BÁC HỒ và tinh thần dân tộc
Khắc khổ, cần lao và tranh đấu là ba đặc tính của đời sống Hồ Chí Minh, đó cũng là ba đặc tính của đời sống dân tộc trải qua lịch sử.
Hồ Chí Minh thu góp tất cả tinh hoa của đất nước và của nhân loại dẫn dắt dân tộc ta chiến đấu. 75 năm về trước, năm 1948, trong khói lửa kháng chiến, Phạm Văn Đồng đã viết về Người: "Khắc khổ, cần lao và tranh đấu là ba đặc tính của đời sống Hồ Chí Minh", thật sâu sắc và tinh tế, thật thấu hiểu Người và thật thấu cảm về Người.
Tinh hoa, khí phách của dân tộc
Là hiện thân và là biểu tượng của dân tộc, Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần dân tộc trong chỉnh thể tư tưởng - đạo đức - phong cách của mình, thống nhất hữu cơ giữa lý luận và thực tiễn, giữa nhận thức và hành động, sự nhất quán triệt để về mục đích, quan điểm lập trường, tính kiên định về nguyên tắc với sự uyển chuyển, linh hoạt về phương pháp.
Sáng tạo về phương pháp là một đặc điểm nổi bật trong hành trình tư tưởng và hoạt động thực tiễn của Người suốt 60 năm tranh đấu, từ tìm đường cứu nước, cứu dân đến tổ chức và lãnh đạo toàn dân Giải phóng dân tộc, giành Độc lập và Phát triển dân tộc tới Chủ nghĩa xã hội, thực hiện khát vọng Tự do và Hạnh phúc. Phương pháp Hồ Chí Minh, từ phương pháp cách mạng, phương pháp lãnh đạo, quản lý đến phương pháp ứng xử với con người, với tổ chức, với công việc... là phương pháp khoa học ở tầm tư tưởng, là phương pháp thực hành trong lối sống, nếp sống với những chuẩn mực đạo đức đồng thời tạo nên phong cách mang dấu ấn đặc sắc riêng có của Hồ Chí Minh - con người Việt Nam đẹp nhất, cũng là người chiến sĩ quốc tế chân chính, gắn liền dân tộc với quốc tế, với thời đại và thế giới nhân loại.
Tinh thần dân tộc là hồn cốt văn hóa của dân tộc mà Hồ Chí Minh, hơn ai hết là người thấm nhuần sâu sắc nhất, lại bền bỉ thực hành sáng tạo nhất và nhờ đó, Văn hóa dân tộc Việt Nam được thăng hoa bởi Văn hóa Hồ Chí Minh. Sức mạnh Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại đã rèn luyện nên cốt cách, bản lĩnh sức mạnh Hồ Chí Minh. Người đã làm nên những chuyển tiếp lịch sử - đưa Việt Nam, Tổ quốc và dân tộc yêu quý của Người đến với thế giới và làm cho thế giới đến với Việt Nam, hiểu Việt Nam, hết lòng ủng hộ giúp đỡ Việt Nam thực hiện sứ mệnh tiên phong chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân tàn bạo. Thế giới tôn vinh Người - Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất - một trong những Danh nhân có tầm ảnh hưởng lớn lao nhất trong thế giới nhân loại là vì vậy.
Nghiên cứu tiểu sử Hồ Chí Minh ta thấy nhiều cung bậc khác nhau, đầy ắp các sự kiện, xuyên qua những hoàn cảnh, cả những nghịch cảnh éo le, trải qua những tình huống, những thử thách hiểm nghèo nhưng trước sau vẫn chỉ là một con người Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, "một người toàn vẹn chỉ Việt Nam". Con người ấy chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm cho nước nhà được độc lập, Tổ quốc thống nhất, dân tộc được tự do và đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, được học hành, có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Bởi mục đích, động cơ cao thượng ấy dẫn dắt và thúc đẩy mà ở Người, trước sau là một ý chí, một niềm tin, một khát vọng mãnh liệt không bao giờ thay đổi. Ở Người, ý chí và niềm tin mãnh liệt thể hiện ở nghị lực phi thường, ở tình thương yêu nhân dân vô hạn, ở đức hy sinh quên mình "vô ngã vị tha", một lòng một dạ "tận trung với nước, tận hiếu với dân", tự mình thực hành và nêu gương thực hành cho tất cả mọi người, nhất là với cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, "tuyệt đối không màng danh lợi", "suốt đời ở ngoài vòng danh lợi". Người tự dặn mình và căn dặn các đồng chí mình phải theo phương châm "Dĩ công vi thượng", "Tinh thần đoàn kết", cũng có nghĩa là "Tổ quốc trên hết", "Dân tộc trên hết", "làm điều lợi cho dân, khó mấy cũng phải làm bằng được", "hết sức tránh điều hại tới dân, dù chỉ một cái hại nhỏ". Đủ hiểu vì sao Người nêu cao Quyết tâm, chú trọng Tín tâm, nỗ lực phát huy Đồng tâm. Đó là điểm đồng quy, là nơi phát sáng sức mạnh toàn dân tộc để kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành.
