Bắc Giang thu ngân sách đạt hơn 16.000 tỷ, vượt gần 30% dự toán
Ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đến ngày 25/12/2023 đạt 16.141,4 tỷ đồng, vượt 27% dự toán Trung ương giao; vượt 7,4% dự toán tỉnh giao, bằng 94,6% so cùng kỳ.
Theo ông Phan Thế Tuấn, tại Bắc Giang do tác động của chính sách tài chính thắt chặt và thị trường bất động sản trầm lắng, dẫn đến một số dự án đầu tư gặp khó khăn về tài chính; số lượng giao dịch chuyển nhượng bất động sản giảm mạnh, các dự án mới chững lại do thiếu nguồn vốn.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đến ngày 25/12/2023 đạt 16.141,4 tỷ đồng, vượt 27% dự toán Trung ương giao; vượt 7,4% dự toán tỉnh giao, bằng 94,6 so cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 14.478 tỷ đồng, vượt 34% dự toán Trung ương giao; vượt 10,3% dự toán HĐND tỉnh giao; thu thuế xuất nhập khẩu khoảng 1.663,4 tỷ đồng, đạt 87,5% dự toán.
Chi ngân sách địa phương năm 2023 cơ bản theo dự toán được giao, đáp ứng kịp thời nhu cầu các khoản chi cho con người; chi nghiệp vụ chuyên môn; chi an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp thiết khác. Ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2023 toàn tỉnh đạt 96,8% kế hoạch.
Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, một số chỉ tiêu thu đạt thấp so với dự toán như thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương; lệ phí trước bạ; thuế bảo vệ môi trường.
Dự báo năm 2024, kinh tế vĩ mô nói chung còn phải đối mặt với nhiều thách thức, Phó chủ tịch Bắc Giang cho hay, Bắc Giang sẽ bám sát nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tập trung tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc; thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở để tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Chú trọng công tác phân tích, dự báo những tác động ảnh hưởng tăng, giảm đến nguồn thu trên địa bàn, gắn với việc đánh giá tăng trưởng kinh tế; thường xuyên kiểm tra rà soát, đánh giá, phân tích làm rõ nguyên nhân khoản thu còn thất thu, khoản thu đạt thấp, khoản thu còn tiềm năng để có biện pháp quản lý hiệu quả, đề ra các giải pháp tăng thu nhằm bù đắp các khoản thu sụt giảm.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu, trốn lậu thuế và đẩy mạnh công tác quản lý nợ đọng thuế; nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất.
Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực. Đẩy mạnh cải cách hành chính để tối giản hóa các quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong quá trình sản xuất, kinh doanh.