Bắc Giang: Phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế từ vốn vay

Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh Bắc Giang đã đồng hành, hỗ trợ các hội viên, đặc biệt là hội viên phụ nữ hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số tích cực phát triển kinh tế; xây dựng các mô hình hay, từng bước thoát nghèo.

 Chị em đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang đã mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp gắn liền với những thế mạnh ở địa phương.

Chị em đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang đã mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp gắn liền với những thế mạnh ở địa phương.

Thông qua chương trình phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh các huyện, thành phố, đến nay các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Giang đã nhận ủy thác, tín chấp trên 4.000 tỷ đồng, giúp hơn 54 nghìn phụ nữ vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, vốn cho vay đều được chị em sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, phát huy vai trò làm chủ kinh tế gia đình của người phụ nữ. Khi người phụ nữ dân tộc thiểu số khẳng định được khả năng tham gia đóng góp vào kinh tế gia đình và cộng đồng người dân địa phương thì vị thế của họ cũng sẽ dần được nâng cao trong gia đình và ngoài xã hội.

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Giang có 45 thành phần dân tộc đang sinh sống, trong đó có 6 thành phần DTTS chủ yếu chiếm số đông, đó là dân tộc Nùng, Dao, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chí và Cao Lan, với tổng số 257.258 người dân tộc thiểu số, thì nữ giới chiếm 49%.

Cùng với đó, số phụ nữ dân tộc thiểu số là lực lượng lao động chính cũng chiếm hơn một nửa trong tổng số phụ nữ dân tộc thiểu số ở tỉnh Bắc Giang. Họ có vai trò then chốt trong kinh tế hộ gia đình, thể hiện qua việc họ tham gia hầu hết các công đoạn của sản xuất, quản lý kinh tế hộ, quản lý chi tiêu. Phụ nữ dân tộc thiểu số phải làm những khâu như gieo hạt, chăm sóc nương rẫy, trồng rau, thu hái, bảo quản nông sản… nhưng họ cũng phải chịu trách nhiệm chính trong hoạt động chăn nuôi bởi quan niệm đây là một dạng "việc nhà", "việc làm thêm".

Chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số rất cần cù, chịu thương, chịu khó, nhưng họ bị hạn chế bởi nhiều khuôn phép, tập tục của gia đình, xã hội. Chủ động làm kinh tế chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng, bởi ngay từ ý tưởng, rồi cách thức triển khai, đều gặp rất nhiều khó khăn, rào cản. Thế nhưng, với ý chí, quyết tâm vươn lên, không ít chị em đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang đã mạnh dạn, tự tin thực hiện có hiệu quả ý tưởng khởi nghiệp gắn liền với những thế mạnh ở địa phương. Đồng hành cùng họ là các cấp hội phụ nữ, đặc biệt là trong việc hỗ trợ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế.

Bắc Giang - Phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế từ các vốn vay

An Khê (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bac-giang-phu-nu-dan-toc-thieu-so-lam-kinh-te-tu-von-vay-20240717204107328.htm