Bác Hồ giáo dục Quân đội anh hùng

Năm 1944, Bác Hồ chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của QĐND Việt Nam ngày nay. Ngay từ ngày ra đời, Bác Hồ đã giáo dục, rèn luyện Quân đội ta trở thành Quân đội anh hùng, vì nhân dân mà chiến đấu, bảo vệ nền độc lập của nước nhà, góp phần vào hòa bình thế giới.

Bác Hồ đến thăm đơn vị không quân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: Tư liệu

Bác Hồ đến thăm đơn vị không quân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: Tư liệu

Trong chỉ thị của Bác Hồ đã toát lên phương pháp, chiến thuật quân sự linh hoạt và tầm nhìn lớn về một đạo quân bách chiến bách thắng: “... Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung. Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”[1].

Vũ trang toàn dân

Trận mở màn đầu tiên, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, với quân số 34 người, dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Võ Nguyên Giáp, nghiên cứu kỹ địa hình, cách bố phòng quân địch và dốc toàn sức đánh thẳng vào quân Pháp ở đồn Phai Khắt, Nà Ngần thắng lợi.

Theo chỉ thị của Bác Hồ, vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Bác Hồ là nhà quân sư, người thầy giảng dạy tấn công địch đầu tiên của Quân đội ta: “Khéo dùng binh thì thắng được quân địch mà không phải đánh. Lấy được thành địch mà không phải vây. Hủy được nước địch mà không phải đánh lâu. Vậy nên không hao tốn binh lính mà thắng lợi hoàn toàn. Cho nên phép dùng binh: Lúc đánh thành, sức ta gấp 10 địch, thì vây nó. Gấp 5 thì đánh nó. Gấp 2 thì chia hai mặt đánh nó. Lúc đánh nơi khác: Sức ngang nhau thì đánh. Ta kém địch thì giữ. Ta kém quá, thì tránh nó. Cho nên, nếu sức ta kém địch mà cứ đánh liều thì chắc thất bại”[2].

Một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu đã nhanh chóng trưởng thành như vũ bão, cùng với nhân dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tháng 9/1946, gần hai năm thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Bác Hồ có bài viết Lục quân ngày nay với các binh khí, hướng đến đội quân hiện đại: “Nói đến công binh, có người cho là những người lính vác cuốc xẻng đi đào hào, đắp ụ, bắc cầu, xây cống. Đó là những công binh về thời trước. Còn công binh ngày nay phải hiểu biết những kỹ thuật về chiến tranh, phải là những đội quân cơ giới hóa biết dùng máy móc chạy bằng điện để kiến thiết trận địa, đào đường hầm, phá hủy những chướng ngại vật trên cạn, dưới nước. Ngoài ra, công binh còn phải bắc dây điện tín, điện thoại, đặt máy vô tuyến điện, đặt đường sắt, bắc cầu qua sông...”[3].

Đây là tầm nhìn rất lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đội quân “đàn anh” ban đầu, đi đến đâu được nhân dân bổ sung thêm lực lượng và trưởng thành, lớn mạnh trên các chiến dịch. Có rất nhiều “đàn em” đã ra đời và chiến đấu ngoan cường ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ... Đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1953-1954), có làng loạt “đàn em” được thành lập, là các đại đoàn quân chủ lực đánh bao vây toàn bộ quân Pháp ở lòng chảo Điện Biên Phủ.

Tướng phải đủ: Trí, tín, nhân, dũng, nghiêm

Suốt cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân noi theo. Sinh thời, Người đã dành nhiều thời gian để uốn nắn, giảng dạy, huấn luyện... cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Không biết từ bao giờ, trong dân đã lan truyền câu nói thân thương “Bộ đội Cụ Hồ”. Có lẽ vì Bác dạy bộ đội giống như cha dạy con, đặc biệt các cấp chỉ huy trong quân đội được Người dạy kiến thức quân sự, tài cầm quân, đối nhân xử thế...

