Bác Hồ và tình cảm đặc biệt với Thanh Hóa
Sinh thời, Thanh Hóa luôn là địa phương được Bác Hồ quan tâm, dành tình cảm đặc biệt, Người đã có 4 lần về thăm tỉnh Thanh và mong muốn Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu
Đây là niềm vinh dự và tự hào đối với đất và người xứ Thanh, bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần về thăm cũng như gửi thư thăm hỏi, động viên, biểu dương những thành tích của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa trong sản xuất và chiến đấu.
Bốn lần Bác Hồ về thăm Thanh Hóa
Năm 1947, khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được 2 tháng, mặc dù việc chỉ đạo kháng chiến vô cùng bộn bề nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định về thăm Thanh Hóa. Sáng 20-2-1947, Bác Hồ đã có mặt tại núi Rừng Thông (nay là thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn) để nói chuyện với cán bộ chủ chốt, thân sĩ trí thức, các tầng lớp nhân dân Thanh Hóa.
Trong buổi nói chuyện này, Bác Hồ bày tỏ mong muốn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa xây dựng tỉnh nhà thành một tỉnh "kiểu mẫu". "Thanh Hóa muốn trở thành một tỉnh "kiểu mẫu" nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt. Xây dựng tỉnh "kiểu mẫu" trên mọi mặt phải bắt đầu từ cá nhân mỗi người trước, làm một người "kiểu mẫu", một nhà "kiểu mẫu", một làng "kiểu mẫu", một huyện "kiểu mẫu", một tỉnh "kiểu mẫu…"- Bác nhắn nhủ.
Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, nhân dân Thanh Hóa lại vinh dự được đón Bác về thăm lần thứ 2 ngày 13-6-1957. Lần này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi và đánh giá cao công lao to lớn của nhân dân tỉnh Thanh trong vai trò là "hậu phương lớn" của cuộc kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại buổi nói chuyện, Bác khen ngợi: "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó".
Năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dành thời gian về thăm tỉnh Thanh Hóa lần thứ 3 và Bác đã chọn Sầm Sơn là điểm tới thăm. Bác tới dự Đại hội đại biểu công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ VI tại Sầm Sơn. Tại đây, Người đã hòa mình với thiên nhiên, cùng ngư dân kéo lưới. Nói chuyện với cán bộ và nhân dân Sầm Sơn, Bác căn dặn: "Nếu nơi đây có một hệ thống du lịch khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây".
Khắc ghi lời Bác, Sầm Sơn đã từng bước vươn mình và hiện trở thành một trong những địa điểm du lịch biển nổi tiếng nhất cả nước, hàng năm đón hàng triệu lượt du khách về tham quan, nghỉ mát.
Hơn 1 năm sau, trong thời điểm cả nước dồn sức cho cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, ngày 11-12-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dành cho Thanh Hóa chuyến thăm ấm áp ân tình lần thứ 4. Bác đã tới thăm HTX Nông nghiệp tiên tiến Yên Trường (xã Yên Trường, huyện Yên Định), là lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp của huyện và tỉnh. Đây là địa phương có các phong trào thi đua lao động, sản xuất được Trung ương khen ngợi, đánh giá cao.
Trong lần về thăm này, Bác đã chuyện trò rất thân mật với lãnh đạo xã, bà con nông dân, Bác thưởng huy hiệu có in hình của Người cho những nông dân xuất sắc, có thành tích trong lao động, sản xuất. Bác cổ vũ bà con nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, coi hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ, ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội. Rồi Bác nói sẽ tặng nhân dân Yên Trường một chiếc máy cày.
Thanh Hóa thực hiện mong muốn của Người
Khắc ghi lời dạy lời dạy của Bác Hồ, suốt 76 năm qua, Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực, đóng góp vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, Thanh Hóa đã phát huy cao độ nội lực, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, tranh thủ thu hút đầu tư từ bên ngoài, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước. Kinh tế tăng trưởng nhanh; chất lượng tăng trưởng được nâng lên, từng bước khẳng định là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực và cả nước.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2011-2022 đạt 10,3%/năm. Đặc biệt, trong năm 2022, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, song kinh tế của Thanh Hóa vẫn giữ vững đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%), đứng thứ 7 cả nước, quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 51.000 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Chính trị ổn định, văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng và đạt nhiều kết quả quan trọng. Quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế; sự phối hợp với các cơ quan Trung ương, liên kết, hợp tác với các tỉnh, TP trong cả nước được đẩy mạnh.
Những thành tựu trên một lần nữa khẳng định vị thế chiến lược của Thanh Hóa trong khu vực Bắc Trung bộ, Nam đồng bằng Bắc Bộ và cả nước. Đây là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực cố gắng của rất nhiều thế hệ lãnh đạo, sự đồng tâm, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Tại lễ kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20-2-1947 - 20-2-2022), Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nhân dân đang bước vào giai đoạn phát triển mới với khát vọng lớn, phấn đấu đến năm 2025 Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, trở thành một cực tăng trưởng ở phía Bắc của Tổ quốc và đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, như Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định.