Trao truyền 'lửa nghề'
Ngày 9/7/2022 là một ngày đáng nhớ của nhiều chị em làng Phung (xã Biển Hồ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) bởi đây là ngày Câu lạc bộ dệt thổ cẩm chính thức ra mắt. Niềm vui thắp lại nghề truyền thống của đồng bào Gia Rai khiến nhiều người không khỏi rưng rưng...
Với phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số Gia Rai, nghề dệt thổ cẩm có ý nghĩa rất đặc biệt, bởi đó là nghề của tổ tiên, là đặc sắc văn hóa của dân tộc. Thế nhưng trước “cơn lốc” của cơ chế thị trường, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bà con đứng trước nhiều khó khăn thử thách. Sản phẩm làm ra tốn nhiều công sức, giá thành lại cao nên không phải ai cũng có điều kiện để mua sắm. Như một bộ trang phục truyền thống dành cho nữ, giá thành có thể lên tới 3-4 triệu đồng. Trong khi đó các sản phẩm may công nghiệp hình thức na ná lại có giá thành rẻ hơn rất nhiều lần. Từ đây khiến nhiều bà con lựa chọn hàng giá rẻ để phù hợp với khả năng chi tiêu của mình, song cũng khiến cho nghề dệt truyền thống không khỏi lao đao.
Thị trường ngày càng thu hẹp, sản phẩm làm ra khó bán, số nghệ nhân của nghề dệt tuổi ngày càng cao trong khi tìm được người trẻ theo học để nối nghề ngày càng khó như “hái sao trên trời”. Nhiều nghệ nhân làng nghề đã rất lo ngại trước nguy cơ lụi tàn của nghề truyền thống nên đã quyết họp nhau lại, tìm cách gỡ khó.
Ngày 9/7/2022, Câu lạc bộ dệt thổ cẩm làng Phung chính thức ra mắt với 23 thành viên đều là những phụ nữ có tay nghề giỏi trong làng. Câu lạc bộ được thành lập theo Quyết định ngày 17/6/2022 của Hội phụ nữ xã Biển Hồ. Nghệ nhân Rơ Lan Pel được chị em tin tưởng bầu làm chủ nhiệm câu lạc bộ.
Không chỉ tập hợp các chị em tâm huyết với nghề, mong muốn của các thành viên câu lạc bộ là tạo ra một sinh khí mới cho nghề dệt truyền thống. Theo đó các chị em cùng nhau tạo ra các sản phẩm chất lượng, tìm kiếm mở rộng thị trường; tích cực truyền nghề, thu hút người trẻ tham gia, góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống; đồng thời giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có công việc thường xuyên, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Nhà nghệ nhân Pel được sửa sang một phần diện tích để thành gian trưng bầy các sản phẩm của câu lạc bộ. Được sự tư vấn, hỗ trợ của một số nhà nghiên cứu văn hóa, không gian trưng bày được sắp đặt mang tính nghệ thuật. Ở đó bên cạnh việc giới thiệu các sản phẩm dệt tiêu biểu như vải, quần áo, các vật dụng khác như túi, ví, gối, khăn,... mà điểm nhấn ấn tượng nhất chính là bộ khung dệt để du khách chiêm ngưỡng và được chính các nghệ nhân hướng dẫn thực hành, trải nghiệm nghề dệt truyền thống của đồng bào Gia Rai.
Dần dần Câu lạc bộ dệt làng Phung đã dần trở thành điểm đến văn hóa thu hút khách du lịch. Các sản phẩm được bày bán với số lượng ngày càng tăng, thu nhập của các thành viên trong câu lạc bộ ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên hiện nay lượng khách du lịch tìm đến làng Phùng còn chưa xứng với tiềm năng của địa phương. Các thành viên trong câu lạc bộ vẫn vừa làm nông nghiệp vừa duy trì nghề dệt.
Mỗi khi có đơn hàng, chủ nhiệm câu lạc bộ sẽ tập hợp chị em để phân công nhiệm vụ, chị em cùng nhau thực hiện. Hàng tháng câu lạc bộ cùng nhau sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như các tạo ra những mẫu hoa văn mới vì thế chị em ai cũng rất hào hứng. Vì “hữu xạ tự nhiên hương”, việc cải thiện sản phẩm của Câu lạc bộ cùng với việc thúc đẩy quảng bá sẽ giúp cho sản phẩm được nhiều người yêu thích và tìm đến đông hơn.
“Lửa nghề” trao truyền cho thế hệ trẻ
Tại câu lạc bộ dệt làng Phung, bên cạnh các nghệ nhân lớn tuổi còn có sự góp mặt của những người trẻ. Tiêu biểu có thể kể đến như chị Ngân (sinh năm 1999), chị Rơ Lan Han (sinh năm 1995),... Hai chị đều được truyền “lửa nghề” từ chính mẹ mình. Chị Rơ Lan Han là con gái duy nhất của nghệ nhân Rơ Lan Pel - chủ nhiệm câu lạc bộ.
Rơ Lan Han tâm sự, khi mới 12 tuổi, được mẹ truyền dạy, chị đã có tình yêu với nghề dệt nên mỗi khi đi học về chị rất thích ngồi vào khung dệt, được mẹ “cầm tay chỉ việc” học cách dâng chỉ, tạo ra những hoa văn đầu tiên. Chị thích nhất là hoa văn groong lek. Càng lớn lên, chị nhận thấy sự đam mê với nghề dệt truyền thống càng mãnh liệt, vì thế, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Gia Lai, Rơ Lan Han chị quyết định quay trở về làng gắn bó với nghề dệt vào cuối năm 2019. Chị khoe hiện mình đã có thể tạo được trên 5 hoa văn.
Chị Han chia sẻ mỗi mảnh vải được tạo nên thể hiện rất rõ trình độ và tâm hồn của người thợ. Đặc điểm thổ cẩm của đồng bào Gia Rai không có nhiều màu sắc sặc sỡ, họa tiết cũng mộc mạc, nhưng mỗi người thợ luôn có khao khát sáng tạo, tìm kiếm tạo ra các hoa văn của riêng mình.
Năm 2023, chị Han đã vinh dự được nhà thiết kế Minh Hạnh-Giám đốc sáng tạo của Công ty TNHH Việt Mốt (Vietmode) lựa chọn để hỗ trợ trang phục trong chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm “Gia Lai ơi”.
Với sự năng nổ, nhanh nhẹn, hoạt bát, chị Han tích cực tham gia làm hướng dẫn viên du lịch để trực tiếp giới thiệu với du khách những nét văn hóa đặc sắc của địa phương, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Chị tâm sự; “Là một người con sinh ra và lớn lên tại nơi đây, tôi yêu buôn làng, yêu núi rừng với thiên nhiên bí ẩn mà gần gũi, yêu bếp lửa nhà sàn, yêu tiếng chiêng ngân và nghề truyền thống của dân tộc… Từ tình yêu đó, tôi muốn lan tỏa đến mọi người gần xa về vùng đất và con người Gia Lai thông qua việc thuyết trình, giới thiệu và dẫn đoàn du khách tham quan”.
Sự tham gia tích cực của người trẻ như chị Ngân, chị Han đã góp phần tạo thêm sinh khí mới cho câu lạc bộ. Các chị cũng là niềm hy vọng của các nghệ nhân lớn tuổi trong việc thực hiện sứ mạng trao truyền và đưa nghề dệt truyền thống của dân tộc ngày càng phát triển.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/trao-truyen-lua-nghe-post845605.html