Bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm vụ 'VN Pharma buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh'
HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền được dùng thuốc chất lượng và điều trị bệnh của bệnh nhân; giúp sức cho Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch VN Pharma) hợp thức hóa hồ sơ nhập thuốc H-Capita 500mg Caplet (thuốc H-Capita), nên không có căn cứ để giảm án.
Sau 2 ngày xét xử phúc thẩm và nghị án vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma (VN Pharma). Ngày 20/5, HĐXX TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên bác kháng cáo và y án sơ thẩm đối với 7 bị cáo có đơn kháng cáo.
Các bị cáo bị tuyên y án sơ thẩm, gồm: Võ Mạnh Cường (SN 1978, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải Quốc tế H&C) 20 năm tù; Nguyễn Trí Nhật 12 năm và Ngô Anh Quốc (cả 2 đều là nguyên Phó Tổng Giám đốc VN Pharma) 11 năm, cộng 5 năm tù của TAND Cấp cao tại TP Hà Nội thành 16 năm tù; Phan Cẩm Loan (nguyên Phó trưởng phòng Xuất nhập khẩu VN Pharma) 7 năm; Lê Thị Vũ Phương (nguyên Kế toán trưởng VN Pharma) 5 năm; Phạm Anh Kiệt (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn) 3 năm; Phạm Quỳnh Trang 4 năm.
Trước đó, trong đơn kháng cáo của mình, bị cáo Cường và Kiệt kêu oan. Tuy nhiên, sau nhiều lần phiên tòa phúc thẩm bị hoãn vì nhiều lý do, cả 2 bị cáo này thay đổi nội dung kháng cáo, bị cáo Cường xin giảm nhẹ hình phạt, còn Kiệt xin hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền được dùng thuốc chất lượng và điều trị bệnh của bệnh nhân; giúp sức cho Nguyễn Minh Hùng (SN 1978, nguyên Chủ tịch VN Pharma, sơ thẩm xử 17 năm tù và không kháng cáo) hợp thức hóa hồ sơ nhập thuốc H-Capita. Tại cấp sơ thẩm đã xem xét, đánh giá đầy đủ vị trí, vai trò của các bị cáo và đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ nên không có căn cứ để giảm án.
Đối với kiến nghị của Viện KSND TP Hồ Chí Minh được bản án sơ thẩm chuyển lên cấp phúc thẩm đề nghị làm rõ vai trò của ông Ngô Nhật Phương (SN 1960, người làm chứng, có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; ngụ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đã trực tiếp giao nộp cho Cơ quan ANĐT Bộ Công an 10 tài liệu có liên quan nội dung công văn số 77 của Bộ Y tế, có dấu hiệu của tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”.
Theo HĐXX phúc thẩm, Cơ quan ANĐT Bộ Công an trả lời không có căn cứ khởi tố vụ án, nên tòa phúc thẩm quyết định tách khỏi vụ án, không tiếp tục kiến nghị.
Theo nội dung vụ án, lô thuốc H-Capiata (9.300 hộp) chưa có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nên cần phải có hồ sơ pháp lý nộp cho Cục Quản lý dược - Bộ Y tế để thẩm định, cấp phép nhập khẩu. Vì vậy khi Võ Mạnh Cường chào lô thuốc nêu trên, Nguyễn Minh Hùng đã yêu cầu cung cấp hồ sơ pháp lý nhưng Cường chỉ cung cấp được các tài liệu gồm: Giấy chứng nhận lưu hành tự do (FSC) của thuốc H-Capita; Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) do Bộ Y tế Canada cấp cho Công ty Helix Pharmaceuticals Inc (Công ty Helix Canada), trụ sở tại Canada, được đóng dấu hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada và ký tên tham tán Nguyễn Văn Quyền, cùng 1 hộp thuốc gốc (hộp thuốc mẫu) và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc gốc (toa thuốc gốc).
Sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định tất cả các loại giấy tờ do Hùng và Cường cùng các đồng phạm lập ra để xin giấy phép nhập khẩu thuốc H-Capiata đều là giả. Lô thuốc H-Capita dùng để chữa bệnh ung thư có nguồn gốc từ Ấn Độ, không phải Canada. Công ty Helix Canada là công ty “ma”. Con dấu hợp pháp hóa lãnh sự và chữ ký của tham tán Nguyễn Văn Quyền trên FSC, GMP đều là giả. Trong vụ án này, bị cáo Hùng và Cường được xác định giữ vai trò cầm đầu, chủ mưu.
Sau khi có bản án sơ thẩm, ngày 31/10/2019, Nguyễn Minh Hùng và 6 đồng phạm tiếp tục bị khởi tố về tội danh tương tự, do móc nối Võ Mạnh Cường mua 4 loại thuốc kháng sinh không rõ nguồn gốc và xuất xứ, gồm: Kafotax - 1000, Kaderox - 250, H2K Levfloxacin và H2K Coprofloxacin bán hết ra thị trường.
Tiếp đó, Cơ quan ANĐT Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1976, Phó phòng Quản lý giá thuốc Cục Quản lý dược) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Cục Quản lý dược.