Bắc Kạn đề nghị giữ quyền chất vấn chánh án và viện trưởng của đại biểu HĐND

Chiều nay (16/4), UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Các tham luận tại hội nghị tập trung vào 2 nhóm nội dung quan trọng: quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; quy định tại chương 9 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Xuân Nghiệp

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Xuân Nghiệp

Ông Trịnh Tiến Long - Phó giám đốc Sở Nội vụ cho rằng Hiến pháp năm 2013 quy định khá chi tiết về hệ thống các đơn vị hành chính theo 3 cấp: tỉnh, huyện, xã, kèm theo tên gọi cụ thể của từng loại đơn vị hành chính ở mỗi cấp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả, việc giữ nguyên cách quy định như hiện tại đã bộc lộ một số hạn chế. Việc quy định quá chi tiết khiến cho cải cách mô hình tổ chức đơn vị hành chính gặp khó khăn, vì bất cứ sự thay đổi nào cũng cần phải sửa đổi Hiến pháp - một văn kiện nền tảng có tính ổn định lâu dài.

Do đó, theo ông Long sửa đổi, bổ sung Điều 110 của Hiến pháp theo hướng không quy định quá chi tiết về tên gọi và cơ cấu của từng loại đơn vị hành chính là hết sức cần thiết. Thay vào đó, Hiến pháp chỉ nên quy định một cách khái quát về hệ thống đơn vị hành chính, tập trung vào 2 cấp chính: tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh.

Đề nghị giữ quyền chất vấn Chánh án và VKSND của đại biểu HĐND

Ông Trịnh Tiến Long và một số đại biểu cũng đề nghị giữ nguyên khoản 2, Điều 115 của Hiến pháp năm 2013. Khoản này hiện quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn “Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND”.

Theo ông Long, đại biểu HĐND có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Lý do là HĐND thực hiện thẩm quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, trong đó bao gồm giám sát hoạt động của “TAND, VKSND và của các cơ quan nhà nước khác” trên địa bàn.

Việc này để bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ở địa phương; phù hợp Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân có 3 cấp “Tối cao, tỉnh và chủ trương khu vực".

Nhiều ý kiến tại hội nghị đề nghị giữ nguyên khoản 2, Điều 115 của Hiến pháp năm 2013 quy định đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn “Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân”. Ảnh: Xuân Nghiệp

Nhiều ý kiến tại hội nghị đề nghị giữ nguyên khoản 2, Điều 115 của Hiến pháp năm 2013 quy định đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn “Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân”. Ảnh: Xuân Nghiệp

Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 8, Hiến pháp năm 2013 yêu cầu các cơ quan nhà nước phải chịu sự giám sát của nhân dân. Các ý kiến nhận định đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương. Vì vậy, cơ quan nhà nước tại địa phương chịu sự giám sát của nhân dân thông qua chất vấn của đại biểu HĐND là phù hợp với các quy định khác của Hiến pháp...

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình cho biết những ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp đầy đủ để báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bảo đảm Hiến pháp thật sự là nền tảng pháp lý vững chắc cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Bảo Khánh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bac-kan-de-nghi-giu-quyen-chat-van-chanh-an-va-vien-truong-cua-dai-bieu-hdnd-2401843.html