Bác Hồ luôn hiện hữu từng ngày

Sau 21 năm chống Mỹ, trở về quê, cha mẹ đều mất và không để lại một tấm di ảnh. Vậy là vợ chồng ông Đức đã đặt ảnh Bác Hồ lên bàn thờ gia tộc để hương khói như một người cha. Hằng ngày, ông bà kể cho con cháu nghe câu chuyện về Bác Hồ kính yêu.

Bài 1: Đồng bào miền Nam biết ơn Cụ Hồ

Cụ Hồ là vị cha chung

Trong căn nhà nhỏ nằm tại thôn Phú Bình Trung, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, vợ chồng ông Lương Tấn Đức và bà Nguyễn Thị Lẫn đang lau chùi và sửa soạn lại bàn thờ để thắp hương và đặt hoa quả lên bàn thờ Bác Hồ. Bàn tay già nua của ông run run đặt lên ảnh Bác. Hằng ngày, ông bà đều thắp hương trên bàn thờ vị Cha già kính yêu của dân tộc. Còn ngày 19-5 và 2-9, bà lại ra chợ mua hoa quả về đặt lên bàn thờ tưởng niệm ngày sinh, ngày mất của Bác.

Vợ chồng ông Đức sửa soạn bàn thờ, thắp hương tưởng niệm Bác Hồ. Ảnh: Lê Văn Chương

Vợ chồng ông Đức sửa soạn bàn thờ, thắp hương tưởng niệm Bác Hồ. Ảnh: Lê Văn Chương

Trong nhà, ông bà treo rất nhiều ảnh Bác Hồ. Riêng trên bàn thờ đặt một khuôn hình lồng kính, bên trong có nhiều tấm ảnh của Người ở nhiều thời điểm khác nhau như: Bác Hồ với các cháu thiếu nhi, Bác Hồ đi chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ thời còn trẻ ở Pháp. Điều đặc biệt, đó là những tấm ảnh đã úa màu vì thời gian được ông mang từ miền Bắc về đặt lên bàn thờ cách đây 36 năm.

Nhìn vào tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc mới được trả tự do sau thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ (tháng 8-1942 đến tháng 9-1943), gương mặt gầy gò, mắt trũng sâu, bà Lẫn ngậm ngùi với giọng nói của người con gái Quảng Bình: “Mấy chục năm rồi, nhưng bây chừ nhìn vào tấm ảnh này, thấy Bác sức khỏe yếu, cô lại rơi nước mắt. Chi mà Bác mà còn sống, Bác thấy được 2 miền thống nhất chắc là Bác hạnh phúc lắm”.

Hiểu được ý nguyện của cha mình, vừa qua, anh Lương Minh Hải - con trai ông khi ra Bắc trở về đã mua tặng cha một tấm ảnh Bác Hồ thật lớn. “Trời ơi! Bác Hồ đây rồi!”. Nhìn tấm ảnh Bác vẫy tay chào, lòng ông chộn rộn thương nhớ Bác.

Và giờ đây, ngồi trước tấm ảnh Bác, vợ chồng ông lại tần ngần với những hồi ức bất tử. Ngồi trước ảnh Bác, ông có thể say sưa kể lại cái thời còn là người lính trẻ, ông đã vinh dự được gặp Bác 4 lần. Giờ đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông vẫn nhớ như in từng cử chỉ ân cần, từng lời căn dặn của Người.

Theo “tiếng ca sơn hà nguy biến”

Bên cạnh nhà ông là ngôi nhà lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng làm việc, kế đến là nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, cố quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thời chống Pháp, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung bộ đóng tại địa phương. Từ tháng 12-1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã đến ở làng để chỉ đạo kháng chiến. Tại đây, cụ đã trút hơi thở cuối cùng vào tháng 4-1947.

Thời chống Pháp, huyện Nghĩa Hành là an toàn khu, hằng ngày, từng đoàn quân Nam Tiến rầm rập kéo qua. Xóm làng trở nên nhộn nhịp như hội, bởi luôn có bóng dáng các chiến sĩ Việt Minh đến nghỉ chân, học tập, chỉnh huấn. Các anh cùng nông dân xuống ruộng kéo cày, gặt lúa. Ban đêm, các chiến sĩ tổ chức sinh hoạt văn nghệ, hát những ca khúc hào hùng, như bài “Nam bộ kháng chiến”: “Mùa Thu rồi ngày hăm ba/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”.

