Bắc Giang: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang quan tâm đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi, quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ mới vào sản xuất. Qua đó giúp tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nhờ chủ động đầu ra cho sản phẩm, năm 2023, anh Chu Văn Hùng, thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn (Lục Nam) đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 5 ha trồng dứa lâu năm sang trồng sâm Nam núi Dành. Hiện cây hơn 1 năm tuổi, sinh trưởng phát triển tốt, cho thu hoa vụ đầu tiên với tổng sản lượng 3 tấn hoa tươi. Nụ hoa sau khi sấy khô được đóng bao bì đẹp và dự kiến tham gia Chương trình OCOP trong năm 2025.

 Hộ anh Chu Văn Hùng, thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn (Lục Nam) sử dụng hệ thống tưới tự động trong sản xuất sâm Nam núi Dành.

Hộ anh Chu Văn Hùng, thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn (Lục Nam) sử dụng hệ thống tưới tự động trong sản xuất sâm Nam núi Dành.

Anh Hùng đã xây dựng hệ thống bể chứa nước có camera giám sát, quản lý nguồn nước. Mới đây, mô hình này được hỗ trợ gần 180 triệu đồng từ ngân sách nhà nước để xây dựng hệ thống tưới tự động và cấp chứng nhận VietGAP.

Trước đây, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Cử, thôn Hồng Lạc, xã Đồng Tâm (Yên Thế) chăn nuôi lợn quy mô nhỏ, theo lối truyền thống. Năm nay, ông quyết định mở rộng khu vực chuồng trại lên 800m2, quy mô 530 con để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông Cử chia sẻ, yếu tố quan trọng nhất trong chăn nuôi quy mô trang trại là bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Vì thế, ông đã đề xuất nhu cầu và được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ gần 640 triệu đồng từ ngân sách nhà nước để đầu tư chăn nuôi công nghệ cao.

Trang trại của ông Cử hiện đã có đầy đủ hệ thống cảm biến, cho ăn tự động; hệ thống giám sát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, không khí. Ông ứng dụng phần mềm tự động để theo dõi các giai đoạn phát triển của vật nuôi, có camera giám sát an toàn. Nhờ đó, việc quản lý, chăm sóc đàn lợn được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, công sức, bảo vệ vật nuôi trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường.

 Anh Diệp Văn Liên (bên phải), xã Quý Sơn (Lục Ngạn) nuôi ba ba cho thu nhập cao.

Anh Diệp Văn Liên (bên phải), xã Quý Sơn (Lục Ngạn) nuôi ba ba cho thu nhập cao.

Ngoài các mô hình trên, toàn tỉnh còn có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khác. Thống kê đến nay, toàn tỉnh có hơn 1,5 nghìn mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt hơn 1 nghìn mô hình, chăn nuôi gần 300 mô hình, thủy sản 210 mô hình, lâm nghiệp 30 mô hình.

Đơn cử như: Mô hình sản xuất rau màu, hoa, nấm trong nhà lưới, nhà màng; ứng dụng phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh; ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm; ứng dụng công nghệ sinh học di truyền trong tạo giống vật nuôi, cây trồng giúp tăng năng suất, chất lượng; sử dụng quạt nước, máy cho ăn tự động, ứng dụng công nghệ sinh học xử lý môi trường ao nuôi thủy sản; mô hình nuôi cấy mô cây giống lâm nghiệp…

Nhìn chung, sản phẩm từ các mô hình đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; có năng suất, chất lượng cao hơn từ 2-3 lần so với sản xuất truyền thống; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nhiều nông sản được chứng nhận OCOP từ 3-5 sao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu (vải thiều, rau chế biến, lâm sản…).

Bên cạnh đó, ngành chuyên môn và UBND các huyện, thị xã, TP tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc trái vụ, đưa các giống cây trồng có ưu thế vượt trội, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Điển hình như kỹ thuật ghép cải tạo giống vải chín sớm cho thu hoạch rải vụ; kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường; cải tạo cây chè giống cũ bằng giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt như LDP1, LDP2, HP1 (có năng suất từ 9,5-10 tấn/ha/năm, cao hơn từ 3-3,5 tấn/ha/năm so với giống chè cũ);…

Trong chăn nuôi đã sử dụng các giống có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao như: Bò lai; gia cầm chuyên thịt, chuyên trứng; các giống lợn ngoại cao sản; ngựa bạch; ba ba; cá chuối hoa... Ở lĩnh vực lâm nghiệp, các giống bạch đàn lai, thanh thất, đào chuông, lim xanh được nghiên cứu đưa vào trồng trên diện tích lớn.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 401-NQ/TU ngày 3/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035; trong đó đặc biệt quan tâm tới ứng dụng, chuyển giao các giống cây trồng, vật nuôi, quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại, góp phần tăng thu nhập cho người dân, xây dựng NTM văn minh, giàu đẹp.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bac-giang-san-xuat-nong-nghiep-cong-nghe-cao-thuc-day-xay-dung-nong-thon-moi-100910-postid409429.bbg