Bác Hồ với tổ chức Công đoàn và công nhân lao động

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thày vĩ đại của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Sinh thời, Người đã nhiều lần đến thăm, nói chuyện về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, trong đó có giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thày vĩ đại của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thày vĩ đại của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Sinh thời, Bác dặn các đồng chí lãnh đạo Hội Công nhân cứu quốc (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam): “Để có điều kiện mở rộng và tập hợp đoàn viên thì phải có cán bộ và muốn có cán bộ thì phải mở lớp đào tạo, phải thành lập trường trước, sau đó mới mộ quân”.

Thực hiện lời dạy của Bác, ngày 15/5/1946, lớp cán bộ công vận đầu tiên được khai mạc tại đình Khuyến Lương, xã Trần Phú, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Sau này, với tình cảm và sự quan tâm đến sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, Bác Hồ đã nhiều lần về thăm Trường Đại học Công đoàn - cái nôi đào tạo cán bộ công đoàn Việt Nam.

Ngày 19/1/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân viên, học viên Trường Cán bộ Công đoàn. Tại đây, Bác căn dặn: “Công đoàn phải tuyên truyền đường lối, chính sách chung của Đảng vì Đảng mình là Đảng của giai cấp vô sản. Đường lối chung là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được.

Đảng mà không có giai cấp công nhân cũng không làm được gì. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc. Bởi thế, Công đoàn phải hiểu để giải thích cho công nhân hiểu rằng công nhân không có sự lãnh đạo của Đảng thì không làm cách mạng thành công được, không thắng lợi được. Vì vậy, phải tuyên truyền sâu rộng chính sách chung của Đảng trong hàng ngũ công nhân”.

Là đơn vị vinh dự được 3 lần đón Bác về thăm, ông Nguyễn Đoàn Thăng - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông kể: Bác Hồ rất quan tâm tới việc học tập, đào tạo, nâng cao trình độ của công nhân viên chức, nhất là thanh niên. 56 năm về trước, vào ngày 28/4/1964, khi Người về thăm Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, tới phân xưởng Cơ khí - Đột dập, thấy trên tường có câu khẩu hiệu "Học - Học nữa - Học mãi" viết bằng tiếng nước ngoài, Bác khen: "Thanh niên chịu khó học tập để thêm hiểu biết là điều rất quý". Tới phân xưởng Thủy tinh, Bác hỏi thợ thổi: - "Các chú được đào tạo nghề ở đâu? - Dạ thưa Bác, chúng cháu được đào tạo tại Nhà máy ạ. - Bác khen: Thế thì các chú làm việc giỏi đấy!".

Đến thăm nhà máy, thấy vệ sinh công nghiệp, cảnh quan môi trường Nhà máy còn chưa tốt, Bác nói: "Bác đã có dịp đến thăm những nhà máy ở nước bạn, anh em công nhân nước bạn giữ nhà máy rất sạch, rất đẹp. Còn Nhà máy Bóng đèn Phích nước của chúng ta đây bẩn quá, máy móc bẩn này, tường nhà bẩn này, nơi làm việc cũng bẩn này. Vệ sinh công nghiệp không đảm bảo thì ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, có đúng không các chú!"

Bác Hồ còn dặn: “Tổ chức chính quyền cần có kế hoạch, biện pháp sát đúng. Tổ chức thật tốt bộ máy quản lý, đội ngũ những người làm công tác khoa học kỹ thuật, nhằm tăng năng suất lao động, chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, thực hành tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Đó là ý thức giai cấp, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi cán bộ, công nhân”...

“Hàng chục năm nay, ở mọi nơi làm việc của tất cả các đơn vị trong Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đều có bàn thờ Bác Hồ, trang trọng ghi nhớ những lời dạy của Bác Hồ, hình ảnh Bác Hồ đứng nói chuyện với Đảng bộ và cán bộ, công nhân viên Nhà máy nhắc nhở chúng tôi hàng ngày.

Và phong trào “Thi đua làm theo lời Bác dạy” tiến hành thực chất, thiết thực đều đặn và bài bản gần 1/3 thế kỷ đã đưa Rạng Đông liên tục phát triển năm sau cao hơn năm trước, cùng với đó cuộc sống của cán bộ, công nhân viên ngày càng khấm khá, tốt đẹp là minh chứng thực tế đi vào lòng người, thuyết phục hơn bất cứ lời thuyết giảng nào”, ông Nguyễn Đoàn Thăng khẳng định.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bac-ho-voi-to-chuc-cong-doan-va-cong-nhan-lao-dong-108186.html