Bác Hồ với Chính phủ Việt Nam: Những phát kiến lịch sử

Bác Hồ với Chính phủ Việt Nam là tác phẩm do NXB Trẻ ấn hành chào mừng ngày bầu cử toàn quốc bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tập sách tập hợp nhiều sử liệu và phân tích theo 2 giai đoạn: Hồ Chí Minh đứng ra thành lập Chính phủ (1945-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945-1969) và phần nhận định thiết thực chủ đề: Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và rèn luyện Chính phủ công bộc.

* 5 lần kiện toàn chính phủ

Bốn phát kiến giá trị thực tiễn của Bác Hồ

Một là, lập cho được một chính phủ có nhiều thành phần, luôn mở rộng thành phần trong một quốc gia thống nhất (dù lâm thời hay chính thức, liên hiệp hay quốc gia kháng chiến) đều gồm nhiều đại diện của các đảng phái, đoàn thể, ngày càng mang tính dân chủ hơn, mở rộng thành phần tham gia, đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân.

Hai là, xác định cho được mục tiêu mục đích và biện pháp thực hiện mục tiêu, mục đích nhất quán ấy (nêu ra ngay từ đầu đến cuối - kể cả lúc thế nước ngàn cân treo sợi tóc và trong kháng chiến trường kỳ): vì độc lập và giữ vững độc lập, muốn vậy chỉ một cách để thực hiện là đoàn kết, hợp tác để có sức mạnh đoàn kết.

Ba là, phải dựa trên cơ sở pháp lý nền dân chủ để có một chính phủ hợp hiến hợp pháp - Hội đồng Chính phủ lâm thời (3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Cuộc Tổng tuyển cử 6-1-1946 đưa đến sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã củng cố tính pháp lý của Nhà nước Việt Nam mới; qua đó các kỳ họp Quốc hội là cơ sở trực tiếp cho Chính phủ thành lập, củng cố, kiện toàn, đặc biệt là xây dựng và ban hành Hiến pháp dân chủ.

Bốn là, phải xây dựng một chính phủ theo nguyên tắc Chính phủ đoàn kết tập hợp nhân tài, chính phủ liêm khiết, chính phủ “biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích, trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà” (kỳ họp thứ 2 tháng 10 và 11-1946). Muốn có chính phủ như vậy thì phải có người đứng đầu nêu gương liêm khiết, mẫu mực đoàn kết thống nhất, cán bộ chính phủ phải được rèn luyện thành cán bộ công bộc, làm đày tớ cho dân.

(Theo PGS-TS Hà Minh Hồng, chủ biên ấn phẩm Bác Hồ với Chính phủ Việt Nam)

PGS-TS Hà Minh Hồng, Giảng viên cao cấp Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), tác giả chủ biên ấn phẩm Bác Hồ với Chính phủ Việt Nam, bày tỏ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị kiến trúc sư trưởng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - đã làm được 4 việc lớn có ý nghĩa mang giá trị “phát kiến” ngay từ những ngày đầu nền dân chủ cộng hòa - những ngày đầu của Quốc hội đầu tiên, Chính phủ cách mạng đầu tiên. Càng trải qua thời gian (hơn 75 năm, 14 khóa Quốc hội…) càng cho thấy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn”.

“Và trước khi nói đến phát kiến giá trị, chúng ta hãy biết rằng trong hơn 1 năm kể từ lúc khai sinh ra nền dân chủ cộng hòa (2-9-1945) đến trước khi bước vào Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 4 lần kiện toàn chính phủ: năm 1945 - 2 lần, năm 1946 - 2 lần. Khi kết thúc kháng chiến chống thực dân Pháp (vẫn trong nhiệm kỳ khóa I), Người lại kiện toàn lần nữa - tổng cộng là 5 lần. Cho thấy sự thấu hiểu yêu cầu và nhiệm vụ lịch sử về một chính phủ của dân, do dân, vì dân; là quá trình rèn luyện một chính phủ công bộc; cũng là thời gian đủ để nhân dân trông thấy trong thực tế và chiêm nghiệm về những người đại diện cho dân được bầu lên qua kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên (6-1-1946)” - PGS-TS Hà Minh Hồng chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần ngày 19-5.

* Đặt quyền lợi dân “lên trên hết thảy”

Bác Hồ nêu cao bản chất chính phủ của dân, do dân, vì dân, chính phủ công bộc phải là “Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người”. Từ người đứng đầu chính phủ - Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến các thành viên chính phủ và tất cả các bộ, ngành đều “đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”.

Chia sẻ cảm nhận và phân tích về ý trên của Bác, PGS-TS Hà Minh Hồng đánh giá: “Bác đặt ra yêu cầu như thế không phải là cao, bởi suy cho cùng bất cứ một người cán bộ nào từ lãnh đạo cao cấp đến lãnh đạo các cấp dưới đều từ một người dân mà đi lên, trước hết là một người dân, bản thân người cán bộ và gia đình của anh là những công dân - Công dân, người dân luôn mong muốn cán bộ đi sâu đi sát dân, tức là đi sâu đi sát thực tế cuộc sống, đơn giản vậy thôi, nếu đơn giản vậy mà không làm được thì rất phi lý”.

“Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh” - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhưng cần nhận rõ: đây không phải yêu cầu của cá nhân con người Bác Hồ, mà là yêu cầu của Chính phủ của dân, do dân, vì dân - yêu cầu nhiệm vụ lịch sử của chính quyền mới, chính quyền cách mạng mưu tự do hạnh phúc cho mọi người - đông đảo các tầng lớp nhân dân (khác với chính quyền thực dân phong kiến tay sai mưu lợi nhuận tư bản, áp bức bóc lột nhân dân). Độc lập - Tự do - Hạnh phúc là khát vọng, là mục tiêu phấn đấu, Chính phủ nhân dân là tập hợp những con người của dân, do dân, vì dân nên Chính phủ phải biết làm việc cho mục tiêu khát vọng ấy. Đặt “quyền lợi dân lên trên hết thảy” là yêu cầu, nhiệm vụ, là trọng trách, chức năng, cũng là đạo đức cao cả của người cán bộ Chính phủ - những người được dân bầu lên, cử lên Chính phủ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “là người lính vâng mệnh quốc dân”.

Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam

Cũng nhân dịp ngày bầu cử toàn quốc 23-5-2021, tập sách Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam ra mắt ấn bản in mới nhất có sửa chữa.

Đây là một tư liệu quý giá được trình bày khoa học, cụ thể với các chương kể về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quốc hội Việt Nam trong 23 năm (1946-1969): Từ Quốc dân đại hội đến Quốc hội Việt Nam, Bác Hồ tiếp xúc cử tri, Bác Hồ với các kỳ bầu cử Quốc hội, Bác Hồ với các kỳ họp Quốc hội, Bác Hồ nhận lãnh trách nhiệm nguyên thủ quốc gia trước Quốc hội và Bác Hồ với Hiếp pháp được thông qua tại Quốc hội.

Tập sách nhắc nhớ ngay từ những năm đầu tiên của Quốc hội Việt Nam, Bác Hồ đã tổ chức Chính phủ và xây dựng Nhà nước, tham gia dự thảo Hiến pháp..., góp phần mở đường cho nền cộng hòa và Quốc hội Việt Nam đi đến những thành tựu như ngày hôm nay.

Cẩm Điệp

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202105/bac-ho-voi-chinh-phu-viet-nam-nhung-phat-kien-lich-su-3058044/