Bắc Giang: Xây dựng tổ chức hội phụ nữ vững mạnh từ cơ sở
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm xây dựng và phát triển tổ chức hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh Bắc Giang đã tích cực củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động; vận động phụ nữ tham gia sinh hoạt, hưởng ứng các phong trào thi đua mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Nâng cao năng lực cán bộ cơ sở
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XVI, Hội LHPN tỉnh xác định việc nâng cao năng lực cán bộ hội cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chỉ đạo hệ thống hội triển khai hoạt động tại từng đơn vị, địa phương gắn với phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” và các cuộc vận động, chương trình mục tiêu quốc gia.
Năm 2022, các cấp hội đã phối hợp, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 1,6 nghìn cán bộ hội chuyên trách cấp huyện, chủ tịch, phó chủ tịch Hội LHPN xã, phường, thị trấn và chi hội trưởng phụ nữ thôn, tổ dân phố. Nội dung tập huấn nhằm giúp cán bộ hội có phương pháp nắm bắt, phản ánh, giải quyết các vấn đề của hội viên ngay tại cơ sở; trang bị kỹ năng vận động, tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên; công tác xây dựng, củng cố tổ chức và phát huy vai trò của hội viên nòng cốt.
Tại huyện Sơn Động, số hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số chiếm gần 50%, đời sống của một bộ phận không nhỏ chị em còn khó khăn, mang tư tưởng tự ti, mặc cảm. Để khắc phục tình trạng này, Hội LHPN huyện đẩy mạnh tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cán bộ cơ sở; tư vấn, hỗ trợ để chị em nhận thức được quyền lợi của hội viên, hăng hái tham gia tổ chức hội.
Chị Nguyễn Thị Như, dân tộc Tày ở thôn Hiệp Reo, xã Vĩnh An cho biết: “Ban đầu tôi không mặn mà tham gia các hoạt động của phụ nữ vì nghĩ sẽ mất thời gian. Khi được phổ biến về quyền lợi của mình, sự bảo vệ, hỗ trợ của tổ chức hội đối với phụ nữ, trẻ em, tôi đã gia nhập tổ chức. Tôi đã được hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng kết hợp nấu rượu cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm". Được biết, năm 2022, các cấp hội phụ nữ huyện Sơn Động đã phối hợp, vận động, hỗ trợ 78 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo. Với những nỗ lực trong triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, tỷ lệ phụ nữ tham gia hội tại huyện Sơn Động tăng từ 56% lên 65%. Nhận thức hội viên phụ nữ từng bước thay đổi, đời sống hội viên vùng đồng bào dân tộc được cải thiện.
Tại xã Ngọc Lý (Tân Yên), một trong những cách làm giúp tổ chức hội phụ nữ xã luôn đoàn kết, đi đầu trong các phong trào thi đua là quan tâm, thực hiện tốt công tác cán bộ. Chi hội trưởng các chi hội phải là người có uy tín, sôi nổi, tâm huyết với công tác, do hội viên lựa chọn bầu. Để nâng cao năng lực cho cán bộ hội cơ sở, hằng năm, Hội LHPN xã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, văn bản mới về những chương trình, đề án của phụ nữ, các quy định pháp luật về bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, Hội LHPN xã bố trí cán bộ thường xuyên có mặt tại cơ sở để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và hướng dẫn các chi hội xây dựng nội dung sinh hoạt phong phú, phù hợp với từng độ tuổi, sở thích và nghề nghiệp của chị em. Các hoạt động đó đã giúp hội viên phụ nữ xích lại gần nhau hơn, nâng cao tinh thần đoàn kết, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ KT-XH địa phương.
Bảo vệ quyền lợi hội viên
Với phương châm “ở đâu có phụ nữ, ở đó có tổ chức hội”, các cấp hội tập trung các giải pháp thu hút phụ nữ tham gia tổ chức hội. Năm 2022, toàn tỉnh kết nạp mới gần 5 nghìn hội viên. Tỷ lệ tập hợp phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức hội đạt hơn 60%. Các cấp hội đã tích cực giúp đỡ, giới thiệu 243 hội viên nữ để kết nạp vào Đảng và phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức giám sát việc thi hành một số quy định pháp luật về bình đẳng giới, công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Qua đó phát huy vai trò phụ nữ trong giám sát, phản biện xã hội, phát triển kinh tế. Đặc biệt là góp ý xây dựng chính quyền, chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình "no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc".
Năm 2022, toàn tỉnh kết nạp mới gần 5 nghìn hội viên. Tỷ lệ tập hợp phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức hội đạt hơn 60%. Các cấp hội đã phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cho hơn 1,6 nghìn cán bộ hội chuyên trách các cấp; bồi dưỡng, giới thiệu 243 hội viên nữ để kết nạp vào Đảng.
Với quyết tâm xây dựng tổ chức hội ngày một phát triển, việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế cũng được Hội LHPN các cấp quan tâm. Trong đó, Hội LHPN tỉnh tập trung triển khai Đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Đồng thời chỉ đạo các cấp hội xác định các vấn đề ưu tiên thực hiện bám sát nhiệm vụ công tác hội và định hướng phát triển của địa phương. Từ đó linh hoạt, sáng tạo trong lựa chọn giải pháp, xây dựng mô hình phù hợp để hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng tổ chức ngày một lớn mạnh. Bên cạnh hỗ trợ kinh tế, tại nhiều địa phương, việc nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên cũng được Hội LHPN các cấp tích cực triển khai. Điển hình như CLB dân vũ làng Thễ, xã Tân Trung (Tân Yên); CLB thêu ren dân tộc Dao; hát Then, đàn Tính, Soong hao dân tộc Tày, Nùng (Sơn Động)...
Bà Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: "Để xây dựng tổ chức hội cơ sở vững mạnh, chúng tôi chỉ đạo tập trung thực hiện các giải pháp bảo vệ quyền lợi cho hội viên như giám sát việc thực hiện các chính sách có liên quan đến bình đẳng giới và hoạt động hội. Đồng thời chỉ đạo các hội địa phương chủ động phối hợp, đề xuất với cấp ủy, chính quyền tổ chức đối thoại lắng nghe, giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ, tạo thuận lợi cho phụ nữ trong tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua ở cơ sở".
Bài, ảnh: Ngọc Anh