Vì nồng nàn yêu nước thương dân, vì trung thành tuyệt đối với Tổ quốc và nhân dân, với lý tưởng cao cả của Đảng: độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội mà Người suốt đời "nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", nỗ lực xây dựng Đảng thật trong sạch để thật vững mạnh, "Đảng ta là đạo đức, là văn minh" để xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đó là nơi kết tinh không chỉ tình cảm sâu sắc mà còn là trách nhiệm lớn lao của Người, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với nền độc lập, thống nhất, hòa bình của Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của toàn dân tộc và nhân dân. Từ đây, tinh thần dân tộc của Bác Hồ cũng ngày càng tỏ rõ, đó là sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, trở thành một trong những quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam. Đó cũng là hệ giá trị quốc gia của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh mà Đảng và nhân dân ta đang nỗ lực xây dựng và thực hiện dưới ánh sáng tư tưởng của Người.
"Huyền thoại của thế giới"
Trên phương diện khoa học và văn hóa, nói tới Hồ Chí Minh là nói tới nhà tư tưởng Mác xít sáng tạo, đầy bản lĩnh, có cốt cách triết gia, lại lấp lánh ánh sáng minh triết, mẫn tiệp, thông tuệ, "tư tưởng ở giữa hai dòng chữ" vừa uyên bác vừa uyên thâm làm ngạc nhiên không ít người, ngay cả những người trong giới nghiên cứu chuyên nghiệp. Là nhà tư tưởng và nhà văn hóa kiệt xuất, Hồ Chí Minh có cách biểu đạt của "Triết học vô ngôn". Là lãnh tụ, chính khách, con người hành động, có tầm mắt đại dương, Hồ Chí Minh không ít lần đưa ra "những thông điệp không lời" trên cương vị nguyên thủ quốc gia. Nói tới Hồ Chí Minh, những người bạn quốc tế yêu mến Việt Nam đã nhắc đến "huyền thoại Hồ Chí Minh" ngay từ khi Người còn sống. Huyền thoại ấy của Người, về Người cũng lại là huyền thoại Việt Nam, huyền thoại mẹ Việt Nam, từ mẹ Hoàng Thị Loan đã sinh ra Người đến các mẹ Việt Nam anh hùng trong lịch sử dựng nước, giữ nước, trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ. Từ các sự kiện lịch sử và từ những luận điểm tư tưởng của Người, có thể nhận xét rằng:
Trong các văn phẩm lý luận của Hồ Chí Minh chữ "DÂN", chữ "NƯỚC" gắn bó máu thịt với Tổ quốc - Dân tộc - Nhân dân là những chữ có tần số lớn nhất trong bảng từ vựng Hồ Chí Minh.
Trong hoạt động thực tiễn, phần quan trọng, đặc sắc của Di sản Hồ Chí Minh, Người là lãnh tụ suốt đời gần dân, sống với dân và vì dân. Trong trái tim mênh mông của Người có tất cả mọi người, mọi cuộc đời, mọi số phận. Và trong trái tim của mỗi người chúng ta đều có hình ảnh của Người. Mỗi chặng đường lịch sử, mỗi bước ngoặt thử thách của dân tộc ta đều gắn với những thông điệp của Người. Hãy cùng nhau suy ngẫm trên một vài sự kiện và luận điểm sau đây:
Trong lán Nà Lưa, Sơn Dương, Tân Trào, Tuyên Quang, bên thềm Cách mạng Tháng Tám, Người chẳng may ốm nặng. Khi tỉnh dậy Người nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: "Dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành cho được độc lập".
Trong Lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, giữa núi rừng Việt Bắc, căn cứ địa cách mạng vào thời điểm hệ trọng phải đón kịp lấy thời cơ, Người nhấn mạnh "Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".
Trong Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ ngày 2-9-1945, Người khẳng định "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Những sự kiện và tư tưởng đó, qua một vài ví dụ đủ cho thấy tầm vóc và ảnh hưởng của Hồ Chí Minh, cũng là hình ảnh, tinh hoa, khí phách dân tộc Việt Nam. Phát huy cao độ sức mạnh dân tộc, tinh thần dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đang ra sức đổi mới sáng tạo, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn. Khát vọng ấy như ngọn lửa thiêng mà Bác Hồ đã thắp sáng trong buổi đầu xây dựng chính thể Cộng hòa Dân chủ.
Phải trở thành dân tộc thông thái
Khát vọng phát triển của Hồ Chí Minh ngày nay đang được thực hiện và nhất định sẽ làm nên kỳ tích vào giữa thế kỷ này, đúng như tâm nguyện của Người: "Dân tộc Việt Nam phải trở thành một dân tộc thông thái", "Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là xây dựng một xã hội văn hóa cao".
Nỗ lực biến khát vọng thành hiện thực, đó là thể hiện trách nhiệm cao nhất với dân tộc của mỗi chúng ta. Đó cũng là thể hiện tình cảm sâu nặng của chúng ta đối với Người.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/bac-ho-va-tinh-than-dan-toc-20230106185006819.htm