Bắc Kạn đặt mục tiêu giảm trên 2% số hộ nghèo trong năm 2025
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu giảm tối thiểu từ 2-2,5% số hộ nghèo trong năm nay.
Năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều của Bắc Kạn giảm 2,49% (từ 21,95% xuống 19,46%), trong đó các huyện nghèo giảm 4,17%, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3,38% đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa nhà tạm cho hộ nghèo, chính sách tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân đã được triển khai một cách đồng bộ. Năm 2024, đã có khoảng gần 5.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo ở Bắc Kạn được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế; Hàng nghìn hộ được vay vốn làm nhà ở, đi làm việc ở nước ngoài, vay vốn giải quyết việc làm, vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên, vay vốn tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường hoặc vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn.
Theo ông Lý Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã An Thắng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, An Thắng là một trong những xã có tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất của huyện với tỉ lệ lên tới trên 70%. Tuy nhiên, với những giải pháp đồng bộ, địa phương đã đạt chỉ tiêu giảm nghèo đề ra là hơn 4,7%.
“Chúng tôi xác định các hộ dự kiến thoát nghèo của năm 2024 và đã phân công các thành viên ban chỉ đạo phụ trách từng thôn, từ đó xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể đến từng hộ về các chỉ số thiếu hụt để có giải pháp thực hiện. Các hộ dân ở đây chủ yếu sinh sống nhỏ lẻ ở các thôn mà hiện nay còn khó khăn về đường giao thông, kéo theo đó cũng có rất nhiều tiêu chí còn thiếu. Chúng tôi cố gắng phát huy nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ nhà ở, phát triển kinh tế cũng như là vận động xã hội hóa để thực hiện được chỉ tiêu giảm 4,7% năm nay”, ông Thanh nói.
Năm 2025, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu giảm từ 2-2,5% tỷ lệ hộ nghèo, trong đó các huyện nghèo giảm 4-5% năm trở lên. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục thực hiện đồng bộ chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huy động và lồng ghép nguồn lực của chương trình với các chương trình MTQG, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nhất là tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
Bà Hoàng Thu Trang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Để đạt được các mục tiêu như vậy tỉnh đã đề ra các giải pháp cụ thể. Đầu tiên cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt ngay từ đầu năm, từ thực hiện các kế hoạch cho đến việc tổ chức thực hiện. Xác định cụ thể từ nguyên nhân nghèo để từ đó là chúng ta đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt là cần phải làm tốt những công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành và bản thân người nghèo thì thấy được trách nhiệm của mình trong công tác giảm nghèo. Đồng thời, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo…”
Cùng với sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, việc nâng cao kiến thức, kinh nghiệm lao động, sản xuất cho người dân... cũng được chú trọng nhằm khơi dậy khát vọng vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và kết quả giảm nghèo phải thực chất và mang tính bền vững.