Google đầu tư dự án rải đá nghiền để 'hút' hàng trăm nghìn tấn carbon ra khỏi khí quyển

Thu giữ carbon bằng đá nghiền là một công nghệ mới mẻ và chưa được chứng minh về tính thương mại nhưng lại đem tới tiềm năng lớn về việc thu giữ carbon, làm sạch bầu khí quyển.

Không chỉ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, giờ đây các ông lớn trong ngành công nghệ cũng đang mạnh dạn đặt cược lớn vào các khoản đầu tư cho khí hậu. Các ông lớn ngành công nghệ đã cùng nhau đầu tư cho kỹ thuật thu giữ carbon mới mẻ sử dụng đá nghiền với hy vọng loại bỏ được một lượng lớn carbon đã thải ra.

Tiềm năng thu giữ carbon quy mô lớn cần được phát triển

 Công đoạn rải đá nghiền trên cánh đồng để thu giữ carbon. Ảnh: Bloomberg/ Chris Ratcliffe.

Công đoạn rải đá nghiền trên cánh đồng để thu giữ carbon. Ảnh: Bloomberg/ Chris Ratcliffe.

Ông lớn ngành công nghệ Google thuộc tập toàn Alphabet Inc, cùng các cộng sự bao gồm tập đoàn Microsoft Corp, 2 nhà đầu tư mạo hiểm John Doerr và Sheryl Sandberg đã cùng nhau góp vốn cho công ty khởi nghiệp Terradot phát triển kỹ thuật thu giữ carbon bằng đá nghiền để góp phần loại bỏ khí nhà kính trực tiếp từ không khí.

Được biết, Terradot đã huy động được gần 60 triệu USD để thương mại hóa cho kỹ thuật của mình. Ngoài ra, công ty khởi nghiệp non trẻ này cũng ký kết thỏa thuận loại bỏ 200 nghìn tấn carbon ra khỏi khí quyển cho Google và 90 nghìn tấn carbon cho công ty khác có tên Frontier.

Ông Randy Spock, Trưởng Bộ phận Tín dụng và Loại bỏ Carbon của Google cho biết, kỹ thuật thu giữ carbon bằng đá nghiền có tiềm năng mở rộng trên quy mô rất lớn nhờ cơ chế dựa vào quá trình tự nhiên đã được thiết lập sẵn. Theo nhà đầu tư mạo hiểm người Mỹ John Doerr, trong số các công ty đang theo đuổi kỹ thuật thu giữ carbon bằng đá nghiền thì Terradot là công ty mạnh nhất trong lĩnh vực. Vì thế, ông đã mạnh tay chi tiền đầu tư.

Thu giữ carbon bằng đá nghiền giúp thời gian cô lập trở nên siêu tốc

Kỹ thuật sử dụng đá nghiền để thu giữ khí carbon có tên gọi chính xác là phong hóa đá tăng cường (Enhanced Rock Weathering - ERW). Đây là kỹ thuật giúp thúc đẩy nhanh quá trình cô lập carbon tự nhiên bằng cách rải đá bazan nghiền nhỏ trên các cánh đồng. Mưa sẽ giúp xảy ra phản ứng hóa học hút carbon ra khỏi khí quyển và theo dòng nước đi ra sông suối, cuối cùng là đại dương và bị cô lập lại ở đó.

 Mưa là xúc tác hút carbon ra khỏi khí quyển rồi đưa về bể chứa đại dương khổng lồ. Ảnh: Youtube.

Mưa là xúc tác hút carbon ra khỏi khí quyển rồi đưa về bể chứa đại dương khổng lồ. Ảnh: Youtube.

Cô lập carbon là quá trình lưu trữ carbon trong một bể chứa bằng phương pháp tự nhiên hoặc nhân tạo góp phần giảm lượng khí nhà kính gây ra hiện tượng nóng lên của toàn cầu và biến đổi khí hậu. Sử dụng đại dương làm bể chứa là một trong những phương pháp cô lập carbon tự nhiên. Đây là chu trình carbon vốn có nhưng trong tự nhiên với thời gian diễn ra hàng nghìn năm. Ông Scott Fendorf, cố vấn khoa học và kỹ thuật trưởng của Terradot cho biết, kỹ thuật đá nghiền có thể giúp thúc đẩy nhanh quá trình cô lập carbon tự nhiên từ hàng thiên niên kỷ xống chỉ còn vài tháng.

So với các phương pháp loại bỏ carbon khác, ERW có vẻ hơi tụt hậu. Nguyên nhân là do việc đo lường và xác minh lượng carbon thực sự được loại bỏ là rất khó. Theo dữ liệu của nền tảng báo cáo thị trường carbon CDR.fyi, trong số các dịch vụ loại bỏ carbon được bán ra, chỉ có 2% trong số đó sử dụng kỹ thuật EWR.

Tại Terradot, công ty sẽ sử dụng phương pháp lấy mẫu đất tại chỗ để đo thành phần hóa học của đất, nước suối, từ đó giúp xác định lượng carbon hấp thụ. Để giải quyết thách thức về đo lường, nhà đầu tư John Doerr nhấn mạnh vào việc gấp rút triển khai và hành động. Rải được càng nhiều đá nghiền thì kinh nghiệm đo lường sẽ ngày một chính xác hơn.

 Đá bazan được nghiền vụn và rải lên cánh đồng. Ảnh: GK Today.

Đá bazan được nghiền vụn và rải lên cánh đồng. Ảnh: GK Today.

Cát Ân

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ong-lon-cong-nghe-google-manh-tay-dau-tu-cho-ky-thuat-thu-giu-carbon-bang-da-nghien-95603.html