Năm 1947, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng mở trường Trung học Bình Dân. Ông Đức được cắp sách đến trường. Ngôi trường là những dãy nhà tranh mái lá nằm nép dưới rặng tre. Nhưng rồi “tiếng ca sơn hà nguy biến” đã thôi thúc ông cùng bạn hữu lên đường đi tòng quân đánh giặc.

Ngày 2-9-1954, tại sân vận động Quảng Ngãi, Sư đoàn 305 được thành lập, người lính trẻ Lương Tấn Đức được biên chế về Đại đội 5, Tiểu đoàn 29. Đơn vị xuống tàu hành trình ra Bắc khi đất nước tạm yên tiếng súng vì tạm đình chiến.

Nhà ông Đức nằm cạnh Di tích lịch sử - Văn hóa quốc gia - Trụ sở Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung bộ. Ông thường căn dặn cán bộ đảng viên trẻ phải noi gương theo các bậc tiền bối cách mạng. Ảnh: Văn Chương

Nhà ông Đức nằm cạnh Di tích lịch sử - Văn hóa quốc gia - Trụ sở Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung bộ. Ông thường căn dặn cán bộ đảng viên trẻ phải noi gương theo các bậc tiền bối cách mạng. Ảnh: Văn Chương

Ngày 17-5-1959, ông Đức trở thành người lính Đoàn 559 thuộc Binh đoàn Trường Sơn. Tuổi trẻ của ông gửi vào núi rừng bạt ngàn. Sau giải phóng, người Thiếu úy trở về làng, trên vai khoác chiếc ba lô, tay dẫn theo người vợ trẻ. Người dân trong làng kéo đến để nhìn mặt cô du kích cùng quê hương với mẹ Suốt về làm dâu. Vợ ông - bà Nguyễn Thị Lẫn - một cô du kích quê ở xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Những năm tháng chiến tranh, ban ngày, bà đứng lớp dạy chữ cho học sinh, ban đêm ôm súng ra biển bắt giặc lái. Cô du kích đã bén duyên với người chiến sĩ cách mạng, khi bà học tại trường Hai Giỏi nằm sát đơn vị ông.

Chưa kịp giới thiệu người vợ với xóm giềng, người ta thấy ông Đức lấy những tài sản quý giá nhất trong ba lô ra và nâng niu - đó là những tấm ảnh Bác Hồ. Và sau này, những tấm ảnh Bác Hồ mang về từ miền Bắc đã được ông trân trọng đặt lên bàn thờ để hằng ngày được nhìn Bác.

Noi gương Bác

Sau ngày giải phóng, trở về miền Nam, cuộc sống thời bao cấp khó khăn trăm bề. Thế nhưng, trong ngôi nhà tranh vách đất giữa xóm, ông bà vẫn say sưa kể cho con cháu và người dân những câu chuyện về Bác Hồ. Chuyện Bác sống cuộc đời giản dị, thanh bạch, chuyện Bác hết mực thương yêu đồng chí, đồng bào. Học tập Bác, trong sinh hoạt, công tác hằng ngày, ông luôn thể hiện tinh thần thẳng thắn. Theo ông: “Mình phê bình đồng chí, nhưng phải phê bình với thái độ công tâm, mong cho họ tiến bộ và sửa sai thì sẽ tốt hơn. Chi bộ, đảng bộ, đảng viên có khuyết điểm thì phải mổ xẻ để chỉnh đốn”.

Thời đó, tham gia công tác địa phương hoàn toàn với tinh thần cống hiến, không được nhận thêm phụ cấp và chế độ gì khác. Vậy nhưng, nhớ lời dạy của Bác: “Người cán bộ đảng viên phải hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, hai vợ chồng ông Đức không nề hà với bất kỳ công việc nào được tổ chức phân công. Bà Lẫn có thời gian làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ, đại biểu HĐND xã. Còn ông Đức bận rộn với cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng, Chủ tịch Mặt trận xã Hành Minh suốt 20 năm - gần bằng thời gian ông đi đánh Mỹ.

Những đồng chí, đồng đội của ông khi đến nhà thường nghe ông kể say sưa về Bác. Cuối câu chuyện, ông lại cất giọng hát bài: “Biết ơn Cụ Hồ” của cố nhạc sĩ Lưu Bách Thụ. Và với tôi, ông cũng thế, vẫn say sưa nhịp nhịp xuống bàn cất giọng: “Dân Nam ơi biết ơn Cụ Hồ đời đời/ Bao nhiêu năm sống trong nguy nan điêu linh...”.

Bài 2: Những kỷ niệm khó phai

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bac-ho-luon-hien-huu-tung-ngay/