Bắc Kạn: Số ca sốt phát ban nghi sởi tiếp tục tăng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn, dịch bệnh sởi hiện đang diễn biến rất phức tạp, một số địa phương trên địa bàn tỉnh ghi nhận số ca sốt phát ban nghi sởi tiếp tục tăng.

Một bệnh nhân của tỉnh Cao Bằng đang được điều trị tích cực tại Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm (Bắc Kạn).
Tính từ đầu năm 2025 đến ngày 15/4, các đơn vị y tế trong tỉnh đã tiếp nhận 241 bệnh nhân sốt phát ban nghi bệnh sởi (tăng 240 ca so cùng kỳ năm 2024). Trong đó, có 139 ca ngoại tỉnh, 103 ca trong tỉnh, rải rác tại các huyện Pác Nặm, Ba Bể, Chợ Đồn...
Hiện 17 ca đang được điều trị tích cực tại các cơ sở y tế trong tỉnh và ghi nhận 01 ca bệnh nhân của tỉnh Cao Bằng đã tử vong do bệnh sởi tại Trung tâm Y tế Pác Nặm.
Qua theo dõi trên hệ thống tiêm chủng, đa số các trường hợp nghi mắc sởi đều chưa được tiêm vắc xin có thành phần sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ.
Tiêm vắc xin phòng dịch sởi tại Trạm Y tế xã Cốc Đán (Ngân Sơn).
Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi thời gian gần đây, ngành Y tế tỉnh Bắc Kạn đã chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan./.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan thành dịch.
Bệnh sởi biểu hiện chính là sốt, phát ban, trẻ mắc sởi thường sốt cao, khi sốt giảm sẽ xuất hiện ban dạng sẩn ở sau tai, sau đó lan ra mặt, lan dần xuống ngực, bụng và toàn thân, từ sau 7-10 ngày ban biến mất theo thứ tự đã nổi trên da và để lại những vết thâm thường gọi là “vằn da hổ.”
Một số trường hợp biểu hiện kèm theo chảy nước mũi, ho, đỏ mắt, tiêu chảy. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng thường có một số biến chứng như viêm tai giữa cấp, viêm não, tiêu chảy và ói mửa, mờ hoặc loét giác mạc, có thể mù lòa, suy dinh dưỡng nặng, viêm phổi nặng có thể dẫn đến tử vong.
Với phụ nữ có thai, bệnh sởi cũng có tác động xấu đến sức khỏe của mẹ và ảnh hưởng tới thai nhi.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/bac-kan-so-ca-sot-phat-ban-nghi-soi-tiep-tuc-tang-post70249.html