Bắc Giang: Phát hiện gần 1,3 nghìn di vật khảo cổ tại địa điểm chùa Hoành Mô

Ngày 30/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Bắc Giang phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm chùa Hoành Mô thuộc tổ dân phố Hoành Sơn, thị trấn Vôi (Lạng Giang).

Ông Trương Quang Hải, Giám đốc Sở VHTTHL; TS Phạm Văn Triệu, Viện Khảo cổ học đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện Cục Di sản văn hóa, Viện Khảo cổ học, một số ban, ngành, đơn vị trong tỉnh và cán bộ, nhân dân địa phương.

 Các đồng chí chủ trì hội nghị.

Các đồng chí chủ trì hội nghị.

Chùa Hoành Mô tọa lạc tại đồi Chùa; toàn bộ diện tích khu vực đồi Chùa hiện đã được giao cho các hộ dân tổ dân phố Hoành Sơn sử dụng xây dựng nhà ở, vườn cây. Trong đợt điều tra, khảo sát năm 2022, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã phát hiện tại địa điểm chùa Hoành Mô có một số di vật như ngói mũi sen, gạch trang trí hoa chanh, đồ sành… mang đậm phong cách nghệ thuật thời Trần (thế kỷ XIII - XIV); các di vật ngói, đao ngói, mảnh trang trí hình rồng, đồ gốm men thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII), thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX). Bước đầu đoàn khảo sát đánh giá đây là di tích có niên đại kéo dài từ thời Trần đến thời Nguyễn.

Từ ngày 15/11 đến 30/12/2024, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Bắc Giang tổ chức đợt khai quật địa điểm chùa Hoành Mô. Hố khai quật có diện tích 200 m2 tại khu đất thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Hoàng Văn Bổng, thu được 1.293 di vật bao gồm vật liệu kiến trúc gạch, ngói, đồ gốm men, đồ sành, tượng… có niên đại từ thời Trần đến thời Nguyễn.

Toàn bộ di vật đều trong tình trạng vỡ nát, số ít còn nhận diện được đầy đủ hình dáng và kích thước. Trong đó di vật thời Trần gồm các loại hình gạch hoa chanh, gạch vuông, ngói mũi sen đơn, đồ gốm men, đồ sành. Di vật thời Lê sơ gồm các loại hình gốm men, đồ sành. Di vật thời Lê Trung Hưng có các loại hình ngói mũi sen, đao ngói, mảnh trang trí, đồ gốm men, đồ sành. Di vật thời Nguyễn chiếm số lượng nhiều nhất là các loại hình gạch, ngói, đồ gốm men.

 Các nhà khoa học phát biểu tại hội nghị.

Các nhà khoa học phát biểu tại hội nghị.

Đợt khai quật đã làm phát lộ những di tích, nhất là nền móng, sân nền các công trình kiến trúc thời Trần, thời Nguyễn. Về mặt địa tầng đã xác định được 3 lớp văn hóa thời Trần, thời Lê Trung Hưng, thời Nguyễn. Tuy vậy, do phạm vi khai quật nhỏ, toàn bộ diện tích đất khu vực đồi Chùa đã giao cho người dân sử dụng, các công trình hiện đại xây dựng sau này nằm đè nên hầu hết di tích kiến trúc chưa xuất lộ đầy đủ mặt bằng.

Qua tham quan thực địa và nghe báo cáo kết quả của đoàn khảo cổ học tại hội nghị, các nhà khoa học, cán bộ chức năng, nhà quản lý địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến. Trong đó khẳng định đợt khai quật đã cung cấp nhiều tư liệu khoa học có giá trị. Đặc biệt đã làm xuất lộ được dấu tích sân nền lát gạch vuông và gạch hoa chanh. Đây là lần đầu tiên trong các cuộc khai quật khảo cổ tại Bắc Giang phát hiện được sân nền lát gạch hoa chanh.

Về quy mô kiến trúc, đây là một công trình kiến trúc có quy mô khá lớn, cấu trúc tương đối rõ ràng và hiếm gặp trong hệ thống các kiến trúc cổ ở Việt Nam. Qua đó càng khẳng định vùng đất Bắc Giang vào thời Trần là một trong những trung tâm hình thành và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Đồng thời cho thấy, Bắc Giang là địa bàn trọng điểm về giá trị lịch sử - văn hóa - quân sự gắn liền với sự tồn vong quốc gia Đại Việt trong lịch sử.

Để phục vụ quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích đã xuất lộ, các đại biểu dự hội nghị kiến nghị tỉnh Bắc Giang và các cấp ngành, đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp khai quật mở rộng tiến tới khai quật tổng thể toàn bộ chùa Hoành Mô và nghiên cứu để làm rõ dấu tích kiến trúc, giá trị di tích để có biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Tiếp thu những ý kiến, các đồng chí chủ trì hội nghị đánh giá cao kết quả đợt khai quật khảo cổ bước đầu tại địa điểm chùa Hoành Mô. Các dấu tích kiến trúc, hiện vật cũng khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của mảnh đất Lạng Giang nói riêng và Bắc Giang nói chung. Trong năm 2025, Sở sẽ tham mưu với Bộ VHTTDL và UBND tỉnh tiếp tục tổ chức khai quật mở rộng tại địa điểm chùa Hoành Mô, đi sâu nghiên cứu những hiện vật đã tìm được để làm rõ, khẳng định giá trị của di tích. Đồng thời mong muốn UBND huyện sớm xây dựng phương án xác định hồ sơ hiện trạng đất đai, chuyển đổi quyền sử dụng đất để khoanh vùng bảo vệ, tiến tới bảo tồn, đề nghị xếp hạng di tích. Cán bộ, nhân dân địa phương nâng cao trách nhiệm chung tay gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Một số hình ảnh tại đợt khai quật khảo cổ:

 Hố khai quật được đào sâu khoảng 1 m so với mặt bằng hiện tại xuất hiện dấu tích sân, nền gạch vuông, gạch hoa chanh thời Trần.

Hố khai quật được đào sâu khoảng 1 m so với mặt bằng hiện tại xuất hiện dấu tích sân, nền gạch vuông, gạch hoa chanh thời Trần.

 Những mẩu gạch, ngói, đồ gốm men, sành khai quật được tại khu vực chùa Hoành Mô.

Những mẩu gạch, ngói, đồ gốm men, sành khai quật được tại khu vực chùa Hoành Mô.

 Gạch trang trí nổi hoa chanh thời Trần được phát hiện tại hố đào sâu khoảng 1 m so với mặt bằng hiện tại.

Gạch trang trí nổi hoa chanh thời Trần được phát hiện tại hố đào sâu khoảng 1 m so với mặt bằng hiện tại.

 Các mảnh ngói, vật dụng sinh hoạt thời Nguyễn được tìm thấy tại hố khai quật.

Các mảnh ngói, vật dụng sinh hoạt thời Nguyễn được tìm thấy tại hố khai quật.

 Những mảnh ngói vỡ, gạch thông gió... thời Trần và thời Nguyễn khai quật được tại khu vực chùa Hoành Mô.

Những mảnh ngói vỡ, gạch thông gió... thời Trần và thời Nguyễn khai quật được tại khu vực chùa Hoành Mô.

Tin, ảnh: Lệ Thanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bac-giang-phat-hien-gan-1-3-nghin-di-vat-khao-co-tai-dia-diem-chua-hoanh-mo-postid410295.bbg