Bắc Kạn gỡ khó cho công trình giao thông trọng điểm

Dự án đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể là công trình giao thông trọng điểm. Để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thi công, địa phương đã linh hoạt cho doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân tìm vị trí đổ thải trên cơ sở giám sát chặt chẽ của chính quyền sở tại và chủ đầu tư.

Tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể có chiều dài 37km được xem là huyết mạch giao thông, tháo “điểm nghẽn” để du lịch Bắc Kạn bứt phá. 90% tuyến đường đi qua các đồi núi dốc, nhiều khu vực phải san ủi, tạo taluy dương cao 20-30m. Do đó, lượng đất đá thải phát sinh cũng lên đến hơn 3,4 triệu m3.

Việc cho phép doanh nghiệp chủ động tìm kiếm bãi đổ đất đá thải để giúp người dân cải tạo mặt bằng trên cơ sở giám sát của chính quyền, chủ đầu tư đã "gỡ khó" cho doanh nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến độ công trình

Việc cho phép doanh nghiệp chủ động tìm kiếm bãi đổ đất đá thải để giúp người dân cải tạo mặt bằng trên cơ sở giám sát của chính quyền, chủ đầu tư đã "gỡ khó" cho doanh nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến độ công trình

Theo phương án thi công, chủ đầu tư đã bố trí 10 vị trí đổ thải, nhưng do địa hình chia cắt, đường công vụ không đảm bảo và lượng đất đá thải phát sinh rất lớn nên có không ít gói thầu phải thi công cầm chừng, thậm chí tạm dừng. Để đảm bảo tiến độ công trình, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có văn bản chấp thuận cho doanh nghiệp chủ động tìm kiếm các bãi đổ thải trên cơ sở thỏa thuận với người dân để cải tạo mặt bằng; Trong quá trình thực hiện, chủ dự án phối hợp với các hộ dân và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, khảo sát, chỉ đạo đơn vị thi công có văn bản cam kết đảm bảo an toàn, không để xảy ra ô nhiễm hoặc sự cố môi trường.

Ông Nguyễn Đình Lại, Công ty tư vấn giám sát Thăng Long cho biết: “Vừa rồi có chủ trương của UBND tỉnh Bắc Kạn cho doanh nghiệp thỏa thuận cùng chính quyền, người dân để giải quyết bãi đổ thải, làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất. Trước đây bãi đổ cũng có nhưng đường tiếp cận rất khó nên không đủ. Trên cơ sở đó, nhà thầu đã làm việc với người dân, chính quyền địa phương và các đơn vị, ban ngành để qua đó đã giải quyết được 2 khó khăn trên, đẩy nhanh thi công và kịp tiến độ”.

Tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chủ yếu qua địa hình đồi núi, lượng đất đá thải phát sinh lên đến hàng triệu m3

Tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chủ yếu qua địa hình đồi núi, lượng đất đá thải phát sinh lên đến hàng triệu m3

Các bãi đổ thải theo quy hoạch không đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp

Các bãi đổ thải theo quy hoạch không đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp

Với việc gỡ khó cho doanh nghiệp, tiến độ của công trình trọng điểm này đã đẩy nhanh rõ rệt. Hiện dự án đã cơ bản đạt khoảng 65% kế hoạch và sẽ thông xe kỹ thuật cuối năm nay. Đồng thời, chủ trương này cũng giúp người dân ven tuyến đường có thêm quỹ đất để sản xuất nông lâm nghiệp cũng như hướng tới kinh doanh dịch vụ theo quy hoạch.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do áp lực tiến độ cũng như vị trí đủ điều kiện đổ thải phục vụ cải tạo mặt bằng hạn chế, đã có tình trạng doanh nghiệp đổ đất đá thải vượt khối lượng tại vị trí tự thỏa thuận. Trước thực trạng này, Sở TN&MT Bắc Kạn phối hợp đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện một số vị trí đổ thải chưa đúng quy định tại các xã Quảng Khê, Đồng Phúc (huyện Ba Bể); Một số điểm có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước và diện tích đất canh tác của người dân lân cận khi trời mưa lớn... cho thấy còn có sự thiếu chặt chẽ trong phối hợp giám sát cũng như kiểm tra đối với việc đổ thải tại khu vực này.

Hiện nay nhiều vị trí đang được thảm nhựa, dự kiến sẽ thông xe ngay trong năm 2023

Hiện nay nhiều vị trí đang được thảm nhựa, dự kiến sẽ thông xe ngay trong năm 2023

Ông Trung Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn nói: “UBND huyện đã có chỉ đạo, đặc biệt là với 2 xã Đồng Phúc và Quảng Khê (Ba Bể) trong quá trình phối hợp thực hiện dự án trên địa bàn cần thực hiện tốt quản lý nhà nước về đất đai cũng như bảo vệ môi trường. Các xã cũng đã có kiểm tra, lập biên bản một số trường hợp... ở những vị trí đoạn tuyến có ảnh hưởng đến đời sống người dân. Huyện cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ công tác liên ngành tiếp tục kiểm tra điểm đó, nếu chưa khắc phục sẽ phải khắc phục ngay và xử lý nghiêm nếu tiếp tục vi phạm”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bắc Kạn cho biết, việc tạo cơ chế linh hoạt của UBND tỉnh Bắc Kạn là yếu tố đẩy nhanh tiến độ công trình, đồng thời là tiền đề quan trọng để đơn vị sớm triển khai đoạn 38km còn lại nối từ hồ Ba Bể sang huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang: “Chúng tôi sẽ cho rà soát lại, những chỗ nào có ảnh hưởng đến người dân, tổ chức doanh nghiệp sẽ cương quyết yêu cầu đơn vị thi công phải khắc phục và có biện pháp xử lý đảm bảo lâu dài. Trước mắt chúng tôi sẽ cho rà soát lại toàn bộ các vị trí thỏa thuận của doanh nghiệp và người dân có nhu cầu cải tạo đất và cả vị trí trong quy hoạch đổ đất đá thừa của Dự án. Chúng tôi cũng yêu cầu tư vấn giám sát và giám sát của chủ đầu tư tăng cường kiểm tra, tránh ảnh hưởng đến người dân”.

Tuyến đường Thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang đang dần hình thành và sẽ là huyết mạch giao thông, góp phần gỡ "điểm nghẽn" cho du lịch Bắc Kạn

Tuyến đường Thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang đang dần hình thành và sẽ là huyết mạch giao thông, góp phần gỡ "điểm nghẽn" cho du lịch Bắc Kạn

Chủ trương của UBND tỉnh Bắc Kạn đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và chủ đầu tư, giúp đẩy nhanh tiến độ công trình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần sự giám sát chặt chẽ hơn nữa của chính quyền cơ sở... tránh tình trạng người dân, doanh nghiệp lợi dụng đổ đất đá thải tràn lan, đe dọa môi trường sinh thái cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sản xuất của người dân.

Công Luận/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/bac-kan-go-kho-cho-cong-trinh-giao-thong-trong-diem-post1034649.vov