sâu. Hàng trăm hộ gia đình của thôn Đa Hội đã bị cô lập.

Chở đồ tiếp tế cho người dân thôn Đồng Đạo.

Chở đồ tiếp tế cho người dân thôn Đồng Đạo.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Hợp Thịnh: Hiện tại xã có 2 thôn Đa Hội và Đồng Đạo bị cô lập hoàn toàn do nước lũ. Một phần thôn Ninh Tào bị cô lập. Trong hai ngày qua, chúng tôi nhận được nhiều sự hảo tâm cứu trợ của đồng bào trong và ngoài tỉnh. Có những đoàn ở xa như Thanh Hóa, Nghệ An cũng về hỗ trợ cho bà con. Tuy nhiên, việc cứu trợ ở Đa Hội gặp nhiều khó khăn vì một số nhà ở sâu trong ngõ nhỏ, thuyền nhỏ cũng không vào được, nước lại xoáy.

Cứu hộ vật nuôi tại thôn Đa Hội.

Cứu hộ vật nuôi tại thôn Đa Hội.

Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa thông tin: Trong 14 xã ven sông Cầu có một số điểm chúng tôi đã rất lưu ý khi tổ chức phòng chống từ cơn bão số 3. Tuy nhiên, sau bão là mưa lớn, nước dâng cao gây ngập lụt nhiều nhà dân. Chúng tôi đã tổ chức di dời hàng trăm người dân hai thôn Đa Hội và Đồng Đạo đến nơi tránh trú an toàn.

"Chúng tôi quán triệt không để bất cứ một phương tiện giao thông không có nhiệm vụ đi vào khu vực đê xung yếu để đảm bảo an toàn cho bà con", ông Khanh nói. Lực lượng Công an huyện Hiệp Hòa đã ứng trực 24/24 tại các điểm đê xung yếu và các điểm cứu trợ.

Cuộc sống của người dân ở nơi tránh trú bão được chính quyền các cấp chăm lo đầy đủ về vật chất và tinh thần.

Cuộc sống của người dân ở nơi tránh trú bão được chính quyền các cấp chăm lo đầy đủ về vật chất và tinh thần.

Ông Nguyễn Đình Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hiệp Hòa cho biết, chúng tôi đã đón nhận rất nhiều tấm lòng của bà con trong và ngoài huyện gửi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng lũ lụt. Tuy nhiên, có nhiều suất ăn chế biến sẵn nếu lực lượng cứu hộ tiếp tế không kịp dễ bị hỏng. "Chúng tôi khuyến nghị bà con có tấm lòng hỗ trợ đồ khô để có thể bảo quản được dài ngày. Sau lũ, việc tái thiết sản xuất, ổn định cuộc sống cũng rất bề bộn, cần nhiều tiền của, bà con có thể trao đổi thông tin với MTTQ huyện Hiệp Hòa để ủng hộ, tránh tình trạng lãng phí", ông Nguyễn Đình Anh nói.

Lực lượng chức năng chuyển hàng tiếp tế đến người dân thôn Đa Hội.

Lực lượng chức năng chuyển hàng tiếp tế đến người dân thôn Đa Hội.

Ông Ngô Quang Xe, Trưởng thôn Đa Hội cho biết: Thôn có 5 xóm, hiện vẫn còn hàng nghìn người dân ở lại trên các tầng 2, tầng 3 nhà của mình trong thôn. Nước ngập khoảng 3 m. Chúng tôi đã vận động nhưng nhiều người dân vẫn ở lại vì muốn giữ tài sản, phần khác họ chủ quan nghĩ lũ không bằng đỉnh lũ năm 1971. Nhưng thực tế, hơn 60 năm nay, đây là cơn lũ lớn nhất mà tôi chứng kiến.

Ông Nguyễn Văn Đoàn (70 tuổi), Trưởng thôn Đồng Đạo, xã Hợp Thịnh cho biết: Khoảng 300 người dân thôn Đồng Đạo đã được di dời vào nơi tránh trú an toàn. Việc tiếp tế cho người dân ở thôn Đồng Đạo dễ dàng hơn thôn Đa Hội, do mật dộ dân thưa hơn, đường ngõ rộng hơn, thuyền cứu hộ có thể vào được các nhà.

Lực lượng chức năng chốt chặn phương tiện giao thông và hạn chế người dân lên đê.

Lực lượng chức năng chốt chặn phương tiện giao thông và hạn chế người dân lên đê.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bac-giang-nuoc-song-cau-tran-bo-de-2-thon-bi-co-lap-hoan-toan-10290174.html