Bắc Giang thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường
Nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững của địa phương, những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa và quyết liệt thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Phụ nữ huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang hướng dẫn bà con phân loại rác
Trong đó, đề án "Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định" trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.
Bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang đã có những chia sẻ về Đề án này.
Được biết, tỉnh Bắc Giang đã có chỉ đạo Hội LHPN triển khai Đề án "Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định" trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Xin bà cho biết những nội dung đáng chú ý?
Nhằm huy động sự vào cuộc, phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh xây dựng 5 đề án trình UBND tỉnh ban hành để tổ chức thực hiện; trong đó, Hội LHPN tỉnh được giao xây dựng và thực hiện Đề án "Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025".
Đề án có ý nghĩa, vai trò quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân trong tham gia bảo vệ môi trường, giúp thay đổi từ nhận thức thành hành động cụ thể trong công tác thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định; tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong thời gian qua, các cấp, các ngành, đặc biệt là Hội LHPN các cấp đã có sự vào cuộc quyết liệt, triển khai thực hiện các nội dung của Đề án bảo đảm đồng bộ, sâu rộng và bước đầu có hiệu quả:
- Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định được triển khai thực hiện thường xuyên, đang dần tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng.
- Đã tập trung vào một số điểm nhấn, xây dựng, triển khai, nhân rộng những mô hình hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng, tham gia của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
- Triển khai thực hiện Đề án gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua, như: Phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2022-2025, Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh... nhằm huy động rộng rãi sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, các cấp Hội và đông đảo hội viên.
Xin bà cho biết kết quả từ công tác thu gom, phân loại rác thải, góp phần bảo vệ môi trường do các cấp Hội phụ nữ triển khai?
Trong khuôn khổ Đề án, các cấp Hội phụ nữ toàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp; đặc biệt vào các dịp hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường, Chiến dịch cao điểm vệ sinh môi trường…
Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức cho 228.386 hộ gia đình hội viên phụ nữ ký cam kết thực hiện vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, đổ rác đúng quy định; tổ chức 16.256 cuộc ra quân, vệ sinh môi trường; thu gom 2.243 tấn rác thải, phân loại và bán rác tái chế được 2,14 tỷ đồng gây quỹ và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp xây dựng hơn 1.000 bể chứa, hố xử lý rác hữu cơ tự hủy.
Bước đầu góp phần hạn chế tình trạng phát thải chất thải rắn ra môi trường, tiết kiệm nguồn lực, chi phí thu gom, xử lý rác thải, cải tạo môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Những hoạt động trên của Hội LHPN các cấp được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao. Đây là những hoạt động thiết thực phát huy vai trò của tổ chức Hội LHPN trong tham gia xây dựng nông thôn mới.
Theo bà, vấn đề khó giải quyết nhất đối với Đề án hiện nay là gì? Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc?
Vấn đề khó nhất đối với Đề án đó là làm thế nào để thay đổi được nhận thức, ý thức, thay đổi hành vi của đông đảo người dân, của cộng đồng dân cư trong việc thu gom, phân loại, đổ rác thải đúng quy định, bảo vệ môi trường và bảo vệ cảnh quan nơi mình sinh sống. Từ đó duy trì, phát huy hiệu quả lâu dài, tạo thói quen tốt, khắc phục thói quen xấu trong việc bảo vệ môi trường của đông đảo người dân.
Ngoài ra, việc triển khai thực hiện Đề án còn tồn tại một số hạn chế như sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số địa phương, cơ sở chưa thực sự sâu sát, chưa có sự đeo bám, kiểm tra, giám sát thường xuyên; Nhận thức, kiến thức của một bộ phận hội viên phụ nữ và người dân còn hạn chế, chưa có thói quen phân loại các loại rác thải hữu cơ, vô cơ, tái chế; Việc thực hành phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình hội viên phụ nữ đa phần mới thực hiện đối với rác thải có khả năng tái sử dụng, tái chế.
Những hạn chế này, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng văn bản để tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, với các ngành chức năng để khắc phục trong thời gian tới.
Trong năm 2023 và thời gian tiếp theo, tỉnh Bắc Giang có kế hoạch, lộ trình triển khai như thế nào để đạt kết quả tốt hơn, sau 1 năm thực hiện và rút kinh nghiệm, thưa bà?
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện và rút kinh nghiệm, thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là Hội LHPN tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả thực chất các nội dung, mục tiêu của Đề án; trong đó tập trung vào số nội dung như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể trong triển khai thực hiện Đề án; Không ngừng đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò của bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định.
Đồng thời, tập trung đẩy mạnh hệ thống thông tin, tuyên truyền tại cơ sở. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên có đủ kiến thức và kỹ năng vận động, huy động phụ nữ, cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác thu hút, tập hợp hội viên, Nhân dân tham gia xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong bảo vệ môi trường. Tổ chức các phong trào thi đua, hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các chủ thể triển khai mô hình, tổ tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định.