Bắc Kạn: Chính quyền bảo lãnh để hộ nghèo có vật liệu xóa nhà tạm, nhà dột nát
Để hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có kinh phí đối ứng xóa nhà tạm, nhà dột nát, chính quyền các xã tại huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đã mạnh dạn đứng ra bảo lãnh với các nhà cung cấp để người dân được ứng trước vật liệu.
Xã An Thắng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn (hiện có 85 hộ gia đình thuộc diện xóa nhà tạm, nhà dột nát) là địa bàn đồi núi nên chi phí vận chuyển vật liệu thường tăng cao; Mặt khác, nhiều hộ không có khả năng đối ứng trước vật liệu để xây dựng nhà ở. Với quyết tâm hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong thời gian sớm nhất, Đảng ủy, chính quyền xã đã quyết định đứng ra bảo lãnh với các đơn vị cung ứng để các gia đình có vật liệu, sau khi nhà hoàn thành sẽ nghiệm thu, thanh toán từ nguồn ngân sách hỗ trợ. Với cách làm này, đến nay đã có hơn 10 hộ gia đình được xã đứng ra bảo lãnh vật liệu để làm nhà.
Ông Lý Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã An Thắng, huyện Pác Nặm cho biết: “Do nguồn vật liệu địa phương khan hiếm nên giá bị đẩy lên dẫn đến khó khăn cho các hộ thuộc diện xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chúng tôi đã bàn trong Ban chỉ đạo xóa nhà tạm xã và thống nhất với các hộ là những hộ chưa có khả năng đối ứng vật liệu chúng tôi liên hệ với các cửa hàng, UBND xã sẽ đứng ra để bảo lãnh cho các hộ lấy vật liệu. Như vậy, để các hộ triển khai sớm theo tinh thần chỉ đạo của huyện”.

Năm 2025, tỉnh Bắc Kạn dự kiến xóa hơn 4.700 nhà tạm, nhà dột nát
Tại xã Công Bằng, trong số 168 nhà tạm, nhà dột nát cần xây dựng và sửa chữa của năm nay, xã đã đứng ra bảo lãnh cho hơn 40 hộ nghèo lấy vật liệu xây dựng từ các đơn vị cung ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà.
Bà Đặng Mùi Sếnh (dân tộc Dao ở thôn Nặm Cáp, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm) bày tỏ: “Vật liệu nhà chưa có tiền nên được cho mua chịu ở chợ Công Bằng, khó khăn quá nên tôi được nợ. Tôi được nhà nước hỗ trợ 60 triệu, tôi cố gắng làm nhà, tôi cám ơn lắm, nếu không được hỗ trợ, gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn, không có tiền làm nhà ở”.
Năm 2025, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn dự kiến sẽ xóa hơn 1.000 nhà tạm, nhà dột nát. Đây là việc không dễ thực hiện với một địa phương có hơn 40% gia đình thuộc diện hộ nghèo và có nhiều hộ không thể bố trí được kinh phí đối ứng. Bởi theo quy định, các nguồn vốn hỗ trợ sẽ được giải ngân sau khi công trình hoàn thiện, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Do đó, việc chính quyền đứng ra bảo lãnh với các đơn vị cung ứng vật liệu cũng là cách làm thiết thực, giúp hàng trăm hộ an tâm tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội góp phần giúp Bắc Kạn nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Ông Trịnh Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cho biết, dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, đến thời điểm này, Pác Nặm đã khởi công được hơn 400 ngôi nhà.
“Chúng tôi yêu cầu các xã rà soát, lên danh sách từng hộ về các điều kiện như giao thông, vận chuyển vật liệu, số nhân khẩu, có kinh phí đối ứng hay không… Từ đó, trong phương án của xã cũng như của huyện đã có những phương án cụ thể, ví dụ, vướng mắc về đất đai chúng tôi chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã tháo gỡ khó khăn về đất đai cho người dân. Những hộ khó khăn về kinh phí đối ứng chúng tôi cũng giao các đơn vị giúp đỡ cả về ngày công cũng như cả về nhân lực, kinh phí, tùy điều kiện khả năng của từng đơn vị…với tinh thần vào cuộc của cả hệ thống chính trị”.
Chính quyền đứng ra bảo lãnh để người dân có vật liệu xây nhà thể hiện tinh thần trách nhiệm của huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, giúp tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Quyết định này cũng cho thấy quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chương trình, thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc quan tâm, chăm lo đời sống người dân ở khu vực miền núi vốn cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn.