Bác Hồ một tình yêu bao la

Bác Hồ với các cháu học sinh Trường Trưng Vương, Hà Nội, năm 1956. Ảnh: Tư liệu

Bác Hồ với các cháu học sinh Trường Trưng Vương, Hà Nội, năm 1956. Ảnh: Tư liệu

1.Xuân về Tết đến, mỗi người con đất Việt khôn nguôi nhớ Bác - Lãnh tụ kính yêu, người Cha già của dân tộc.

… Bác thương các cụ già Xuân về gửi biếu lụa

Bác yêu đàn cháu nhỏ trung thu gửi cho quà

Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng

Bác thương người chiến sỹ đứng gác ngoài biên cương

Bác viết thư thăm hỏi gửi muôn vàn yêu thương …

(Nhạc sỹ Thuận Yến)

Tết cổ truyền, Bác gửi áo lụa tặng các cụ già và Tết nào Bác cũng hỏi các địa phương “Đồng bào nghèo có gì sắm Tết, vui Xuân?”.

Giáp Tết Đinh Dậu năm 1957, Bác Hồ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội báo cáo cho Bác biết cụ thể việc thành phố chuẩn bị, cung cấp hàng hóa và tổ chức bán hàng Tết cho Nhân dân như thế nào. Khi vừa nhận được báo cáo của Chủ tịch thành phố về việc thực hiện chỉ thị của Chủ tịch nước, Bác Hồ thân hành về xã Tiến Bộ (nay là xã Gia Thụy), huyện Gia Lâm kiểm tra thực tế xem nông dân vùng ngoại thành chuẩn bị đón Tết cổ truyền ra sao. Vào thăm một số gia đình, Bác ra vườn, xuống bếp hỏi chuyện bà con, xong mới vào nhà xem các thứ hàng Tết mới mua về, có nhà đã bày biện bàn thờ tổ tiên. Bác vui khi thấy đúng là nhà nào cũng có thịt lợn, bánh chưng và ít nhiều hàng Tết.

Tuy nhiên, Bác Hồ biết, xã Tiến Bộ được tiếng ở ngoại thành, nhưng gần trung tâm Hà Nội, ngay phía bên kia cầu Long Biên, đời sống người dân nơi đây từ trước đến nay có nhỉnh hơn nhiều nơi khác. Hơn nữa điểm thăm do thành phố Hà Nội đề xuất mời Bác đến, địa phương có chuẩn bị trước, liệu có tiêu biểu cho mọi nơi ở ngoại thành Hà Nội?

Sáng 29 tháng Chạp năm đó, Bác Hồ cải trang giống như cụ già nhà quê vừa ra tỉnh, lững thững đi chợ Tết. Bác vào chợ Đồng Xuân, Hà Nội xem cảnh tấp nập người mua kẻ bán chuẩn bị đón Tết. Đến trước một gian hàng mậu dịch (cửa hàng quốc doanh) chuyên bán trái cây, trên các ngăn bày biện đủ các loại hoa quả đắt tiền, trông thật đẹp mắt, Bác Hồ bước tới gần, nói với cô mậu dịch viên xinh đẹp, đề nghị bán cho già (ở quê ra tỉnh) một quả cam tươi.

“Cửa hàng của mậu dịch không bán lẻ. Trái cây các loại, ai mua ít nhất từ một kí trở lên chúng cháu mới bán” - cô bán hàng nguây nguẩy đáp.

Nghe vậy, Bác Hồ không nói gì. Trở về Phủ Chủ tịch, Bác gọi điện thoại nói chuyện thẳng với Bộ trưởng Bộ Nội thương. Bác hỏi Bộ trưởng: “Nhà tôi nghèo, Tết đến tôi muốn có một trái cam bày lên mâm ngũ quả thờ cúng tổ tiên, cửa hàng mậu dịch không bán, vậy tôi mua ở đâu. Tết đến, cần phải lo cho người nghèo?”. Bác yêu cầu Bộ trưởng đi kiểm tra ngay và cho chấn chỉnh việc bán hàng Tết để nhà nghèo, ai cũng có Tết. Bác còn dặn, chấn chỉnh xong báo cáo ngay về Phủ Chủ tịch để Bác biết.

