Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước - sự lựa chọn mang tính lịch sử

Cách đây 110 năm, ngày 5-6-1911, trên con tàu Latútsơ Tơrevin, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước. Đây là sự kiện lịch sử không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là mốc son đánh dấu một thời kỳ mới trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước Việt Nam.

Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho giàu lòng yêu nước, thương dân sâu sắc; trên quê hương có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất. Từ nhỏ, Nguyễn Tất Thành đau xót chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, bị đàn áp, bóc lột cùng cực của đồng bào mình ngay trên chính mảnh đất quê hương; những tội ác dã man của thực dân Pháp và thái độ ươn hèn, bạc nhược của triều đình nhà Nguyễn; nỗi nhục của người dân mất nước… Đặc biệt trong bối cảnh các phong trào yêu nước do các bậc cách mạng tiền bối khởi xướng nổ ra khắp nơi như phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục do Lương Văn Can, Nguyễn Quyền lãnh đạo, phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh, cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám,... tất cả đều thất bại. Mặc dù rất kính trọng và khâm phục các bậc sĩ phu yêu nước nhưng Nguyễn Tất Thành cũng sớm nhận ra những hạn chế của các phong trào đó và không tán thành cách làm của họ. Từ đó, Người luôn trăn trở, chọn hướng đi sang phương Tây để tìm con đường cứu nước mới.

Vốn có tư chất thông minh, tinh thần ham học hỏi, khả năng tư duy độc lập, tính ham hiểu biết, thích khám phá những điều mới lạ và nhạy bén với cái mới, lại được tiếp cận với những tư tưởng khai sáng Pháp đã cho Nguyễn Tất Thành nhiều hiểu biết mới và có tư duy, tư tưởng tiến bộ. Từ những trải nghiệm cuộc sống, Nguyễn Tất Thành đã sớm phát hiện ra mâu thuẫn giữa chế độ đàn áp, bóc lột dã man của thực dân Pháp ở Việt Nam với cái lý tưởng cao đẹp của nước Pháp “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”. Chính nhận thức ấy đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành sang Pháp và các nước khác để tìm hiểu. Rõ ràng, đây không phải là một hành động ngẫu nhiên, tự phát mà là sự lựa chọn, trăn trở và một quyết tâm lớn của Người, nhằm đáp ứng đòi hỏi khách quan của cách mạng Việt Nam. Từ đó, tiếp thêm nghị lực và ý chí quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, đánh đuổi thực dân Pháp giải phóng đồng bào.

Khi rời Tổ quốc, với một quyết tâm lớn, nhưng sự hiểu biết về thế giới còn hạn chế, Nguyễn Ái Quốc đã vừa lao động kiếm sống, vừa học tập và hoạt động xã hội. Bằng sự nhạy cảm chính trị đặc biệt, với hai bàn tay trắng và một nghị lực phi thường, Người đi vòng quanh thế giới, chứng kiến sự thật phũ phàng tại ngay đất nước được mệnh danh là số một của thế giới “Tự do”, đó là: “Ánh sáng trên đầu Thần (Thần Tự Do) tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần, người da đen đang bị nô lệ, các dân tộc bị áp bức đang bị nô lệ, người phụ nữ đang bị nô lệ…”. Để rồi từ đó, Người dần dần nhìn ra bối cảnh của hành trình tìm đường cứu nước và sớm nhận ra những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam đó chính là Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Vì vậy, khi bắt gặp “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin, tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường cứu nước, con đường giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân thuộc địa, Người đã quyết định đi theo con đường đúng đắn đó. Người sung sướng, cảm động thốt lên “Hỡi đồng bào bị đọa đày, đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Từ đây, bằng nhiều con đường, Người đã ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị kỹ lưỡng về chính trị, tư tưởng và tổ chức để đi đến thành lập chính đảng của giai cấp vô sản là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba gần 30 quốc gia trên thế giới, tìm ra con đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã trở về nước trực tiếp cùng Đảng ta lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành lại chính quyền về tay nhân dân, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập và dân chủ; tiến hành hai cuộc kháng chiến thần thánh, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH, thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Có thể nói, nét đặc sắc nhất trong cuộc hành trình cứu nước 30 năm của Hồ Chí Minh là không bao giờ xa rời mục đích về nước cứu đồng bào; là ý chí và nghị lực mang tính nhân văn sâu sắc và được thể hiện ở một tầm cao mới. Điều đó đã giúp Người vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ, vượt qua mọi cám dỗ; kiên định lập trường, giữ vững định hướng cao cả đã được vạch ra là: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Chính hành động đi ra nước ngoài tìm con đường cứu nước, cứu dân tộc thoát khỏi nô lệ, lầm than đã tạo ra những bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam. Sau này, khi trả lời nhà văn Mỹ Anna Luyxtơrông về ý định xuất dương, Bác Hồ nói rõ: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”… Đó thực sự là một trong những động lực lớn thôi thúc mạnh mẽ Nguyễn Tất Thành đi theo một con đường cứu nước mới.

Vượt qua biết bao chông gai, thử thách, tù đầy, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước mới - con đường “Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH” cùng những yếu tố cơ bản để thực hiện thành công con đường đó như: Xác lập, tăng cường vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trên nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam của chủ nghĩa Mác - Lênin; xây dựng, củng cố vững chắc khối liên minh công - nông - trí làm nền tảng đại đoàn kết toàn dân; thực hiện mở rộng đoàn kết quốc tế; phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; không ngừng củng cố và hoàn thiện Nhà nước dân chủ kiểu mới - Nhà nước của dân, do dân và vì dân… Đó là những quy luật đảm bảo sự thắng lợi của cách mạng nước ta.

Hiện nay, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách xuyên tạc, bôi nhọ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Người với ý đồ đen tối. Trách nhiệm của chúng ta là bảo vệ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ con đường đi lên CNXH mà Bác Hồ và nhân dân ta đã sáng suốt lựa chọn; kiên quyết đấu tranh bác bỏ mọi luận điệu phản động, sai trái, thâm hiểm của kẻ thù. Mỗi người dân Việt Nam cần tin tưởng rằng, đi theo con đường cách mạng mà Bác Hồ đã vạch ra nhất định chúng ta sẽ xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, sẽ “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Trải qua 110 năm kể từ ngày Bác Hồ kính yêu rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước cho đến nay, đất nước ta đã đi qua nhiều chặng đường lịch sử vô cùng oanh liệt và hết sức vẻ vang. Kỷ niệm sự kiện này là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó càng khẳng định và trân trọng hơn giá trị con đường Bác Hồ đã dày công tìm kiếm để cứu nước ta, nhân dân ta ra khỏi áp bức, nô lệ của thực dân, đế quốc; xây dựng và bảo vệ đất nước có được cơ đồ, vị thế to lớn như ngày hôm nay và đang tiếp tục phấn đấu xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thắng lợi mục tiêu “đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao” như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.

NGUYỄN VĂN HƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/202106/ky-niem-110-nam-ngay-bac-ho-ra-i-tim-uong-cuu-nuoc-561911-562021-bac-ho-ra-di-tim-duong-cuu-nuoc-su-lua-chon-mang-tinh-lich-su-3060163/