Bác Hồ trong lòng người dân đất mũi Cà Mau
Đối với người dân Cà Mau - vùng cực Nam Tổ quốc, mỗi đền thờ Bác Hồ luôn gắn với tình cảm, sự tôn kính của người dân đối với Bác, trở thành biểu tượng sức mạnh tinh thần, 'địa chỉ đỏ' để giáo dục truyền thống yêu nước, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau - thời điểm được xây dựng năm 1969.
Biểu tượng của niềm tin
Cà Mau có gần 20 đền thờ Bác Hồ, là tỉnh có nhiều khu, đền thờ Bác nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, có 8 đền thờ được xây dựng trong năm 1969. Đồng thời, có 3 đền thờ Bác được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, gồm: Đền thờ Bác Hồ tại thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước; Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển... Tất cả đều là biểu tượng của niềm tin, lòng kính yêu của nhân dân vùng đất cực Nam Tổ quốc dành cho Bác.
Nằm tại ngã ba sông Ông Trang, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển được xây dựng sớm nhất ở Cà Mau, ghi dấu nhiều kỷ niệm sâu sắc của nhân dân với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Hơn 50 năm trước, vào ngày “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” năm 1969, lòng dân Viên An cũng như người dân cả nước nghẹn ngào tiếc thương khi nghe tin Bác mất và mong mỏi có nơi thờ tự, khói hương để tưởng nhớ Người.
Chỉ sau đó không lâu, ngày 10-9-1969, đền thờ Bác được khởi công xây dựng tại xóm Ông Bọng, ấp Ông Trang, ngay ngã năm xã Viên An. Đền thờ được xây dựng bằng cây lá ở địa phương, có bục thờ và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sàn lót ván đước. Ngày khánh thành đền, hơn 600 cán bộ và nhân dân địa phương về dự.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển ngày nay.
Ông Nguyễn Văn Bảy, người quản lý Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Viên An, cho biết, kể từ sau khi hoàn thành, ngôi đền luôn thu hút đông đảo bà con đến viếng thăm. Người dân đã xây dựng và bảo vệ thành công đền thờ Bác trên quê hương Viên An trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt bằng cả tấm lòng, trái tim mình, sẵn sàng hy sinh tính mạng để chiến đấu với kẻ thù.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ngày 10-5-1975, Chi bộ ấp Ông Trang thống nhất dời Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ xóm Ông Bọng về vàm Ông Trang hiện nay. Sau nhiều lần tôn tạo, trùng tu, ngôi đền nhỏ ngày nào đã trở thành khu di tích lịch sử quy mô lớn và được UBND tỉnh Minh Hải cũ công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào ngày 26-3-1996.
Sự tôn kính, biết ơn Bác Hồ còn được nhiều gia đình ở Viên An thể hiện qua việc lập bàn thờ Bác trang trọng trong nhà để hằng ngày khói hương cho Bác. Nhiều gia đình tổ chức cúng giỗ Bác.
Ông Diệp Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND xã Viên An, khẳng định, Đảng bộ, quân, dân Viên An anh hùng xem đền thờ Bác là di sản quý báu, một pháo đài niềm tin tạo nên sức mạnh trong chiến đấu giải phóng quê hương và dựng xây phát triển. Biểu tượng đó đã góp phần hun đúc ý chí, tiếp thêm sức mạnh cho Viên An có diện mạo ngày thêm khởi sắc.
Nhớ Bác, học Bác và làm theo Bác
Cách đây hơn 6 năm, tại lễ khánh thành Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khóm 1, phường 1, thành phố Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khi đó là ông Phạm Thành Tươi đã nhấn mạnh, công trình Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt và mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm kính yêu, lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ, nhân dân Cà Mau đối với Bác Hồ.
Không gian thiêng liêng của khu tưởng niệm ghi lại hình ảnh về buổi Người nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ tại Ðền Hùng - Phú Thọ vào năm 1954; Người nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; bản Di chúc mà Người đã dùng cả trái tim, khối óc và cả cuộc đời hoạt động cách mạng để gửi gắm lại thế hệ tiếp nối... Một điều rất đặc biệt nữa cho những du khách phương xa đến đây, đó là nguyên mẫu nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch ở Thủ đô Hà Nội đã được dựng trên mảnh đất cực Nam Tổ quốc.
Giữa đất phương Nam tràn đầy nắng, gió, ngôi nhà sàn nhỏ nằm bên ao cá Bác Hồ rộng hơn 2.000m2, thật thân thương và gần gũi. Trước nhà, bóng dừa tỏa mát. Trong vườn, có cây vú sữa được lấy giống từ vùng đất xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Người dân nơi đây đã gửi tặng Bác Hồ cây vú sữa từ năm 1954 và được Người chăm chút cẩn thận trong vườn, ngay cạnh ngôi nhà sàn ở Hà Nội.
Nhà sàn Bác Hồ trong Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Cà Mau.
Ngôi nhà sàn của Bác ở Cà Mau cũng tái hiện đầy đủ cuộc đời vĩ đại mà giản dị của Người, giống như ngôi nhà sàn bé nhỏ ở Thủ đô với bàn làm việc đơn sơ, chiếc giường nhỏ Bác nằm, chuông nhỏ khẽ rung tiếng leng keng khi đón gió. Và vẫn đó đàn cá bơi dưới ao trước nhà, ngóng Người mỗi sớm mai...
Chị Trương Kim Hương, một người dân Cà Mau đến thăm Khu tưởng niệm Bác Hồ, xúc động nói: “Người dân miền Nam chưa từng được một lần đón Bác vào thăm. Nhiều người trong số chúng tôi cũng chưa được một lần ra Bắc, đến Hà Nội viếng Bác. Nhưng khi đến khu tưởng niệm này, tôi như thấy Bác đã ở đây”.
Khu tưởng niệm rộng gần 61.000m2 này giờ đây đã trở thành địa điểm sinh hoạt chính trị quan trọng của tỉnh; là địa điểm hội tụ truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng của dân tộc, của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau; là nơi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đến tỏ lòng kính yêu Bác; nghiên cứu, tìm hiểu, học tập và làm theo tấm gương của Người.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau Phạm Bạch Đằng, qua 4 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến, nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo. Cấp huyện, thành phố đã khen thưởng 281 tập thể và 410 cá nhân, cấp tỉnh khen thưởng 46 tập thể và 56 cá nhân, cấp trung ương khen thưởng 2 tập thể và 2 cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác.
Kết quả đó là minh chứng cho việc học và làm theo Bác đã trở thành ý thức tự giác, thường xuyên của nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh. Từ đây, mỗi cán bộ, đảng viên, các điển hình tiên tiến, tiêu biểu đã trở thành những “viên gạch hồng”, góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh Cà Mau trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng tỉnh Cà Mau ngày càng phát triển nhanh và bền vững.