Bắc Giang: Tuyên truyền, hạn chế rủi ro từ giao dịch quét mã QR tại các cơ sở y tế
Trước tình trạng một số đối tượng lừa đảo dán đè mã QR cá nhân lên mã thanh toán của bệnh viện tại Hà Nội để chiếm đoạt tiền của người dân khi sử dụng hình thức thanh toán này, các cơ sở y tế trong tỉnh Bắc Giang đã thực hiện một số giải pháp nhằm hạn chế rủi ro.
Thông tin từ Sở Y tế, hiện tình trạng lừa đảo dán đè mã QR nhằm chiếm đoạt tiền của người bệnh, người nhà người bệnh chưa xuất hiện tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, để hạn chế rủi ro, Sở yêu cầu các cơ sở y tế rà soát tất cả mã QR thanh toán của đơn vị, khi phát hiện các mã QR có dấu hiệu nghi vấn phối hợp với cơ quan công an xử lý.
Tích cực phổ biến, hướng dẫn gia đình người bệnh thực hiện đúng quy định về thanh toán viện phí, nhất là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tăng cường lực lượng bảo vệ, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự tại bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh và khu vực xung quanh; phòng ngừa, phát hiện các loại tội phạm (trộm cắp, móc túi, lừa đảo). Thường xuyên kiểm tra khu vực dán, đặt bảng quét mã QR.
Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang đang triển khai thanh toán viện phí và các giao dịch khác không dùng tiền mặt qua mã QR và thẻ POS (máy cà thẻ ngân hàng). Theo lãnh đạo Bệnh viện, đơn vị không dán mã QR ở bên ngoài mà nhân viên sẽ đưa bảng mã cho người bệnh, người nhà bệnh nhân sử dụng khi thanh toán nhằm tránh nhầm lẫn hoặc bị kẻ gian lợi dụng.
Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện: Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng đã phân công cán bộ rà soát các mã QR, số tài khoản niêm yết tại bệnh viện. Đồng thời yêu cầu bộ phận thu ngân nhắc nhở người dân kiểm tra kỹ các thông tin trước khi chuyển tiền thanh toán.
Hiện nay, quét mã QR để thanh toán rất phổ biến tại Việt Nam. Thay vì nhập tên ngân hàng, số tài khoản, xác minh tên người thụ hưởng, người dùng chỉ cần quét mã QR là thông tin tự động được điền, giúp cho việc thanh toán nhanh chóng, thuận tiện. Theo Sở Y tế, hiện toàn tỉnh có 24/24 cơ sở khám, chữa bệnh lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán viện phí và các giao dịch khác không dùng tiền mặt; trong đó có 23 đơn vị dùng mã QR. Ngoài ra, một số đơn vị chấp nhận thanh toán qua ứng dụng mobile money, thẻ POS, thanh toán bằng chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát sinh hơn 690 nghìn lượt giao dịch thanh toán viện phí, dịch vụ y tế và các giao dịch khác, chiếm tỷ lệ 86,16% (vượt 36,16% kế hoạch UBND tỉnh giao). Tổng giá trị thanh toán theo hình thức không dùng tiền mặt là hơn 388 tỷ đồng.
Không chỉ tại các cơ sở y tế, việc dán đè mã QR khiến tiền chuyển về tài khoản kẻ gian cũng diễn ra tại một số cửa hàng kinh doanh trên cả nước. Trước thực trạng này, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị người dùng cần thận trọng trước khi quét mã QR, đặc biệt cảnh giác với các mã QR được dán hoặc chia sẻ ở những nơi công cộng hoặc gửi qua mạng xã hội, email. Người dùng cũng cần xác định và kiểm tra kỹ thông tin tài khoản người trao đổi mã QR.
Tin, ảnh: Khôi Nguyên