Bác Hồ làm báo tại Thái Lan để tuyên truyền kiều bào yêu nước
Từ lúc mới bước chân sang Pháp tìm đường cứu nước lấy tên Nguyễn Ái Quốc, Bác Hồ đã tham gia sáng lập ra tờ báo La Paria (Người Cùng Khổ). Và cho đến sau này đã có nhiều tờ báo được Bác sáng lập và tham gia sáng lập, nhưng đối với kiều bào Thái Lan thì tờ Thân Ái là tờ báo để lại dấu ấn lớn nhất.
Hình ảnh Bác Hồ luôn xuất hiện trong đời sống hằng ngày, trong câu chuyện của kiều bào Thái Lan. Trong tất cả những câu chuyện đó có chuyện Bác Hồ làm báo để tuyên truyền, vận động Nhân dân vẫn được họ nhắc mãi.
Chiều muộn trong Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Hữu Nghị Việt Thái ở bản Nachok, tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan) chúng tôi cùng nhau thăm lại những kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn lưu lại trong khoảng thời gian Người sinh sống và làm việc tại đây.
Với lối nói tiếng Việt giọng Bắc Trung Bộ đặc trưng của hầu hết mọi Việt kiều vùng Isan (Đông Bắc Thái Lan), anh Duyến người trong Ban Quản lý Khu lưu niệm, kể về những câu chuyện được nghe từ ông bà, cha mẹ về quảng thời gian Bác Hồ đến sinh sống và hoạt động tại vùng này.
Anh kể, sau khi phong trào Đông Du bị đàn áp ở Nhật Bản, nhiều nhân sĩ trí thức như cụ Đặng Thúc Hứa được cụ Phan Bội Châu cử sang Xiêm (Thái Lan) để xây dựng cơ sở cách mạng mở đầu cho phong trào Tây Du (1909-1924).
Cũng trong giai đoạn này, do tình hình ở Trung Quốc rất phức tạp, Chính phủ Quốc dân Đảng lùng sục gắt gao để bắt cán bộ của ta nên Tổng bộ Hội Thanh niên đã chỉ đạo các lớp huấn luyện chính trị dài hạn ở Quảng Châu chuyển sang Xiêm để tiếp tục học tập cho hết chương trình cũng như mở thêm các khóa mới.
Trong thời gian sang Xiêm để vận động cách mạng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã gặp cụ Đặng Thúc Hứa và các hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở đây. Tại đây, Người đã thành lập tờ báo Thân Ái.
Thái Lan nơi có nhiều Việt kiều sinh sống, phần đông là nông dân, thợ thủ công và những người buôn bán nhỏ. Cho tới cuối những năm 20 của thế kỷ XX, Việt kiều ở Thái Lan có khoảng 5 vạn người. Họ sống quần tụ thành làng xóm ở vùng Đông Bắc Thái Lan. Hội Thân Ái là một tổ chức quần chúng rộng rãi của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mục đích đoàn kết Việt kiều và đoàn kết giữa người Việt với người Thái; nhắc nhở kiều bào yêu Tổ quốc và giúp kiều bào học chữ Quốc ngữ.
Cuối năm 1926, tờ báo Đồng Thanh - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Thái Lan ra đời, báo chữ Quốc ngữ dành cho người Việt Nam đầu tiên tại đây. Tờ báo in thô trên khuôn thạch, phát hành bằng cách nhân bản sao chép tay rồi chuyển tới người có trách nhiệm đọc cho bà con Việt kiều nghe. Đây là cách làm rất sáng tạo và độc đáo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Nó phù hợp với hoàn cảnh và dân trí của kiều bào ta lúc bấy giờ. Là cách tuyên truyền dễ và nhanh đến với mọi tầng lớp nhân dân ở đây.
Một người quen khác của tôi ở đây là một người Thái Lan gốc Việt, Tiến sĩ Suriya Khamwan, giảng viên Trường Đại học Nakhon Phanom (tên Việt Nam là Vũ Đình Phú) - một người nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở đây. Là người có nhiều công trình nghiên cứu về cộng đồng người gốc Việt tại Thái Lan, đặc biệt là những hoạt động của Bác Hồ tại Thái Lan, nhất là những hoạt động báo chí của Bác.
Sau mấy cuộc hẹn không thành do bận giảng dạy, một sáng Chủ nhật, chúng tôi mới có dịp ngồi lại cùng nhau nhâm nhi cốc cà phê bên cạnh Tượng đài lưu niệm. Năm 1960, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, Việt kiều ở đây đã hồi hương về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước khi rời đi, bà con đã góp công, góp của xây nên tượng đài này để cảm ơn đất nước Thái Lan đã cưu mang mình. Khi được hỏi cảm nhận của mình về hoạt động báo chí của Bác nhân Ngày truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam, Tiến sĩ Suriya Khamwan nói: Dưới sự lãnh đạo của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, cộng đồng người Việt tại Xiêm được tập hợp lại trong Hội Việt kiều Thân Ái. Năm 1928, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ châu Âu đến hoạt động tại Thái Lan với bí danh là Thầu Chín.
Sau này, Trần Dân Tiên trong sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” đã viết: “Ngoài việc cuốc đất, đi buôn, ông Nguyễn còn làm công việc tuyên truyền và tổ chức”. “Hội Thân Ái Việt Nam” thành lập, một tờ tuần báo Thân Ái được xuất bản.
Như vậy có thể khẳng định, Bác Hồ luôn coi trọng việc sử dụng tờ báo để tuyên truyền lòng yêu nước và xây dựng sự đoàn kết trong cộng đồng Việt kiều bất cứ ở nơi nào và trong đó có cộng đồng Việt kiều tại Thái Lan.
Nghệ thuật tuyên truyền của Thầu Chín còn được thể hiện qua vở kịch yêu nước do Tổ văn nghệ Việt kiều Sakon Nakhon trình diễn vào đầu năm 1929, khi Bác đã sáng tác bài ca Trần Hưng Đạo theo thể song thất lục bát với nội dung: Diên Hồng thề trước thánh minh/ Lòng dân đã quyết hy sinh rành rành/ Nếu ai muốn đến giành đất Việt/ Đưa dân ta ra giết sạch trơn/ Một người Việt hãy đương còn/Thì non sông Việt vẫn non song nhà.
Nói chuyện với tôi, Tiến sĩ Suriya Khamwan khẳng định: “Qua những nội dung được trình bày ở phần trên, chúng ta có thể khẳng định vai trò quan trọng của Bác Hồ trong việc tuyên truyền lòng yêu nước cho cộng đồng Việt kiều tại Thái Lan thông qua hoạt động báo chí”.
Thật vậy, qua tình cảm kính mến mà kiều bào ở Thái Lan dành cho Bác chúng ta thấy rằng, bằng báo chí và qua báo chí, Bác đã truyền cảm hứng cho người dân Việt Nam dù ở đâu cũng đoàn kết đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và áp bức.
Những nỗ lực của Người trong việc xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành câu chuyện về cách mạng Việt Nam và truyền cảm hứng cho người dân Việt Nam đoàn kết đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, áp bức và xây dựng đất nước phồn vinh.