Bắc Kạn với tiềm năng phát triển điện sinh khối

Điện sinh khối là dạng năng lượng tái tạo, sử dụng sinh khối để sản xuất điện năng, hướng tới mục tiêu phát triển nền năng lượng carbon thấp.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình tiếp và làm việc với liên doanh Tập đoàn T&T và Tập đoàn Erex Nhật Bản đến khảo sát, nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy hoạch dự án điện sinh khối trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình tiếp và làm việc với liên doanh Tập đoàn T&T và Tập đoàn Erex Nhật Bản đến khảo sát, nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy hoạch dự án điện sinh khối trên địa bàn tỉnh.

Bắc Kạn được đánh giá là tỉnh có tiềm năng về năng lượng sinh khối. Tỉnh có tỷ lệ độ che phủ rừng cao nhất cả nước (73,4%), các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, phong phú. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 diện tích rừng trồng đạt 100.000ha, diện tích khai thác từ 5.500 – 6.500ha/năm, với trữ lượng khoảng 700.000 – 900.000m3/năm, sản xuất ra 300.000m3 sản phẩm. Bên cạnh sản phẩm gỗ thương phẩm thu hoạch từ khai thác rừng trồng, một lượng lớn phụ phẩm từ rừng, chế biến gỗ cũng hình thành, bao gồm vỏ cây, cành, lá, mùn cưa, dăm gỗ… Theo ước tính, lượng phụ phẩm này chiếm tỷ trọng khoảng 30-35% tổng sản lượng gỗ khai thác từ rừng. Đây là nguồn sinh khối rất lớn có thể tận dụng làm nguyên liệu phục vụ phát triển điện sinh khối.

Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy điện sinh khối đi vào hoạt động và chưa có trong Quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh hoặc danh mục các dự án nguồn điện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 428/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030). Do đó, việc đề xuất bổ sung vào quy hoạch dự án nhà máy điện sinh khối trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là cần thiết, nhằm phát triển năng lượng tái tạo, phù hợp với mục tiêu phát triển nền năng lượng carbon thấp, bảo vệ môi trường.

Theo Sở Công thương, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương nhà đầu tư Công ty Cổ phần Nhựa đường Dầu khí Việt Nam khảo sát, lập báo cáo đề xuất bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bắc Kạn. Dự án nhà máy điện sinh khối Cẩm Giàng với quy mô công suất 30MW dự kiến đặt tại Cụm Công nghiệp Cẩm Giàng (Bạch Thông). Theo tính toán của chủ đầu tư, sản lượng khai thác từ rừng trồng trên địa bàn tỉnh hằng năm khoảng 6.500ha/năm, tổng khối lượng sinh khối phát sinh khoảng 341.250 tấn/năm. Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu sinh khối cho 1MW điện khoảng 6.770 tấn/năm.

Dự án nhà máy điện sinh khối Bắc Kạn hiện được UBND tỉnh trình Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch. Ngoài ra, phát triển điện sinh khối là một trong những hướng ưu tiên mà tỉnh rất quan tâm. Vừa qua, UBND tỉnh đã tiếp và làm việc với liên doanh Tập đoàn T&T và Tập đoàn Erex Nhật Bản đến khảo sát, nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy hoạch dự án điện sinh khối trên địa bàn tỉnh, với quy mô công suất khoảng 100MV tại địa bàn huyện Chợ Mới.

Theo đại diện liên doanh Tập đoàn T&T và Tập đoàn Erex Nhật Bản, phát triển dự án điện sinh khối tại Bắc Kạn không chỉ tận dụng các nguồn sinh khối từ gỗ rừng trồng, dự án điện sinh khối còn có thể sử dụng phế liệu từ sản xuất nông nghiệp tạo nguồn nguyên liệu dồi dào, góp phần tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường.

Tại Khu Công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới), cùng với hoạt động sản xuất, chế biến gỗ là một lượng lớn phụ phẩm như mùn cưa, dăm gỗ… có thể tận dụng làm nguyên liệu phục vụ phát triển điện sinh khối trên địa bàn.

Tại Khu Công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới), cùng với hoạt động sản xuất, chế biến gỗ là một lượng lớn phụ phẩm như mùn cưa, dăm gỗ… có thể tận dụng làm nguyên liệu phục vụ phát triển điện sinh khối trên địa bàn.

Tại buổi làm việc với đại diện Tập đoàn T&T và Tập đoàn Erex Nhật Bản về việc khảo sát, nghiên cứu điện sinh khối tại tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình đã nhấn mạnh, Bắc Kạn coi phát triển năng lượng sạch là ưu tiên trong phát triển công nghiệp của địa phương. Tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển, liên doanh Tập đoàn T&T và Tập đoàn Erex Nhật Bản có thể đầu tư nhà máy điện sinh khối tại địa điểm quy hoạch Cụm Công nghiệp Khe Lắc, xã Thanh Thịnh (Chợ Mới). Đây là địa điểm rất thuận lợi, cơ bản đáp ứng các điều kiện để triển khai xây dựng nhà máy điện sinh khối như mặt bằng tương đối bằng phẳng, gần nguồn nguyên liệu, rộng khoảng 15ha, gần Quốc lộ 3 và gần nguồn nước (sông Cầu) đảm bảo để cung cấp cho hoạt động của nhà máy. Đồng thời ở vị trí thuận tiện cho việc đấu nối điện vào mạng lưới điện quốc gia…

Để có cơ sở triển khai, Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan tích cực phối hợp, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiến hành khảo sát thực tế tại địa phương về địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy, khả năng cung cấp nguồn sinh khối… Trên cơ sở đó lập hồ sơ, báo cáo, tham mưu tỉnh đề xuất Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự án điện sinh khối vào quy hoạch, nhằm phát triển các dự án điện sinh khối theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay.

Với tiềm năng phát triển điện sinh khối, cùng với việc đề xuất bổ sung các dự án điện sinh khối đưa vào quy hoạch. Trên cơ sở đó, triển khai xây dựng, sử dụng hiệu quả và phát triển điện sinh khối tại tỉnh trong thời gian tới, sẽ góp phần nâng cao nguồn năng lượng, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân..../.

Khác với các nguồn điện được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch như dầu khí hay than, điện sinh khối là nguồn điện được tạo ra bằng cách sử dụng nguyên liệu sinh khối. Trong tự nhiên, sinh khối được dùng để chỉ tất cả các loại cây cối, cây trồng công nghiệp, các loại thực vật hoặc bã nông, lâm nghiệp như rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp, lá khô, vụn gỗ, giấy vụn, viên nén gỗ… hay metan từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải, phân từ các trại chăn nuôi gia súc và gia cầm.

Anh Thúy

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202203/bac-kan-voi-tiem-nang-phat-trien-dien-sinh-khoi-fa920ca/