Bắc Giang: Siết chặt hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe ô tô

Với mục tiêu góp phần bảo đảm an toàn giao thông, thời gian gần đây, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bắc Giang tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các cơ sở đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học. Theo đó, các đơn vị tập trung trang bị đủ phương tiện, đổi mới một số nội dung đào tạo, đáp ứng yêu cầu học đủ chương trình, số giờ trước khi sát hạch.

Kịp thời chấn chỉnh vi phạm

Xác định công tác đào tạo, sát hạch bảo đảm chất lượng trước khi cấp GPLX ô tô là khâu quan trọng nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông nên thời gian gần đây, Sở GTVT thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm trong hoạt động này. Vừa qua, Sở GTVT phát hiện một số cơ sở đào tạo lái xe không đúng nội dung, chương trình theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Ánh Minh học trên cabin mô phỏng.

Học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Ánh Minh học trên cabin mô phỏng.

Ví như Trường Trung cấp Nghề số 1 Bắc Giang dạy bài “Tập lái ban đêm” cho một số học viên không đúng khung thời gian ban đêm, không bảo đảm các điều kiện và tình huống cần thiết của bài tập lái này vào ban đêm. Trong khi đó, việc lái xe ban đêm nguy hiểm hơn ban ngày rất nhiều do tầm nhìn hạn chế, ảnh hưởng đến việc kiểm soát cũng như khả năng điều khiển tay lái của tài xế.

Theo ngành chức năng, số vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm cao gấp 2-3 lần so với ban ngày. Đại diện Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT) thông tin, nếu không được học lái xe vào khung giờ ban đêm, học viên sẽ không được hướng dẫn thực hành bật đèn pha hay đèn cos khi lái xe ở các cung đường khác nhau, kỹ năng lái xe trong điều kiện trời mưa, cách xử lý ánh sáng trong xe vào ban đêm.

Đơn cử như khi đi trên đường trường, đường cao tốc có dải phân cách cao hơn tầm đèn xe hay trong khu vực vắng, đường thoáng có ít phương tiện qua lại, học viên phải được hướng dẫn dùng đèn pha để tăng khả năng quan sát tầm xa. Khi lái xe vào nội thành, khu dân cư, gặp xe đi ngược chiều, đường có dải phân cách thấp dưới tầm đèn xe hoặc được phân cách bởi vạch kẻ nét liền, nét đứt thì bật đèn cos…

Không chỉ Trường Trung cấp Nghề số 1 Bắc Giang, qua kiểm tra, Sở GTVT phát hiện Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Ánh Minh (Lạng Giang) cũng vi phạm với lỗi tương tự. Được biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đào tạo khoảng 500 học viên. Việc không tổ chức dạy bài “Tập lái ban đêm” theo đúng khung giờ quy định tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro khi học viên được cấp GPLX điều khiển phương tiện trên đường.

Lý giải về tình trạng này, ông Vy Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm cho biết, việc tổ chức dạy học vào ban đêm, nhiều học viên khó tham gia nên thời gian vừa qua Trung tâm không bố trí dạy đúng khung giờ. Giải thích như vậy chưa phù hợp bởi đây là bài học bắt buộc học viên phải hoàn thành trước khi tham gia sát hạch lái xe.

Với lỗi vi phạm như trên, Thanh tra (Sở GTVT) phạt mỗi đơn vị hơn 12 triệu đồng, đồng thời đình chỉ tuyển sinh 3 tháng, buộc khắc phục lỗi vi phạm.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Bà Đỗ Thị Lan, Phó Giám đốc điều hành Sở GTVT cho biết, để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, Sở yêu cầu các đơn vị vi phạm khắc phục khẩn trương các hạn chế; xem xét kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân, bộ phận được giao phụ trách công tác đào tạo.

Theo Sở GTVT, 5 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có khoảng 4,5 nghìn thí sinh dự các kỳ thi sát hạch lái xe ô tô các hạng, trong đó có 2,7 nghìn thí sinh được cấp GPLX, tỷ lệ đạt bình quân gần 60%.

Cùng với đó, Sở yêu cầu tất cả các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh thường xuyên nghiên cứu, nắm bắt và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về hoạt động đào tạo lái xe cơ giới đường bộ; chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước nếu để xảy ra vi phạm trong hoạt động này.

Đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp; bố trí giáo viên và xe tập lái tham gia dạy thực hành đúng xe, đúng giáo viên có tên trong kế hoạch đào tạo. Trường hợp thay thế giáo viên, thay xe tập lái hoặc tổ chức dạy, học bổ sung phải xây dựng kế hoạch điều chỉnh gửi về Sở GTVT để quản lý. Khi thực hành, giáo viên phải ngồi cạnh để bảo trợ tay lái cho học viên.

Hiện nay, toàn tỉnh có 5 cơ sở đào tạo và 2 trung tâm sát hạch lái xe ô tô thuộc địa bàn TP Bắc Giang, các huyện: Lạng Giang, Hiệp Hòa, Lục Nam. Năng lực đào tạo lái xe ô tô của các đơn vị này dao động từ 10-15 nghìn học viên/năm. Cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm tại các cơ sở đào tạo, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm quy định mới trong hoạt động dạy lái xe theo Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT ngày 22/4/2022 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Đó là lắp đặt thiết bị giám sát quãng đường và thời gian học thực hành lái xe trên đường giao thông công cộng để truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý, theo dõi.

Qua đó bảo đảm tất cả các học viên đều phải học thật, thi thật; đội ngũ giáo viên nâng cao trách nhiệm với nhiệm vụ được phân công. Đặc biệt, kể từ ngày 1/1/2023, các trung tâm, cơ sở đào tạo phải đầu tư thiết bị cabin tập lái để học viên học các bài cơ bản như: Cách vận hành số xe, lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch; làm quen với các bài về địa hình đường đồi núi, cao tốc…

Thực hiện quy định trên, từ giữa năm ngoái đến nay, mỗi đơn vị đã đầu tư hàng tỷ đồng lắp đặt thiết bị giám sát quãng đường và thời gian học thực hành lái xe trên đường giao thông công cộng. Đồng thời bố trí kinh phí mua cabin mô phỏng để nâng cao chất lượng đào tạo. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Ánh Minh đã dành gần 2 tỷ đồng mua 4 cabin mô phỏng; Trường Trung cấp nghề Xương Giang (Lục Nam) dành gần 1 tỷ đồng mua 2 cabin mô phỏng.

Cùng với siết chặt quản lý hoạt động đào tạo, thời gian qua, Sở GTVT chỉ đạo các trung tâm sát hạch đầu tư lắp đặt thiết bị chấm điểm tự động trên sân và trên xe; hệ thống camera, thiết bị lưu trữ hình ảnh, âm thanh trên ô tô sát hạch kết nối với các màn hình theo dõi để công khai quá trình và kết quả sát hạch lái xe. Qua đó nhằm ngăn việc thi hộ, đánh tráo thí sinh…Với cách làm này, chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe ngày càng được nâng cao.

Theo Sở GTVT, 5 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có khoảng 4,5 nghìn thí sinh dự các kỳ thi sát hạch lái xe ô tô các hạng, trong đó có 2,7 nghìn thí sinh được cấp GPLX, đạt bình quân gần 60%.

Minh Linh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/406509/bac-giang-siet-chat-hoat-dong-dao-tao-sat-hach-lai-xe-o-to.html