Nhiều quốc gia Trung Âu gia cố bờ sông và khắc phục hậu quả bão Boris
Hàng nghìn binh lính, lính cứu hỏa và tình nguyện viên đã được tập hợp để gia cố bờ sông ở nhiều quốc gia khu vực Trung Âu như Hungary, Ba Lan, Romania…và triển khai các lực lượng cứu hộ cứu nạn để khắc phục các hậu quả của cơn bão Boris đã khiến ít nhất 22 người thiệt mạng.
Trong bối cảnh một số tỉnh, thành phố ở khu vực đang khuyến cáo người dân sơ tán thì chính quyền trên khắp Trung Âu đang tích cực triển khai công tác cứu hộ cứu nạn và thống kê thiệt hại do lũ lụt gây ra. Lũ lụt do lượng mưa kỷ lục đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều khu vực trong những ngày qua.
Theo thống kê, bão Boris đã trút lượng mưa gấp năm lần lượng mưa trung bình của tháng 9 xuống một số khu vực của Áo, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia trong bốn ngày qua, nhấn chìm nhiều khu dân cư và buộc hàng trăm nghìn người phải sơ tán. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng lên tiếng kêu gọi tinh thần đoàn kết hỗ trợ các khu vực chịu ảnh hưởng, đồng thời khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sẽ có phương án hỗ trợ các quốc gia bị thiệt hại.
Từ đêm ngày 16 tới ngày 17/9, lực lượng cứu hộ và người dân ở Wroclaw, Ba Lan đã nỗ lực gia cố bờ sông ngăn lũ. Các quan chức Wroclaw cho biết dự kiến đợt lũ sẽ đạt đỉnh vào thứ 6, tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, lũ có thể đến sớm hơn. Sáng 17/9, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã họp với nhóm giải quyết khủng hoảng và cho biết Chính phủ đã ban bố tình trạng thiên tai trên toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng ở miền nam Ba Lan.
Trong diễn biến đáng chú ý, thủ đô Budapest của Hungary đang chuẩn bị ứng phó với tình hình tồi tệ nhất vì lũ lụt dự kiến sẽ xảy ra trong những ngày tới. Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã triển khai quân đội để gia cố các rào chắn dọc sông Danube, trong khi hàng nghìn tình nguyện viên đang sử dụng các bao cát để gia cố ở các thị trấn ven sông.
Tại Cộng hòa Séc, mực nước đang rút dần ở một số các khu vực, nhiều nơi đã không còn ở mức độ cảnh báo nguy hiểm. Tuy nhiên, tình hình tồi tệ vẫn diễn ra ở nhiều nơi như Ostrava, Opava…miền Nam Bohemia. Theo các quan chức các địa phương, hàng nhìn ngôi nhà bị chìm trong nước, hàng chục nghìn hộ vẫn không có điện và các trường học vẫn đóng cửa ở những khu vực bị ảnh hưởng.
Chính phủ Séc đã triển khai 2.000 quân để thực hiện dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau bão lũ, ước tính thiệt hại có thể lên tới hàng tỷ euro. Chính quyền địa phương đang lên phương án triển khai công tác viện trợ quân sự và sẽ cung cấp vắc-xin miễn phí phòng ngừa một số bệnh ở các vùng bị ngập lụt.