Về đạo đức, Bác Hồ dạy: “Là tướng, tướng phải có mưu trí, phải được người ta tin cậy, phải tốt với dân và lính, phải gan góc, phải có thái độ nghiêm trang và kỷ luật tề chỉnh. Tướng phải đủ: Trí, tín, nhân, dũng, nghiêm”[4].

Người chỉ ra 5 điều mà biết sự thắng lợi: Tướng biết có thể đánh và không thể đánh. Tướng biết cách dùng chủ lực và bộ phận của bộ đội. Trên dưới đồng lòng. Ta luôn luôn chuẩn bị để chờ dịp địch không chuẩn bị sẽ tấn công. Tướng giỏi mà chúa cho tướng rộng quyền. Cho nên: Biết sức ta, biết sức địch thì trăm trận đều thắng. Biết sức ta, mà không biết sức địch thì 1 thắng 1 bại. Không biết ta, không biết địch thì trận nào cũng thua.

Tư tưởng “Tướng giỏi mà chúa cho tướng rộng quyền” được Bác Hồ thực hiện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước ngày lên đường đi Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyệt đối tin tưởng và giao quyền cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”[5]. Bác Hồ nhắc Đại tướng: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tuân lệnh Bác Hồ, chỉ huy Quân đội cùng với nhân dân làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Để đánh lại siêu cường kinh tế, quân sự như Mỹ, Bác Hồ tập hợp sự đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Với tầm nhìn xa, Người đã chỉ thị mở tuyến đường Trường Sơn, trở thành con đường kỳ vĩ, thiên la địa võng, nối từ hậu phương lớn miền Bắc với các chiến trường miền Nam. Bác vạch ra cách thức đánh Mỹ và thắng Mỹ, cả trên mặt trận ngoại giao và chiến trường. Chẳng hạn, từ năm 1967, Bác Hồ đã yêu cầu Quân đội phải có phương án học cách đánh máy bay B52 của Mỹ, đề phòng Mỹ sử dụng máy bay B52 tấn công Hà Nội và miền Bắc. Chấp hành chỉ thị của Bác, Bộ Quốc phòng đã cử những đơn vị tên lửa, radar bí mật hành quân vào vùng “đất lửa” Quảng Bình, Quảng Trị, nghiên cứu, đánh thử nghiệm máy bay B52.

Tháng 12/1972, Mỹ mở cuộc tập kích vào Hà Nội và một số vùng lân cận bằng không quân chiến lược B52. Mỹ đã thua đau trên bầu trời Hà Nội, buộc phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Paris vô điều kiện vào tháng 1/1973, rút toàn bộ quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam.

Bác Hồ dạy đánh du kích: “Đánh du kích phải hiểu rõ tình hình quân thù, chỗ quân thù mạnh mình không dại gì tiến đánh, chỉ nhằm chỗ yếu của nó mà đánh, lúc nhằm đánh vào chỗ nào, mình phải lừa quân thù không chú ý phòng bị chỗ ấy mà lại phòng bị chỗ khác, nghĩa là náo phía Đông đánh phía Tây”. Trong Chiến dịch Tây Nguyên mùa Xuân năm 1975, Quân đội ta đã thành công trong nghi binh lừa địch, khiến địch dồn quân về phía Bắc Tây Nguyên án giữ. Bộ Chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên tập trung lực lượng cơ động bất ngờ tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột (phía Nam Tây Nguyên). Địch bị rơi vào thế rối loạn, ta nhanh chóng giải phóng toàn bộ Tây Nguyên.

-------

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 1995, tập 3, trang 507-508.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 1995, tập 3, trang 291-292.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 1995, tập 4, trang 291 - 292.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 1995, tập 3, trang 514.

[5] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Nhà xuất bản QĐND năm 2000, trang 65.

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bac-ho-giao-duc-quan-doi-anh-hung-post482224.html