Bắc Kạn nỗ lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Những năm qua, việc triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh Bắc Kạn chính là 'chìa khóa' giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vươn lên thoát nghèo. Để tiếp tục phát huy nguồn lực này, tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV vừa qua, từ kinh nghiệm thực tiễn, nhiều địa phương tiếp tục đề xuất các giải pháp hữu hiệu với quyết tâm xây dựng vùng đồng bào DTTS đổi mới, phát triển toàn diện.
Ưu tiên đầu tư vùng khó khăn
Với phương châm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tỉnh Bắc Kạn đã từng bước triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, tạo động lực lớn cho tỉnh đẩy nhanh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh đã phân bổ trên 3.300 tỷ đồng thực hiện các nội dung chính sách của các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tập trung cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn; giải quyết những vấn đề bức thiết về nhà ở, nước sinh hoạt, sắp xếp bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu. Đến nay, toàn tỉnh đã chung tay xóa được gần 1.100 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo bảo đảm “3 cứng”…
Điển hình như huyện Chợ Mới, nhờ nguồn vốn từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình 1719) và các nguồn vốn từ các dự án, chương trình, chính sách khác, kết thúc năm 2023, huyện Chợ Mới đã có 29 chỉ tiêu chủ yếu cơ bản đạt và vượt kế hoạch; hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện; ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện đã công nhận thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân/người là 40,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 2 - 2,5%, năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 16,14%, hộ cận nghèo là 10,66%.
Cùng với đầu tư hạ tầng, nhà ở, đất ở, đất sản xuất, tỉnh Bắc Kạn đặc biệt chú trọng các hợp phần hỗ trợ sản xuất cho đồng bào DTTS. Như tại Pác Nặm - huyện khó khăn nhất của tỉnh, riêng năm 2023 đã thực hiện 4 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng về chăn nuôi và trồng trọt tại 2 xã Bằng Thành và Bộc Bố. Đồng thời, triển khai 2 dự án chăn nuôi lợn thịt bản địa, quy mô 100 con/dự án ở xã Bằng Thành; 1 dự án trồng lê quy mô 5ha và 1 dự án chăn nuôi bò sinh sản quy mô 30 con tại xã Bộc Bố với mục tiêu tạo sản phẩm hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị, năng suất và chất lượng sản phẩm.
Từ nguồn vốn của Chương trình 1719, trong hai năm 2022 - 2023, tỉnh đã có 57 công trình nước sinh hoạt tập trung được triển khai tại các thôn, bản còn khó khăn về nước sạch. Ngoài ra, tỉnh cũng giao trên 18 tỷ đồng cho các địa phương mua téc nước, vòi nước, tạo nguồn nước sinh hoạt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS, góp phần nâng cao sức khỏe của cộng đồng. Đồng thời, thực hiện nhiều chương trình, dự án vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2019 - 2024 như chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số”; Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS”… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, kéo giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.
Khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người dân
Chính sách của các Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình 1719 đã từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, tạo cơ hội việc làm và ổn định thu nhập cho người dân vùng nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn đến các dịch vụ cơ bản của xã hội. Đồng thời, tạo niềm tin của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đối với sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Nhà nước trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đại diện Sở Tài chính, 2022 - 2024 là giai đoạn đầu thực hiện các Chương trình MTQG nên các cơ chế chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành Trung ương ban hành chưa kịp thời, nhiều nội dung chưa rõ ràng, đồng bộ, thống nhất. Nắm bắt được những khó khăn đó, Sở đã chủ động nghiên cứu, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các Chương trình cho các đơn vị, địa phương. Đến thời điểm này, các khó khăn đã cơ bản được giải quyết. Trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, các bộ, ngành Trung ương cũng đã ban hành nhiều quy định, văn bản hướng dẫn rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các địa phương. Từ đó, các địa phương đã bớt lúng túng trong triển khai thực hiện, công việc dần đi vào nề nếp.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế nhất định, như: nhận thức, cách hiểu, cập nhật, nghiên cứu văn bản của cán bộ, công chức cấp xã chưa đầy đủ và còn những hạn chế; số lượng công chức cấp xã trực tiếp triển khai thực hiện các Chương trình MTQG rất ít và phải thực hiện rất nhiều công việc khác của địa phương. Bên cạnh đó, vẫn còn một số văn bản hướng dẫn chưa thực sự rõ ràng; quy trình triển khai thực hiện một số dự án có tỷ trọng vốn lớn khá phức tạp, phải thực hiện qua nhiều bước… dẫn đến việc tổ chức thực hiện các Chương trình còn chậm, tỷ lệ giải ngân đạt thấp.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV.2024, nhiều địa phương đã hiến kế giải pháp thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG. Theo đó, các đại biểu cho rằng, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện, phát huy tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là vai trò của người đứng đầu và bộ phận tham mưu trực tiếp. Chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát tình hình triển khai thực hiện các Chương trình tại các đơn vị, địa phương; kịp thời nắm bắt những bất cập, khó khăn, vướng mắc để trực tiếp hướng dẫn hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân đối với công tác dân tộc và các chính sách dân tộc. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị phải tham gia; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người dân tộc thiểu số, nhất là người dân tộc thiểu số nghèo…