Bắc Kạn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT, phục vụ chuyển đổi số
Việc ứng dụng công nghệ thông tin đang được tỉnh Bắc Kạn triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, nguồn nhân lực CNTT của tỉnh hiện còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, cần sớm cải thiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về chuyển đổi số.
Thiếu và yếu
Hiện toàn tỉnh có 40 công chức, viên chức có trình độ tương đối cao về chuyên ngành CNTT (05 thạc sĩ, 29 người trình độ đại học, 04 người trình độ cao đẳng, 02 công chức không đúng chuyên ngành CNTT). Tại cấp cơ sở, 108/108 xã, phường, thị trấn đã phân công công chức văn hóa - xã hội kiêm nhiệm về nhiệm vụ CNTT, chuyển đổi số cấp xã.
Tại Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông) có 12 viên chức thực hiện vận hành, quản lý và hỗ trợ người dùng các phần mềm dùng chung của tỉnh (01 thạc sĩ và 11 đại học chuyên ngành CNTT). Đây là đơn vị quản lý, vận hành hệ thống Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố, cơ bản mỗi đơn vị đã có 01 cán bộ chuyên trách, phụ trách CNTT. Tuy nhiên, vẫn còn 02 đơn vị chưa có nhân lực có trình độ chuyên môn về CNTT. Đội ngũ cán bộ chuyên trách này được giao nhiều nhiệm vụ khác, chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu xu thế để tham mưu các giải pháp chuyển đổi số thiết thực, hiệu quả.
Đây là một hạn chế rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng chuyển đổi số từng đơn vị, địa phương. Chất lượng chuyển đổi số trong cán bộ công chức, viên chức chưa cao. Tư duy ứng dụng CNTT, khai thác sử dụng thụ động các phần mềm vẫn là chủ yếu, chưa thật sự chủ động sử dụng công nghệ để thay đổi tư duy, đề xuất thay đổi quy trình, cách làm việc theo hướng chuyển đổi số. Chất lượng hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Cần cải thiện để đáp ứng chuyển đổi số
Tỉnh Bắc Kạn đang đẩy mạnh thực hiện lộ trình chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực. Để ứng dụng hiệu quả CNTT trong quá trình chuyển đổi số, điều kiện tiên quyết là phải có nguồn nhân lực có trình độ.
Đến nay, tỉnh đã chỉ đạo, thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) nhằm thống nhất hoạt động tham mưu lĩnh vực chuyển đổi số. Toàn tỉnh có 108 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, 1.292 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn. Đây là lực lượng nòng cốt triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong cộng đồng thôn/bản/tổ dân phố.
Theo đồng chí Hoàng Văn Thiên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng. Một số kế hoạch, nội dung về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực này đã được tỉnh ban hành và triển khai có hiệu quả. Qua đó, đội ngũ nhân lực CNTT của tỉnh Bắc Kạn đã được hình thành, song còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Thời gian tới, Sở tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực CNTT phù hợp.
Thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, ngày 01/6/2022, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành kế hoạch với các nhóm giải pháp cụ thể.
Về nhóm các nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số, tỉnh dự kiến tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, công nghệ số cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác tham mưu chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cấp xã.
Đào tạo, bồi dưỡng tối thiểu 20 chuyên gia chuyển đổi số được cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới nhất về chuyển đổi số, công nghệ số; hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số của tỉnh. Phối hợp triển khai Chương trình “Học từ làm việc thực tế” để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tế và đặt hàng của doanh nghiệp.
Đào tạo giáo viên dạy các hoạt động giáo dục liên quan đến tin học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ, kỹ thuật và nghệ thuật trong các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông về phương pháp STEM/STEAM; tổ chức chương trình STEM/STEAM trong giáo dục phổ thông.
Đây là những giải pháp mà Bắc Kạn từng bước triển khai, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT, phục vụ công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh./.