2. Câu chuyện “Bác Hồ đi chợ Tết” trên đây do nhà báo, nhà văn Phan Quang kể lại, đăng trên Báo Nhân Dân - tháng 1 năm 1957, khi đó ông là phóng viên báo Đảng được Tổng Biên tập Hoàng Tùng cử đi tháp tùng, viết tin bài về các hoạt động của Bác. Sách báo, văn kiện của Đảng còn in nhiều bài viết khác chung quanh việc “Bác Hồ chăm lo Tết cổ truyền” cho người nghèo, cho cán bộ, Nhân dân, người lao động - chị lao công, anh bộ đội đứng gác đêm đông giá lạnh nơi hải đảo, biên cương. Ông Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác nói: “Tết về, Xuân đến, thương đồng bào và bộ đội, Bác khóc. Bác Hồ, một tình yêu bao la như biển cả”.

Chuyện ông già từ quê ra tỉnh (Bác Hồ) đi chợ mua một quả cam về bày cỗ cúng tổ tiên - mà bị cô mậu dịch viên từ chối thẳng thừng, dù đã 63 năm trôi qua, câu chuyện vẫn đậm hơi thở cuộc sống, mang tính thời sự sâu sắc, khẳnh định “tình yêu bao la” mà Bác Hồ dành cho Nhân dân, người lao động nghèo, những đối tượng yếu thế. Đối với người cán bộ, đảng viên, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ chính là học ở “Tình yêu bao la” ấy dành cho Nhân dân, cho người lao động nghèo. Xuân Tân Sửu đang tỏa về khắp mọi miền đất nước, kể cả dải đất miền Trung năm 2020 bị bão lụt dồn dập, nước lũ quét sạch ruộng vườn, nhà cửa, trâu bò, gà vịt, số tài sản ít ỏi dành dụm được của đồng bào. Hoa đào Nhật Tân, hoa mai vàng Sa Đéc bên dòng sông Hậu, hoa thược dược, hoa cúc, hoa lay ơn… nở rộ khắp muôn nơi, đón Xuân về.

Truyền thống người Việt, kể từ thời vua Hùng dựng nước “Lá lành đùm lá rách”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một nước phải thương nhau cùng” thôi thúc, làm bật dậy phong trào “xã hội cùng chăm lo Tết, để ai ai cũng có Tết - Đoàn tụ - Sum vầy”. Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nhân, nhà hảo tâm, toàn xã hội đang dốc lòng, dốc sức, bằng nhiều biện pháp chăm lo Tết cho đồng bào nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ, vùng bị thiên tai tàn phá, các đối tượng chính sách; mọi người đón Tết cổ truyền trong niềm vui mừng Xuân, mừng Đảng, mừng đất nước đổi mới. Bác Hồ kính yêu đã đi xa hơn nửa thế kỷ. 50 năm đất nước và dân tộc thiếu vắng những bài thơ Xuân của Người, đúng thời khắc thiêng liêng giao thừa đón chào năm mới. Bác Hồ đã đi xa, nhưng sự nghiệp của Bác, con đường mà Bác khai phá, dẫn dắt hơn 90 năm trường vẫn vững chãi tiến về phía trước, sự nghiệp 35 đổi mới đất nước gặt hái nhiều thành tựu lớn. Sức sống vĩ đại của đất nước, dân tộc - dưới ngọn cờ quang vinh của Bác, của Đảng tựa sức sống mùa Xuân ngời sáng, bất diệt.

Đại hội XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2025 thành công tốt đẹp. Con đường đi tới được hoạch định, theo đó năm 2025, Việt Nam là nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có thu nhập cao. Đại hội XI, tháng 10/2020, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng xác định: Đến năm 2025, Lâm Đồng phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một ý chí và hành động, khát vọng hùng cường, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giàu đẹp, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như ý nguyện của Bác Hồ.

3. Mùa xuân này, mừng thành công Đại hội Đảng. Đất nước ta cơ bản kiểm soát và khống chế được đại dịch COVID-19, trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Thiên tai dồn dập, tác động của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội; Chiến tranh thương mại, tình hình trên biển Đông căng thẳng; Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo bước đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức.

Khó khăn, thách thức đòi hỏi sự vững vàng, bản lĩnh, trí tuệ. Thời kỳ mới, đất nước ta càng phải năng động, sáng tạo, ý chí và khát vọng, phát triển nhanh và bền vững, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, an ninh của Tổ quốc. Tỉnh Lâm Đồng cùng cả nước, vì cả nước, có những giải pháp đột phá, khai thông điểm “nghẽn”, nâng cao chất lượng cuộc sống và niềm tin của Nhân dân.

Mùa Xuân nhớ Bác. Bác Hồ, một tình yêu bao la! Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - đó là cẩm nang và sức mạnh nền tảng, để “Con tàu ra biển lớn” vượt qua mọi sóng dữ, cập bến bờ vinh quang.

PHẠM QUỐC TOÀN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/202102/bac-ho-mot-tinh-yeu-bao-la-3043429/