Bắc Kạn kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách dân tộc - miền núi
Với hơn 88% số dân là người dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, tỉnh Bắc Kạn luôn tiên phong, sáng tạo, nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác dân tộc. Qua đó góp phần ổn định an ninh chính trị, giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS. Nhằm nâng hiệu quả việc thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ liên quan đến công tác dân tộc. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác tổ chức thực hiện để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Triển khai chính sách đầy đủ, kịp thời
Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện đối với từng chương trình, đề án, chính sách dân tộc; chỉ đạo các đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc và Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, với tính bao phủ toàn diện các lĩnh vực, Chương trình đang bước đầu tạo ra thay đổi tích cực tại các địa bàn khó khăn. Trong hai năm 2022, 2023, từ nguồn vốn của Chương trình, tỉnh đã thực hiện 57 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các thôn, bản còn khó khăn về nước sạch; giao trên 18 tỷ đồng cho các địa phương mua téc, vòi dẫn nước, tạo nguồn nước sinh hoạt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS, góp phần mang lại nguồn nước bảo đảm, giúp nâng cao sức khỏe của cộng đồng. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng dần được hoàn thiện, giúp việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền trở nên dễ dàng hơn, tạo ra nhiều kỳ vọng cho hộ nghèo vùng DTTS.
Ngoài ra, tỉnh cũng thường xuyên theo dõi, nắm tình hình địa bàn vùng DTTS, đặc biệt là các điểm tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự, thiên tai, dịch bệnh và duy trì hoạt động của nhóm zalo tháo gỡ khó khăn cho các địa phương… Qua đó, đã giúp các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước được triển khai đầy đủ, kịp thời và đúng quy định, tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện phấn đấu vươn lên phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống.
Đối với việc thực hiện chính sách với người có uy tín, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho 1.290 người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán; phối hợp với đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc thăm, tặng quà Tết cho 362 người có uy tín; tổ chức 3 lớp tập huấn cho người có uy tín... Nhờ đó, đã tạo điều kiện cho người có uy tín phát huy tốt vai trò tuyên truyền, vận động tại cơ sở góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Gỡ khó tiến độ thực hiện các chương trình
Tỉnh Bắc Kạn được phân bổ gần 1.100 tỷ đồng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 (bao gồm năm 2022, 2023 chuyển sang). Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh được giao tổng kinh phí sự nghiệp thực hiện năm 2024 gần 5,9 tỷ đồng để thực hiện một số hoạt động thuộc các dự án theo phân cấp (Tiểu dự án 4 dự án 5; tiểu dự án 2 dự án 9; tiểu dự án 1 dự án 10; tiểu dự án 3 dự án 10). Đến nay, đã giải ngân được 730 triệu đồng, đạt 12,3% kế hoạch.
Theo đó, triển khai Tiểu dự án 4 (Dự án 5), Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng kế hoạch chi tiết, trên cơ sở đó triển khai lấy nhu cầu đăng ký học lớp đấu thầu, hiện đang thực hiện quy trình đấu thầu để mở lớp; tổ chức 1 đoàn đi học tập kinh nghiệm tổ chức triển khai chương trình ngoài tỉnh cho 37 người tham gia triển khai chương trình các cấp; thực hiện quy trình đấu thầu để mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu. Kết quả, đã giải ngân được 304 triệu đồng, đạt 23,61%. Đối với Tiểu dự án 2, Dự án 9, các huyện tiếp tục duy trì 14 mô hình điểm đã xây dựng năm 2022. Ban Dân tộc đã tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền tại thôn thuộc xã Cổ Linh (Pác Nặm) với hơn 300 người tham gia. Đến nay, đã giải ngân được 85,65 triệu đồng, đạt 17,17%.
Thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 10 với tổng kinh phí 3,4 tỷ đồng, Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện 2 nội dung. Trong đó, biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; nội dung truyền thông, tuyên truyền. Theo đó, Ban Dân tộc đã ban hành văn bản gửi Ủy ban Dân tộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai dự án tại địa phương, trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh tạm dừng mua điện thoại cho người có uy tín theo văn bản của Ủy ban Dân tộc; cấp phát 375 điện thoại cho 375 người có uy tín thuộc 3 huyện Chợ Mới, Pác Nặm, Ba Bể… Kết quả giải ngân đạt 193 triệu đồng, đạt 5,6%. Đối với Tiểu dự án 3, UBND tỉnh đã giao các đơn vị thành viên ban chỉ đạo và các đơn vị phụ trách các dự án tổ chức kiểm tra, giám sát. Trong kỳ báo cáo, Ban Dân tộc đã tổ chức 7 cuộc kiểm tra tại cơ sở, qua đó đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho địa phương. Đến nay, đã giải ngân được 146 triệu đồng, đạt 22,13% kế hoạch.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, Chương trình đã phát sinh nhiều bất cập, hệ thống văn bản hướng dẫn nhiều nhưng chưa đầy đủ, thống nhất và kịp thời. Ngoài ra, một số kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chưa được Ủy ban Dân tộc tháo gỡ kịp thời nên địa phương chưa đủ cơ sở thực hiện, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình. Nhằm nâng hiệu quả việc thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn, Ban Dân tộc sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ liên quan đến công tác dân tộc. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác tổ chức thực hiện để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.