Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Tập trung giải quyết dứt điểm các nội dung EC quan tâm trước ngày 15/9

DG-MARE đề nghị Việt Nam cần tập trung khắc phục một số tồn tại để đối thoại về chống khai thác IUU giữa Việt Nam và Ủy ban châu Âu (EC) có thể tiến triển trong thời gian tới.

Bộ đội Biên phòng kiểm tra tàu cá KG 91565 TS. Ảnh: TTXVN

Bộ đội Biên phòng kiểm tra tàu cá KG 91565 TS. Ảnh: TTXVN

Bộ nông nghiệp và Môi trường vừa có Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Kế hoạch hành động cao điểm, cấp bách thực hiện khuyến nghị cảnh báo “thẻ vàng” và chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu”.

Ngày 24/3/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã nhận được Điện số 48/HTZN ngày 13/3/2025 của Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU, ngày 20/3/2025, Cục Thủy sản và Kiểm ngư nhận được email từ Tổng vụ các vấn đề về Biển và Hải sản Ủy ban châu Âu (DG-MARE).

Theo đó, DG-MARE đề nghị Việt Nam cần tập trung triển khai khắc phục một số tồn tại hiện nay (kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển và tại cảng; xử phạt các hành vi vi phạm quy định về ngắt kết nối hệ thống giám sát tàu cá (VMS), vượt ranh giới cho phép khai thác trên biển; đặc biệt là ngăn chặn, xử lý tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài) để đối thoại về chống khai thác IUU giữa Việt Nam và Ủy ban châu Âu (EC) có thể tiến triển trong thời gian tới.

Phía DG-MARE đề nghị Việt Nam gửi báo cáo tiến độ trước ngày 15/9/2025 và DG-MARE sẽ thực hiện đợt thanh tra lần thứ 5 vào cuối năm 2025 nếu báo cáo cho thấy sự tiến triển giải quyết các tồn tại nêu trên.

Tiếp tục thúc đẩy kế hoạch gỡ cảnh báo “thẻ vàng” tại đợt thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã rà soát, tổng hợp, đánh giá các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân để đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp và kết quả phải đạt được để khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU; trong đó tập trung giải quyết dứt điểm các nội EC quan tâm từ nay đến trước ngày 15/9/2025 (thời điểm gửi báo cáo tiến độ cho EC) và chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra lần thứ 5 của EC đảm bảo đạt kết quả tốt nhất, quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” tại đợt thanh tra lần này gồm: quản lý đội tàu; kiểm soát hoạt động tàu cá; truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; thực thi pháp luật, xử lý vi phạm.

Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện liên quan đến quy định pháp luật, chức năng và nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành, địa phương như Bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Tư pháp, Xây dựng, Tài chính và chính quyền địa phương ven biển như: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh....

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành “Kế hoạch hành động cao điểm, cấp bách thực hiện khuyến nghị cảnh báo “thẻ vàng” và chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu”, để phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện, gắn với thời gian hoàn thành, kết quả đạt được cụ thể để giải quyết dứt điểm 6 nội dung EC quan tâm và chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra lần thứ 5 một cách đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm đến tháng 8/2025.

Về quản lý đội tàu, hoàn thành việc rà soát, định danh tàu cá trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (VneID) để kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) và hệ thống giám sát tàu cá (VMS). Hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, cấp hoặc gia hạn giấy phép; đối soát dữ liệu thông tin của từng tàu cá, cập nhật đầy đủ, chính xác dữ liệu thông tin tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) và hệ thống giám sát tàu cá với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư VNeID.

100% tàu cá đã đăng ký phải viết biển số, đánh dấu tàu cá theo quy định. Các tàu phục vụ nuôi trồng thủy sản và tàu dịch vụ khác đăng ký theo quy định để không còn tàu cá không viết biển số, không đánh dấu tham gia hoạt động tại các địa phương.

Tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản được lập danh sách, phân loại từng trường hợp cụ thể, bố trí vị trí neo đậu tập trung; niêm yết danh sách tại cộng đồng dân cư và thực hiện niêm phong tàu cá, không để ngư cụ và trang thiết bị trên tàu cá; giao chính quyền cấp cơ sở giám sát vị trí neo đậu 100% tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản.

Thực hiện nghiêm quy định về xóa đăng ký, đăng ký lại tàu cá; rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, chuyển nhượng không thực hiện sang tên đổi chủ, đăng ký lại tàu cá; không cho hoạt động khai thác thủy sản.

Xử lý nghiêm các cơ sở công chứng thực hiện công chứng hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, sang tên đổi chủ tàu cá không theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thủy sản (giấy chấp thuận mua bán tàu cá, thông báo chuyển hạn ngạch giấy phép khai thác....).

Về kiểm soát hoạt động tàu cá, đối với kiểm soát tàu cá ra vào cảng, xuất nhập bến, thực hiện nâng cấp các cảng cá đã được đầu tư để công bố mở, đưa vào hoạt động theo quy định; thí điểm kiểm soát tàu cá rời, cập cảng và giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng tại cảng cá tư nhân chưa được công bố mở trên Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT).

Đảm bảo tàu cá xuất bến qua các đồn, trạm biên phòng tham gia hoạt động khai thác thủy sản phải có xác nhận rời cảng của cảng cá; tàu nhập bến qua các đồn, trạm biên phòng phải được thông báo đến cảng cá, công an xã, chính quyền cơ sở để kiểm soát, xử lý nếu không cập cảng bốc dỡ thủy sản khai thác theo quy định.

Tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình tại Quảng Bình. Ảnh: Tá Chuyên-TTXVN

Tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình tại Quảng Bình. Ảnh: Tá Chuyên-TTXVN

Về kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, đảm bảo hệ thống giám sát tàu cá (VMS) hoạt động thông suốt, hiệu quả theo quy định. Các nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ VMS phối hợp kiểm tra, hướng dẫn ngư dân lắp đặt, kết nối thiết bị VMS đảm bảo hoạt động ổn định trên tàu cá và kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế thiết bị không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Áp dụng hệ thống báo cáo vị trí tàu cá tự động khi mất kết nối hệ thống VMS trên biển tại Trung ương và địa phương. Khai thác, vận hành, sử dụng hiệu quả hệ thống VMS 24/7 để theo dõi, giám sát, phát hiện, cảnh báo, thông báo tàu cá mất kết nối, vượt ranh giới vùng biển được phép khai thác trên biển làm căn cứ xử lý theo quy định.

Lập danh sách đối tượng nguy cơ cao vi phạm và áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để trinh sát, theo dõi, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tàu cá, ngư dân có ý định vi phạm vùng biển nước ngoài...

Về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đối với sản phẩm thủy sản khai thác trong nước, đảm bảo toàn bộ tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên tham gia hoạt động khai thác thủy sản thực hiện rời, cập cảng trên eCDT tại cảng cá và sử dụng hệ thống nhật ký khai thác thủy sản điện tử theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Đối với sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu, thực hiện Hiệp định các biện pháp quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA); thực hiện kiểm tra, kiểm soát thủy sản nhập khẩu bằng tàu contener.

Về thực thi pháp luật, xử lý vi phạm, củng cố hồ sơ, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; các trường hợp mất kết nối VMS trên 6 giờ không báo cáo vị trí về bờ, trên 10 ngày không đưa tàu cá về bờ, vượt ranh giới cho phép khai thác trên biển từ năm 2024 đến nay đã được phát hiện và tiếp tục xử lý triệt để các hành vi vi phạm phát sinh.

Đồng thời, đưa ra truy tố, xét xử các vụ việc đã khởi tố tại tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Định và tiếp tục khởi tố, truy tố, xét xử các hành vi liên quan đến đưa tàu cá, ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, gửi, vận chuyển thiết bị VMS… theo Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khac-phuc-the-vang-iuu-tap-trung-gia-i-quye-t-du-t-die-m-cac-noi-dung-ec-quan-tam-truo-c-nga-y-15-9/371864.html