Dấu ấn Hà Nội tại Liên hoan Phim quốc tế HANIFF 2024

LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII nhằm phát hiện và vinh danh những tài năng mới của điện ảnh; giới thiệu các tác phẩm đặc sắc của các nền điện ảnh trên thế giới. Đồng thời kết nối, giao lưu hợp tác để cùng phát triển, tạo cơ hội mở rộng thị trường điện ảnh Việt Nam, hội nhập thị trường điện ảnh quốc tế.

Với khẩu hiệu “Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh”, Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội lần thứ VII do Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND TP Hà Nội chỉ đạo; Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với Sở VH&TT Hà Nội tổ chức được diễn ra từ ngày 7 - 11/11 tại Hà Nội.

Những bộ phim Việt đặc sắc

Từ hơn 500 bộ phim đăng ký tham dự, các Ban sơ tuyển và chung tuyển của LHP đã tuyển chọn được 117 bộ phim của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ để chiếu trong các Chương trình phim của LHP. Những bộ phim đa sắc màu phong cách thể hiện độc đáo, sáng tạo, hứa hẹn tạo nên một kỳ LHP sôi nổi, sống động, giàu bản sắc.

Trong 117 phim dài và phim ngắn tham dự LHP có 65 phim nước ngoài và 52 phim Việt Nam. Trong đó có 10 phim dài dự thi (09 phim dài dự thi nước ngoài đến từ các nước: Thụy Sĩ, Liên bang Nga, Bỉ, Thụy Điển, Đức, Estonia, Hàn Quốc, Iran, Ấn Độ, Pháp và 01 phim truyện dài Dự thi của Việt Nam là phim Ngày xưa có một chuyện tình.

"Ngày xưa có một chuyện tình" của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, dựa trên tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đây cũng là phim được chọn chiếu khai mạc HANIFF VII.

Ánh mắt của Miền (Ngọc Xuân) khi nhìn Phúc (Đỗ Nhật Hoàng) trong "Ngày xưa có một chuyện tình"

Ánh mắt của Miền (Ngọc Xuân) khi nhìn Phúc (Đỗ Nhật Hoàng) trong "Ngày xưa có một chuyện tình"

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng BTC LHP, sở dĩ chọn bộ phim Ngày xưa có một chuyện tình tham dự hạng mục Phim dự thi bởi đây là một phim đáp ứng tiêu chí của LHP, là bộ phim mới sản xuất, chưa tham gia bất cứ 1 LHP nào. Đồng thời, đây cũng là bộ phim mang thông điệp nhẹ nhàng, nhân văn.

Ngoài Ngày xưa có một chuyện tình, các phim Việt Nam gồm phim dự thi Phim ngắn và phim trình chiếu trong chương trình Điện ảnh Việt Nam đương đại.

Cùng với đó, khán giả cũng sẽ được thưởng thức miễn phí các bộ phim đã thu hút khán giả thời gian qua như Bà già đi bụi; Cám; Đào, phở và piano; Đóa hoa mong manh; Gặp lại chị bầu; Giải cứu anh thầy; Hoa táo nở; Hồng Hà nữ sĩ; Kẻ ẩn danh; Kẻ ăn hồn; Làm giàu với ma; Móng vuốt; Những bức tường; Quỷ cẩu; Siêu lừa gặp siêu lầy; Tiểu đội hoa hồng; Trước giờ "Yêu"; Vầng trăng thơ ấu.

Tín hiệu mừng từ Chợ Dự án

Chợ Dự án phim cũng là một hoạt động mang nhiều dấu ấn tại các kỳ HANIFF. Chợ Dự án ngày càng có sức thu hút đối với giới làm phim trẻ, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư tham gia nhằm xây dựng, triển khai các dự án chất lượng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh Việt Nam vươn tầm thế giới.

Chợ Dự án phim là một hoạt động mang nhiều dấu ấn tại các kỳ HANIFF

Chợ Dự án phim là một hoạt động mang nhiều dấu ấn tại các kỳ HANIFF

Năm nay, tại HANIFF VII, Chợ Dự án nhận được số lượng dự án tham dự kỷ lục - gần 70 dự án gửi từ hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhà tổ chức không chỉ mời phim tác giả kén người xem, mà còn có sự tham gia của phim mang tính thương mại hơn. Chất lượng được nhận định là "rất cao và đa dạng" khiến BTC "phải mất rất nhiều thời gian và rất khó khăn" để chọn ra được 8 dự án tham gia.

Riêng Việt Nam đã chiếm đến 4 dự án gồm: Tôi muốn thuê hoài mãi (nhà sản xuất Bùi Lê Nhật Tiên/đạo diễn McFloyd Nguyễn), Memento Mori: Nước (Marcus Mạnh Cường Vũ), Người khóc thuê (Đỗ Sơn/Đỗ Hà) và Lời nguyền máu (Nguyễn Phạm Hoàng Quân/Nestor Sanchez Sotelo). Bốn dự án còn lại thuộc về các nước Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh và Malaysia.

Mặc dù các dự án của Việt Nam chiếm số lượng đông đảo, song Ban tổ chức khẳng định không có sự thiên vị dành cho nước chủ nhà. Ông Vi Kiến Thành cho biết, giám tuyển gồm 4 thành viên: đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình (Việt Nam), nhà sản xuất Jodi Hildebrand (Mỹ), Thibaut Bracq (Pháp), Lee Jin Sung (Hàn Quốc) chọn 8 dự án được đánh giá có chất lượng tốt nhất chứ không phân biệt nước nào được bao nhiêu.

TP Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi Liên hoan phim

Tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Lê Thị Ánh Mai cho biết, đến nay, TP Hà Nội đã hoàn thành công tác để đón tiếp các đại biểu, khách quý, nghệ sĩ, đạo diễn, diễn viên đến của LHP đến Hà Nội. Sở VH&TT Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền trực quan trên nhiều tuyến phố, các địa điểm chính thức của LHP như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tuyến phố Hàng Bài – nơi có Nhà hát Hồ Gươm. Trước và trong thời gian diễn ra LHP, TP Hà Nội sẽ tăng cường trình chiếu trailer của LHP trên hệ thống màn hình LED của Thủ đô. Đồng thời, TP Hà Nội sẽ đảm bảo về công tác an ninh, trật tự cho các các hoạt động chính, bên lề của LHP. Tại các di tích, danh thắng, TP Hà Nội đã tổ chức đón tiếp các đại biểu, khách quý, đạo diễn, diễn viên như khu vực cụm di tích quanh Hồ Gươm; di tích Nhà tù Hỏa Lò. Mặt khác, trong thời gian diễn ra LHP, TP Hà Nội sẽ tổ chức hoạt động chiếu phim lưu động ngoài trời, phục vụ miễn phí Nhân dân các quận, huyện trên địa bàn TP.

Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Lê Thị Ánh Mai phát biểu

Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Lê Thị Ánh Mai phát biểu

Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: TP Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để góp phần vào thành công chung của LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII năm 2024. Hy vọng đến với Thủ đô, Hà Nội, đến với LHP quốc tế lần này các bạn bè quốc tế sẽ có những trải nghiệm thú vị, những ký ức tốt đẹp vể Thủ đô thân thiện và mến khách.

LHP dự kiến có khoảng 800 đại biểu và khách mời trong nước và quốc tế. Trong khuôn khổ LHP sẽ diễn ra nhiều chương trình, hoạt động, sự kiện. Trong đó, Lễ khai mạc và Lễ bế mạc - trao giải được tổ chức tại Nhà hát Hồ Gươm (40 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Lễ khai mạc sẽ diễn ra lúc 20 giờ, ngày 7/11; truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (HTV1). Lễ bế mạc và trao giải thưởng diễn ra lúc 20 giờ, ngày 11/11; truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV2).

Trong khuôn khổ LHP còn diễn ra nhiều sự kiện như: triển lãm “Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận - Trải nghiệm qua các thước phim điện ảnh”; 2 cuộc hội thảo gắn liền với tình hình thực tế, những vấn đề thời sự của đất nước gồm: “Tiêu điểm điện ảnh Đức” và “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học”.

Khán giả nhận vé xem phim miễn phí

- Phim tham dự LHP được chiếu tại 3 cụm rạp, với tổng số 85 buổi chiếu, từ ngày 7 - 11/11 tại địa điểm:

+ Trung tâm chiếu phim Quốc gia (87 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội), dự kiến 32 buổi chiếu.

+ BHD Star Cineplex (tầng 8 TTTM Vincom, số 2 Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa, Hà Nội), dự kiến 21 buổi chiếu.

+ CGV Mipec Tower (tầng 5 Mipec Tower, 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội), dự kiến 32 buổi chiếu.

Phan Nho

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/dau-an-ha-noi-tai-lien-hoan-phim-quoc-te-haniff-2024-129456.htm