Bác Hồ nói về vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu các cán bộ, đảng viên, người đứng đầu phải nêu gương cho quần chúng nhân dân noi theo và bản thân Người là một tấm gương sáng. Người đã nhiều lần nói rõ quan điểm của mình về vấn đề này và khẳng định: 'Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống' (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, trang 131).

Chủ tịch Hồ Chí Minh với bà con nông dân Hợp tác xã Tân Lập, huyện Quốc Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội), tháng 7/1958. Ảnh: qdnd.vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh với bà con nông dân Hợp tác xã Tân Lập, huyện Quốc Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội), tháng 7/1958. Ảnh: qdnd.vn

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết: “Nêu gương gắn liền với chủ thể và hành động của chủ thể, tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với các chủ thể khác, từ cá nhân tới xã hội, từ đó thúc đẩy việc noi gương, học tập và làm theo các tấm gương điển hình, các tấm gương sáng” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, trang 203). Và Người chỉ rõ, việc nêu gương sẽ làm cho con người tốt lên, tốt lên một cách thực chất, tốt lên một cách thường xuyên, lâu dài chứ không phải tốt lên một cách nhất thời; việc nêu gương phải đem đến tác dụng một cách thiết thực, đem đến hiệu quả cao chứ không phù phiếm, khoa trương.

Người cho rằng, cần phải nêu gương trên 3 mối quan hệ: Đối với mình, đối với người, đối với công việc. Cụ thể, đối với mình thì không được tự cao, tự đại, tự mãn, bởi vì tự cao, tự đại, tự mãn là căn bệnh rất nguy hiểm, nếu cán bộ, đảng viên mắc phải căn bệnh này thì sẽ luôn tự đề cao cá nhân mình, coi thường quần chúng, mù quáng, thiển cận, do đó sẽ không thể tiến bộ.

Đối với người thì phải luôn luôn có thái độ chân thành, thật thà, gần gũi, khiêm tốn, đoàn kết, bao dung, độ lượng. “Cán bộ, đảng viên phải thật thà, yêu thương, hết lòng giúp đỡ đồng bào, đồng chí, phải kiên quyết đấu tranh chống lại những người làm những việc có hại cho dân, chống lại những người có lời nói trái với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, trang 96).

Đối với công việc thì phải có tinh thần trách nhiệm cao, phải tận tụy, nhiệt tình, phải phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phải biết đặt việc chung lên trên hết, phải “chí công vô tư”, biết hy sinh lợi ích cá nhân cho đất nước, nhân dân.

Người nhấn mạnh, nêu gương có nhiều nội dung, trước hết là phải nêu gương về đạo đức, đòi hỏi người nêu gương phải công tâm, làm mọi việc lớn, việc nhỏ đều chỉ vì một mục đích hướng tới lợi ích của nhân dân, của cộng đồng, phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì phải quyết làm cho bằng được.

“Trong quan hệ với nhân dân, người nêu gương về mặt đạo đức là người luôn luôn gần dân, kính trọng, lễ phép với dân, không quan liêu, không lãng phí, tham ô, tham nhũng gây nên những tổn hại, thiệt thòi cho dân. Nêu gương về đạo đức còn là nêu gương về lòng trung thực, về sự chân thành, nó đối lập với thói giả dối, những khuất tất, mờ ám, bất minh, bất chính” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, trang 115).

Mặt khác, theo Người, bên cạnh việc nêu gương về đạo đức, còn phải nêu gương về mặt chính trị, đòi hỏi người nêu gương phải đấu tranh không khoan nhượng, đấu tranh triệt để và liên tục chống lại những biểu hiện suy thoái về mặt chính trị, tư tưởng, đấu tranh chống lại những kẻ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, những kẻ nói và làm trái với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, gây tác hại đối với xã hội. “Người nêu gương phải có lập trường, tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm, phải chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin có tính chất xuyên tạc, sai trái, thù địch (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, trang 215).

Ngoài ra, Người còn yêu cầu nêu gương ở một số nội dung khác (nêu gương về mặt tác phong, nêu gương về mặt lối sống...). Không những thế, muốn nêu gương được thì người nêu gương phải tuân thủ nguyên tắc “Nói đi đôi với làm”. Đây là vấn đề quan trọng, là nguyên tắc đầu tiên của việc nêu gương, bởi vì chỉ có nhất quán giữa nói và làm thì người cán bộ, đảng viên mới có được lòng tin của quần chúng. Nếu người cán bộ, đảng viên nói mà không làm, hoặc nói một đằng, làm một nẻo thì nhất định sẽ mất uy tín trước quần chúng. Sự thống nhất giữa lời nói và việc làm là một yêu cầu khách quan của phẩm chất người cán bộ, đảng viên.

Người giải thích: “Nói miệng thì ai cũng nói được, nhưng vấn đề là nói phải đi đôi với làm, chẳng hạn muốn xây dựng đất nước, người lãnh đạo kêu gọi nhân dân phải cần kiệm, nhưng bản thân người lãnh đạo phải cần kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương cho dân. Muốn làm gương được, phải quyết tâm. Quyết tâm thì sẽ thành công” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, trang 119).

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, người lãnh đạo phải lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để nêu gương cho quần chúng nhân dân học tập và làm theo, giúp nhân dân nhìn vào đó để làm những điều hay, điều đúng, điều thiện, qua đó giúp họ chống lại những thói hư tật xấu.

Không những thế, Người cho rằng: “Nêu gương phải được coi là bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Người cán bộ, đảng viên phải tự mình nêu gương để tự mình làm gương cho người khác noi theo. Người biết nêu gương là người đạt đến những phẩm chất của nhân cách văn hóa, luôn mong muốn mình ngày càng trở nên tốt đẹp để tự hoàn thiện mình” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, trang 110).

Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc nêu gương mà chúng tôi trình bày trên đây chính là những lời dạy rất quý báu, rất cần thiết và bổ ích. Mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt sâu sắc quan điểm nêu gương của Người, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng để xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân” như Người từng căn dặn.

Đoàn Mạnh Tiến

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bac-ho-noi-ve-van-de-neu-guong-cua-can-bo-dang-vien-post481397.html